Tiếp tục nâng cao hiệu quả của Tủ sách pháp luật
Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, qua 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình Tủ sách pháp luật (TSPL) đã đi vào cuộc sống, hướng về cơ sở; đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật của cán bộ, công chức, chiến sĩ; tạo điều kiện để người dân tiếp cận thông tin pháp luật một cách dễ dàng.
Tạo thuận lợi trong tiếp cận thông tin pháp luật
Trên địa bàn Đồng Nai hiện có 803 TSPL (739 tủ sách tại các trường học, cơ sở giáo dục và 64 tủ sách thuộc cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang). Số lượng đầu sách được bổ sung thường xuyên để đáp ứng nhu cầu đọc của cán bộ, chiến sĩ và học sinh, sinh viên với trung bình mỗi năm thu hút hơn 600 ngàn lượt mượn đọc. Trong đó, ngành công an triển khai rất hiệu quả mô hình này.
Cụ thể, hiện số lượng đầu sách còn hiệu lực trong TSPL của Công an tỉnh có 1.885 đầu sách/7.583 cuốn sách và có 2.006 đầu sách/6.458 cuốn sách tại các đơn vị, địa phương. TSPL được mở cửa 8/24h/ngày, phục vụ từ 70-80 lượt cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị trực thuộc Công an tỉnh đến khai thác, tra cứu tại chỗ hoặc đăng ký mượn để học tập, nghiên cứu. Các loại sách, tài liệu rất phong phú như: Hiến pháp qua các thời kỳ; văn bản các kỳ họp Quốc hội; hệ thống các bộ luật, luật, pháp lệnh; Công báo Trung ương và Công báo do UBND tỉnh xuất bản; báo, tạp chí pháp luật chuyên ngành…
Nhiều địa phương, trong đó có Đồng Nai, kiến nghị Bộ Tư pháp sớm hoàn thiện và đưa vào hoạt động TSPL điện tử trên phạm vi toàn quốc để cán bộ, công chức, nhân dân có thể thuận lợi khai thác, tìm hiểu khi có nhu cầu…
Công an tỉnh còn biên soạn tài liệu về đặc điểm một số loại tội phạm hình sự có tính phổ biến và cách phòng, chống như: tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác; tội cướp giật tài sản; tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản... để phục vụ công tác tuyên truyền, sinh hoạt tại các tổ nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của TSPL, thư viện; xây dựng, bổ sung vốn tài liệu phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ của cán bộ, chiến sĩ trong tình hình mới.
Trung tá Nguyễn Gia Tú (Ban Tuyên huấn, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh) cho biết, hiện các cơ quan quân sự trên địa bàn tỉnh có 16 TSPL. Hàng năm, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh có văn bản chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng xây dựng, quản lý, khai thác TSPL; chỉ đạo thực hiện rà soát, lên danh mục sách mới, sửa đổi, bổ sung có liên quan đến các văn bản pháp luật mới, các văn bản pháp luật liên quan đến đời sống - xã hội, lực lượng vũ trang để bổ sung cho TSPL.
TSPL được các cơ quan, đơn vị của lực lượng vũ trang bố trí đặt tại nơi thuận tiện cho việc quản lý, khai thác phù hợp với điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị, đáp ứng nhu cầu đọc tại chỗ và mượn sách đọc của cán bộ, chiến sĩ. Trong đó, chủ yếu các đơn vị bố trí TSPL trong thư viện đọc của các đơn vị. Mỗi ngày, TSPL của các đơn vị đã thu hút hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đọc, nghiên cứu, đặc biệt là tại các đơn vị chiến sĩ mới.
Tại Hội thảo trực tuyến Tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg ngày 13-3-2019 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý, khai thác TSPL ngày
23-12-2024, Phó cục trưởng Cục Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL - Bộ Tư pháp) Phan Hồng Nguyên cho hay, hiện cả nước có trên 10,2 ngàn TSPL, trong đó có 1.722 TSPL tại các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã thuộc các huyện nghèo. Trong lực lượng quân đội, công an có hơn 9.329 TSPL với hàng triệu đầu sách, báo, tài liệu các loại. Các hình thức khai thác, sử dụng chủ yếu là đọc tại chỗ hoặc mượn về đọc.
“Nhìn chung, những kết quả đạt được sau 5 năm đã khẳng định TSPL đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật của cán bộ, công chức ở cơ sở, cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân, công an nhân dân ở cơ quan, đơn vị và đáp ứng một phần nhu cầu tìm hiểu pháp luật của một bộ phận nhân dân. Đặc biệt, TSPL được xây dựng, khai thác ở hầu hết các xã đặc biệt khó khăn đã góp phần giảm chênh lệch về điều kiện tiếp cận thông tin pháp luật giữa khu vực thành thị và vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới” - ông Phan Hồng Nguyên đánh giá.
Đổi mới và phát triển
Bên cạnh kết quả đạt được, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, việc thực hiện TSPL còn những tồn tại, hạn chế. Chất lượng sách, báo, tài liệu pháp luật trong một số TSPL chưa thực sự phù hợp và đáp ứng nhu cầu của người đọc. Việc khai thác, sử dụng TSPL của cán bộ, công chức là chủ yếu, song cũng giảm đáng kể so với trước đây. Trong bối cảnh công nghệ thông tin, chuyển đổi số phát triển mạnh mẽ thì văn hóa đọc đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhất là số lượng người đến mượn, tìm đọc tại các TSPL ở cơ sở còn khiêm tốn, người dân chủ yếu tìm hiểu pháp luật qua thông qua internet, báo điện tử...
Trước tình hình trên, tại hội thảo trực tuyến nêu trên, đại diện các bộ, ngành, địa phương đều cho rằng, TSPL cần có sự đổi mới, sáng tạo phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn.
Theo đó, cần duy trì TSPL trong cơ quan, đơn vị của lực lượng vũ trang nhân dân; chú trọng xây dựng, nhân rộng các loại hình TSPL tự quản tại cộng đồng để phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân. Thường xuyên thông tin về TSPL, tổ chức các hoạt động (triển lãm, giới thiệu sách, tài liệu pháp luật...) vào dịp Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam (21-4), Ngày Pháp luật Việt Nam (11-9)... để thu hút cán bộ, công chức, chiến sĩ và người dân nhằm hình thành thói quen đọc sách, nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức pháp luật thông qua việc đọc sách, báo, tài liệu pháp luật.
Ngoài ra, công tác PBGDPL cần tiếp tục được đổi mới, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong xây dựng, quản lý, khai thác TSPL. Cùng với đó, cần đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa, huy động nguồn lực xã hội và sự đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân cho việc xây dựng, phát triển mô hình TSPL đang được khai thác, sử dụng hiệu quả ở cơ sở và tại cộng đồng dân cư.