Tiếp tục lấy ý kiến sửa đổi toàn diện Luật Ngân sách nhà nước
Trong 14 nội dung sửa đổi, hoàn thiện có quy định mức dư nợ vay của chính quyền địa phương thu gọn từ 3 nhóm địa phương xuống còn 2 nhóm địa phương và nâng mức dư nợ vay so với quy định hiện hành.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp. Ảnh HL
Tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ nhất, sáng 19/4, Ủy ban Kinh tế và tài chính Qốc hội thẩm tra Dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi).
Theo tờ trình của Bộ Tài chính, lần sửa đổi này bãi bỏ nhiều nội dung, trong đó bỏ quy định các nguyên tắc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và quan hệ giữa các cấp ngân sách trong thời kỳ ổn định ngân sách; bỏ quy định tổng mức hỗ trợ vốn đầu tư phát triển hằng năm của ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương tối đa không vượt quá 30% tổng chi đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách trung ương.
Trong 14 nội dung sửa đổi, hoàn thiện có quy định mức dư nợ vay của chính quyền địa phương thu gọn từ 3 nhóm địa phương xuống còn 2 nhóm địa phương và nâng mức dư nợ vay so với quy định hiện hành.
Cụ thể, Dự thảo quy định mức dư nợ vay đối với các địa phương không nhận bổ sung cân đối không vượt quá 120%; với các địa phương có nhận bổ sung cân đối, mức dư nợ vay không vượt quá 80%.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Vũ Thị Lưu Mai cho biết, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban tán thành về chủ trương, tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo đánh giá tác động cụ thể đến các chỉ tiêu về an toàn nợ công; làm rõ căn cứ điều chỉnh; làm rõ khả năng trả nợ của địa phương, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế vĩ mô biến động; tính hợp lý của tỷ lệ này khi nhiều địa phương sáp nhập theo Nghị quyết số 60.
Về điều chỉnh dự toán, dự thảo Luật điều chỉnh thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sang thẩm quyền của Chính phủ quyết định điều chỉnh nhiệm vụ thu, chi của một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương và một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và báo cáo Quốc hội trong một số trường hợp và bổ sung trường hợp điều chỉnh: Số thu dự kiến tăng cần phải điều chỉnh nhiệm vụ chi so với dự toán được Quốc hội quyết định; điều chỉnh cơ cấu chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên hoặc điều chỉnh các lĩnh vực chi đã được Quốc hội quyết định.
Bà Mai phản ánh đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban thẩm tra đề nghị không chuyển thẩm quyền từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội sang thẩm quyền của Chính phủ. Vì, theo quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành, Quốc hội có thẩm quyền quyết định dự toán NSNN, trong đó Quốc hội quyết định chi tiết theo chi đầu tư phát triển, chi dự trữ quốc gia, chi thường xuyên, chi trả nợ lãi, chi viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng ngân sách….
Về nguyên tắc cơ quan nào ban hành văn bản thì cơ quan đó có thẩm quyền điều chỉnh, Luật NSNN 2015 giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh dự toán NSNN trong một số trường hợp, bản chất là Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm tạo thuận lợi trong quá trình điều hành ngân sách, bà Mai nêu.
Về các trường hợp điều chỉnh cụ thể, đối với nội dung điều chỉnh trong trường hợp “điều chỉnh cơ cấu chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên hoặc điều chỉnh các lĩnh vực chi đã được Quốc hội quyết định”, Thường trực cơ quan thẩm tra đề nghị không giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ điều chỉnh trong trường hợp này, vì đây là nội dung lớn, liên quan cơ cấu ngân sách, thẩm quyền của Quốc hội trong việc phân bổ ngân sách theo ngành, lĩnh vực.
Liên quan đến thường vượt thu, dự thảo Luật quy định mức thưởng không quá 10%, tối đa 200 tỷ đồng. Đề nghị từ Thường trực cơ quan thẩm tra là chỉ quy định về tỷ lệ thưởng (10%), không quy định khống chế mức tối đa 200 tỷ đồng nhằm khuyến khích địa phương trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng cửa khẩu, góp phần tăng lưu lượng hàng hóa, tăng thu cho NSNN. Thường trực Ủy ban cũng đề nghị không bó hẹp về sử dụng nguồn kinh phí được thưởng, nên quy định theo hướng ưu tiên chi cho các công trình kết cấu hạ tầng trên địa bàn cửa khẩu của địa phương và các nhiệm vụ cần thiết khác của địa phương.
Các ý kiến thảo luận tại phiên họp đều tán thành sửa đổi luật để đáp ứng yêu cầu mới, song cho rằng, vẫn phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, không nên mở quá rộng như dự thảo.
Nhấn mạnh Luật Ngân sách nhà nước là đạo luật rất quan trọng, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý lần sửa đổi này phải đặt trong bối cảnh đất nước chuyển mình, tăng tốc chứ không chỉ đơn thuần sửa về kỹ thuật. Ông Hải đề nghị Ban soạn thảo cần tổ chức thêm hội thảo, lấy ý kiến chuyên gia hoàn thiện dự thảo theo hướng tạo hành lang pháp lý thuận lợi để giảm chi thường xuyên, tăng nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Thời gian ngắn nên sửa luật phải có trọng tâm, trọng điểm, phải đảm bảo bội chi trong giới hạn, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý.
Thay mặt Ban soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết Bộ đã rất tập trung cho dự án luật, song thời gian chỉ có hơn 1 tháng, các vấn đề đặt ra rất lớn, nên còn nhiều nội dung chưa đảm bảo chặt chẽ, chưa đáp ứng yêu cầu.
Tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, Ban soạn thảo sẽ báo cáo lại Chính phủ, tiếp tục hoàn thiện dự thảo để trình Quốc hội, Thứ trưởng cho hay.
Đánh giá cao sự chuẩn bị của Ban soạn thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi lưu ý, lần này sửa toàn diện nên cần tiếp tục lấy ý kiến chuyên gia, làm sao để đảm bảo sự chủ đạo của ngân sách trung ương, chủ động của ngân sách địa phương.
Theo dự kiến, dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 khai mạc ngày 5/5 tới.