Tiếp tục lan tỏa tinh thần 'mạch 3' khắc phục sự cố lưới điện 220 kV-500 kV sau bão

Từ chỉ đạo của Thủ tướng 'Chỉ bàn làm, không bàn lùi' khi thi công đường dây 500 kV mạch 3, tinh thần đó được tiếp nối trong khắc phục sự cố lưới điện do bão.

Do ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi) đã đổ bộ vào đất liền Quảng Ninh - Hải Phòng, với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (103-133 km/h), giật cấp 15, gây thiệt hại nghiêm trọng đến lưới truyền tải điện quốc gia khu vực cơn bão đi qua.

Cán bộ, công nhân Công ty Truyền tải điện 1 xuyên đêm sửa chữa xử lý sự cố đường dây 500 kV Nhiệt điện Thăng Long - Quảng Ninh. Ảnh: PTC1

Cán bộ, công nhân Công ty Truyền tải điện 1 xuyên đêm sửa chữa xử lý sự cố đường dây 500 kV Nhiệt điện Thăng Long - Quảng Ninh. Ảnh: PTC1

Đại diện Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1) cho biết: Cơn bão đã gây sự cố cho 9 đường dây 500 kV, 34 đường dây 220 kV, làm mất điện toàn bộ tại 2 trạm biến áp 500 kV cùng 8 trạm biến áp 220 kV.

Để kịp thời khắc phục các sự cố cơn bão số 3 gây ra, PTC1 đã huy động lực lượng cán bộ, công nhân đến từ các đơn vị truyền tải: Truyền tải điện Hà Nội hỗ trợ cho Truyền tải điện Đông Bắc 2 ở Hải Phòng; Truyền tải điện Nghệ An, Truyền tải điện Đông Bắc 3, Truyền tải Điện Hòa Bình, Truyền tải điện Tây Bắc, Truyền tải điện Hà Tĩnh ra Quảng Ninh tăng cường cho Truyền tải điện Đông Bắc 2.

Tiếp tục lan tỏa tinh thần “mạch 3”

Trưa ngày 10/9, chúng tôi đã kịp có mặt tại những vị trí cuối cùng của đường dây 220 kV Tràng Bạch - Uông Bí, Uông Bí - Yên Hưng và Sơn Động - Hoành Bồ. Đây là 3 tuyến đường dây cuối cùng đang được những người thợ truyền tải điện khắc phục sự cố để lưới điện 220 kV-500 kV ở Quảng Ninh đi vào vận hành, kịp thời giải tỏa công suất các nhà máy nhiệt điện ở Quảng Ninh và Sơn Động (Bắc Giang), đảm bảo cho các khu công nghiệp sản xuất, kinh doanh quay trở lại hoạt động bình thường.

Các đơn vị Truyền tải tại các tỉnh đã điều nhân lực đến hỗ trợ cho Truyền tải Đông Bắc 1 (Quảng Ninh) để sửa chữa sự cố lưới điện cao thế do bão số 3. Ảnh: Thu Hường

Các đơn vị Truyền tải tại các tỉnh đã điều nhân lực đến hỗ trợ cho Truyền tải Đông Bắc 1 (Quảng Ninh) để sửa chữa sự cố lưới điện cao thế do bão số 3. Ảnh: Thu Hường

Là một trong những cán bộ kỹ thuật tham gia đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối với nhiệm vụ là cán bộ tư vấn, giám sát từ vị trí 350-373 thuộc cung đoạn Quảng Trạch - Quỳnh Lưu, anh Trương Sỹ Lâm - Truyền tải Điện Nghệ An - cho biết: Sau khi đường dây được khánh thành, chúng tôi cũng chưa kịp nghỉ ngơi, tuy nhiên khi nghe tin lưới điện 220 kV-500 kV ở Quảng Ninh bị tê liệt bởi bão số 3, do vậy khi được lệnh của cấp trên, 16 cán bộ, công nhân kỹ thuật của Truyền tải điện Nghệ An đã vui vẻ lên đường nhận nhiệm vụ.

Anh Trương Sỹ Lâm cho biết, trước khi ra Quảng Ninh hỗ trợ tăng cường cho công tác xử lý sự cố đường dây 220 kV Tràng Bạch - Uông Bí, 500 kV Mông Dương - Quảng Ninh và T500 Quảng Ninh, anh cũng đã tham gia công trình đường dây 500 kV mạch 3 với vai trò là cán bộ tư vấn, giám sát.

Anh Trương Sỹ Lâm sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở công trình đường dây 500kV mạch 3, tiếp tục lên đường ra Đông Bắc để tăng cường cho công tác khắc phục sự cố lưới điện 220kV-500kV ở Quảng Ninh. Ảnh: Thu Hường

Anh Trương Sỹ Lâm sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở công trình đường dây 500kV mạch 3, tiếp tục lên đường ra Đông Bắc để tăng cường cho công tác khắc phục sự cố lưới điện 220kV-500kV ở Quảng Ninh. Ảnh: Thu Hường

Từ tối ngày 7/9, những người thợ Truyền tải điện Nghệ An đã lên đường ngay trong đêm để rạng sáng ngày 8/9 các anh đã có mặt tại TBA 500 kV Quảng Ninh, ngay lập tức bắt tay vào công việc.

Hành trang ra Quảng Ninh của những người thợ Truyền tải điện ngoài vật dụng cá nhân, các anh cũng mang đầy đủ thiết bị phục vụ thi công như: máy phát điện, đèn chiếu sáng đêm, máy tời, máy ép…

Đến chiều ngày 8/9, công tác xử lý sự cố ở TBA 500 kV Quảng Ninh hoàn thành, những người thợ Truyền tải với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”… chỉ kịp ăn nhanh gói mì tôm, có người thì ăn lương khô với chai nước lọc để sau đó tiếp tục leo lên cột cao xử lý sự cố của đường dây 500 kV Quảng Ninh – Nhiệt điện Thăng Long.

Truyền tải điện Nghệ An tăng cường hỗ trợ thi công tổn thương đường dây 500 kV Nhiệt điện Thăng Long - Quảng Ninh. Ảnh: PTC1

Truyền tải điện Nghệ An tăng cường hỗ trợ thi công tổn thương đường dây 500 kV Nhiệt điện Thăng Long - Quảng Ninh. Ảnh: PTC1

Được biết, gió bão giật cấp 15 là hất và cuốn theo nhiều vật thể bay lên không trung văng vào dây điện làm tổn thương đường dây. Nhiều điểm, đường dây gần như đứt lìa.

Công tác thi công trên cao, trong điều kiện mưa bão là những ấn tượng và trải nghiệm mà các anh chưa từng gặp phải. Cơn bão số 3 vừa đi qua nhưng hoàn lưu của bão khiến Quảng Ninh và các tỉnh đồng bằng Bắc bộ đêm ngày 8/9 mưa rất to. Vậy mà trong mưa đêm, trên cột cao hàng chục mét các anh vẫn soi đèn sửa chữa đường dây.

Bốn người leo cột xử lý tổn thương đường dây, lực lượng còn lại gánh máy phát điện và soi đèn. Đến 3h sáng ngày 9/9, công việc xử lý tổn thương của đường dây 500kV Quảng Ninh – Nhiệt điện Thăng Long kết thúc”, anh Lâm nói.

Những người thợ Truyền tải triển khai công tác sửa chữa sự cố tại TBA 500kV Quảng Ninh. Ảnh: PTC1

Những người thợ Truyền tải triển khai công tác sửa chữa sự cố tại TBA 500kV Quảng Ninh. Ảnh: PTC1

Nghỉ ngơi, ăn tạm lương khô và mì tôm, các anh chợp mắt một lúc, đúng 9h sáng ngày 9/9, các anh tiếp tục đến vị trí 15-16 đường dây 220 kV Uông Bí - Yên Hưng để tăng cường cho Truyền tải điện Đông Bắc 1 và các truyền tải điện khác đang tham gia thi công.

Anh Trương Sỹ Lâm tâm sự: "Được tham gia đường dây 500 kV mạch 3, tôi cảm thấy rất tự hào vì được đóng góp một phần công sức của mình vào công trình trọng điểm quốc gia. Mặc dù chưa có nhiều thời gian nghỉ ngơi sau công trình 500 kV mạch 3, nhưng khi nhận được lệnh ra Quảng Ninh tăng cường xử lý, khắc phục sự cố lưới điện sau bão, kịp thời cấp điện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với Quảng Ninh - khu vực kinh tế trọng điểm của vùng đồng bằng Bắc bộ, tôi cùng tất cả anh em vui vẻ lên đường động viên nhau, ngoài này đang cần người, cần nhân lực để xử lý nhanh sự cố để sớm đóng điện".

Đêm ngày 8/9 do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, nhiều nơi của Quảng Ninh vẫn có mưa rất to, nhưng những người thợ Truyền tải vẫn cố gắng vượt qua, hoàn thành nhiệm vụ trước khi trời sáng để cho những dòng điện được nối dài. Ảnh: PCT1

Đêm ngày 8/9 do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, nhiều nơi của Quảng Ninh vẫn có mưa rất to, nhưng những người thợ Truyền tải vẫn cố gắng vượt qua, hoàn thành nhiệm vụ trước khi trời sáng để cho những dòng điện được nối dài. Ảnh: PCT1

Nếu như thi công đường dây 500 kV mạch 3 ở khu vực Quảng Trạch - Quỳnh Lưu là nắng đến cháy da, thì thi công ở Quảng Ninh là mưa bão, ở trên cột cao, mưa “quất vào mặt” đỏ rát. Nhưng dù khó khăn nào chúng tôi cũng quyết tâm vượt qua và hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao”- anh Lâm chia sẻ.

Để tăng cường cho Quảng Ninh khắc phục sự cố, Truyền tải điện Nghệ An đã điều động đợt 1 là 16 công nhân kỹ thuật có trình độ, tay nghề chuyên môn vững, dày dạn kinh nghiệm để tham gia xử lý sự cố.

Trước khi ra tăng cường cho Quảng Ninh, anh Hồ Đức Nam - Trạm 220 kV Nam Cấm - Truyền tải điện Nghệ An đã tham gia thi công TBA 500 kV Thanh Hóa - dự án thành phần của Công trình đường dây 500 kV mạch 3 với nhiệm vụ là cán bộ giám sát, nghiệm thu.

Đường lên vị trí 16 đường dây 220 kV Uông Bí - Yên Hưng trơn trượt khó đi. Ảnh: Mạnh Hùng

Đường lên vị trí 16 đường dây 220 kV Uông Bí - Yên Hưng trơn trượt khó đi. Ảnh: Mạnh Hùng

Anh Hồ Đức Nam cho biết: Khi được điều ra tăng cường cho xử lý sự cố lưới điện sau bão tại Quảng Ninh, rạng sáng ngày 8/9, chúng tôi có mặt tại Quảng Ninh, thấy rõ sự tàn phá của cơn bão, tất cả hệ thống điện từ cao áp, trung áp và hạ áp đều bị thiệt hại nặng nề và tê liệt. Với tinh thần khắc phục sự cố nhanh nhất có thể để kịp thời cấp điện phục hồi sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống của người dân, đặc biệt là các khu vực quan trọng. Từ ngày 7/9 đến nay, với tinh thần làm “xuyên ngày, xuyên đêm” chúng tôi đã làm việc không ngừng nghỉ, ăn uống cũng rất qua loa, mì tôm hoặc lương khô để kịp làm việc tiếp.

Cho những dòng điện được nối dài

Có mặt tại vị trí 16 của tuyến đường dây 220 kV Uông Bí - Yên Hưng, gần 80 cán bộ, công nhân kỹ thuật đến từ các Truyền tải điện từ miền Trung trở ra, từ Tây Bắc trở xuống đã có mặt tại Quảng Ninh để sẵn sàng hỗ trợ cho Truyền tải điện Đông Bắc 1 xử lý các sự cố lưới điện sau bão.

Quãng đường 400 m nhưng các anh phải đi bộ gần 1 giờ mới có thể đến được vị trí 16 đường dây 220 kV Uông Bí - Yên Hưng để thi công. Ảnh: Thu Hường

Quãng đường 400 m nhưng các anh phải đi bộ gần 1 giờ mới có thể đến được vị trí 16 đường dây 220 kV Uông Bí - Yên Hưng để thi công. Ảnh: Thu Hường

Vị trí 15 và 16 là hai vị trí khó khăn nhất của toàn tuyến, anh Vũ Mạnh Cường - Đội Truyền tải điện Uông Bí - Truyền tải điện Đông Bắc 1 cho biết: Chúng tôi phải thuê máy xúc mở đường tạm để vận chuyển thiết bị lên vị trí.

Chỉ có hơn 400 m nhưng đường trơn trượt, lầy lội rất khó đi, mỗi công nhân phải mang vác từ 6-7 kg dụng cụ thi công, và phải mất gần 1 giờ đi bộ các anh mới lên được đến vị trí.

Anh Cường cho biết, trong thời gian bão, cả đội vẫn tuân thủ nghiêm công tác kiểm tra trên các tuyến đường dây, sau khi bão qua, lực lượng lại bắt tay vào sửa chữa, khắc phục các sự cố. Từ ngày 7/9 đến nay, mặc dù nhà gần nhưng chưa ai về qua thăm nhà, tất cả đều ở trên tuyến.

Anh Vũ Mạnh Cường chia sẻ về công việc ứng trực và xử lý sự cố đường dây do bão số 3. Ảnh: Thu Hường

Anh Vũ Mạnh Cường chia sẻ về công việc ứng trực và xử lý sự cố đường dây do bão số 3. Ảnh: Thu Hường

Rời vị trí 16 tại phường Thanh Sơn, TP. Uông Bí, chúng tôi đến vị trí 79 đường dây 220 kV Sơn Động - Hoành Bồ trên địa bàn thị trấn Trới, thành phố Hạ Long, cùng với đường dây 220 kV Tràng Bạch - Uông Bí, hai đường dây này góp phần giải tỏa công suất cho Nhà máy Nhiệt điện Sơn Động.

Trước đó, ngày 8/9 đường dây 220 kV Uông Bí - Tràng Bạch hoàn thành xử lý sự cố và đã giải tỏa công suất của 1 tổ máy cho Nhiệt điện Sơn Động, do vậy khi vị trí 79 hoàn thành sửa chữa, tổ máy còn lại của Nhiệt điện Sơn Động sẽ phát điện trở lại.

Anh Phan Văn Hạnh - Đội trưởng Đội Truyền tải điện Hạ Long - Truyền tải điện Đông Bắc 1 - cho biết: Cơn bão số 3 gây thiệt hại lớn, chiều ngày 9/9, sau khi phát hiện sự cố gãy xà tại vị trí 79 đường dây 220 kV Sơn Động - Hoành Bồ, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng vật tư, nhân lực để thay xà, xử lý tổn thương dây dẫn. Từ sáng ngày 10/9, 12 cán bộ, công nhân của Đội Truyền tải điện Hạ Long đã được giao xử lý sự cố, trời mưa, đường núi trơn trượt, nên công tác di chuyển, vận chuyển vật tư rất khó khăn. Đến tối 10/9, công tác xử lý sự cố hoàn thành, đảm bảo cho Nhiệt điện Sơn Động phát điện lên lưới.

Anh Phan Văn Hạnh - Đội trưởng Đội Truyền tải điện Hạ Long - Truyền tải điện Đông Bắc 1. Ảnh: Thu Hường

Anh Phan Văn Hạnh - Đội trưởng Đội Truyền tải điện Hạ Long - Truyền tải điện Đông Bắc 1. Ảnh: Thu Hường

Có mặt tại vị trí số 14 đường dây 220kV Uông Bí - Yên Hưng, ông Phạm Minh Khôi – Phó Giám đốc Truyền tải điện Đông Bắc 1 - cho hay: Các đường dây sự cố do bão số 3 đến ngày 10/9 cơ bản đã được khắc phục, trả điện để khôi phục các phụ tải. Đến chiều 10/9 chỉ còn đường dây 220kV Tràng Bạch - Uông Bí có 2 mạch, mạch 1 kết nối từ Tràng Bạch về Uông Bí, còn mạch 2 kết nối Tràng Bạch - Yên Hưng phục vụ cấp điện cho Khu công nghiệp Yên Hưng (Quảng Yên), Khu công nghiệp Amata và một số khu công nghiệp của nước ngoài.

Vị trí 79 đường dây 220 kV Uông Bí - Yên Hưng đã gấp rút hoàn thành công tác sửa chữa vào tối ngày 10/9. Ảnh: Mạnh Hùng

Vị trí 79 đường dây 220 kV Uông Bí - Yên Hưng đã gấp rút hoàn thành công tác sửa chữa vào tối ngày 10/9. Ảnh: Mạnh Hùng

Hiện nay mới chỉ khôi phục được 1 đường dây 220 kV Uông Bí - Yên Hưng để cấp điện từ Nhà máy nhiệt điện Uông Bí về Yên Hưng, còn các đường dây khác liên quan đến các nhà máy nhiệt điện lớn như: Mông Dương, Phả Lại, Mạo Khê, Sơn Động, Quảng Ninh cơ bản đã được khôi phục.

Được biết đường dây 220 kV Uông Bí – Yên Hưng, lực lượng thi công sẽ phải thay toàn bộ dây dẫn, dây chống sét, dây cáp quang từ vị trí 14 đến vị trí 20 với chiều dài khoảng 3 km. Ngoài vị trí 14 ở dưới khu vực thấp, các vị trí còn lại đều ở trên đỉnh đồi, núi cao, đường dốc, trơn trượt do mưa bão trong suốt mấy ngày vừa qua.

Đối với vị trí 15 và 16, đơn vị thi công sẽ phải dựng 2 cột mới cao 39,5 m và 46 m ở trên đỉnh đồi, núi cao. Toàn bộ lực lượng thi công khoảng 100 người đang tập trung cho 3 vị trí 14, 15 và 16.

Ông Phạm Minh Khôi - Phó Giám đốc Truyền tải điện Đông Bắc 1. Ảnh: Thu Hường

Ông Phạm Minh Khôi - Phó Giám đốc Truyền tải điện Đông Bắc 1. Ảnh: Thu Hường

Chúng tôi dự kiến thi công trong vòng 10 ngày và làm xuyên đêm. Các phương tiện máy phát điện, đèn chiếu sáng đã chuẩn bị đầy đủ, cùng với sự hỗ trợ tăng cường của các đơn vị truyền tải, chúng tôi quyết tâm hoàn thành nhanh nhất để sớm cấp điện trở lại cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân”- ông Phạm Minh Khôi khẳng định.

Quảng Ninh là vùng kinh tế trọng điểm của khu vực Đông Bắc, đây cũng là trung tâm điện lực của phía Bắc với nhiều nhà máy nhiệt điện lớn, do vậy khi sự cố lưới điện 220 kV, 500 kV xảy ra, trực tiếp Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam Đặng Hoàng An, cùng Ban lãnh đạo Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, Công ty Truyền tải điện 1 đã trực tiếp đến hiện trường kiểm tra, đôn đốc lực lượng thi công triển khai các giải pháp để kịp thời sửa chữa.

Vị trí 14 là vị trí thấp nhất trong cung đoạn từ cột 14 - cột 20 đường dây 220kV Uông Bí - Yên Hưng nhưng để thi công được PTC1 vẫn phải mở đường tạm. Ảnh: Mạnh Hùng

Vị trí 14 là vị trí thấp nhất trong cung đoạn từ cột 14 - cột 20 đường dây 220kV Uông Bí - Yên Hưng nhưng để thi công được PTC1 vẫn phải mở đường tạm. Ảnh: Mạnh Hùng

Do ảnh hưởng của bão, mạng viễn thông ở Quảng Ninh vẫn chưa được khôi phục hoàn toàn nên cũng rất khó khăn cho đơn vị thi công trong liên lạc với các công ty cung cấp dịch vụ, cho thuê phương tiện, máy xúc, máy ủi… các hoạt động này đơn vị thi công đều phải cử người đi liên hệ trực tiếp, do vậy cũng mất nhiều thời gian hơn. Cùng với đó, điều kiện thời tiết mưa sau bão, đường núi dốc đứng, trơn trượt, tất cả các vị trí thi công đều phải mở đường tạm, điều này đã gây những khó khăn không nhỏ cho công tác thi công.

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Hoàng Văn Khôi - Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1) - cho biết: Cơn bão số 3 có sức tàn phá lớn không chỉ ở Quảng Ninh mà cả những nơi nó đi qua. Đối với lưới truyền tải ở khu vực Đông Bắc 1 (Quảng Ninh) và Đông Bắc 2 (Hải Phòng) bị thiệt hại rất lớn, cơn bão đã gây sự cố cho 9 đường dây 500 kV, 34 đường dây 220 kV, làm mất điện toàn bộ tại 2 trạm biến áp 500 kV cùng 8 trạm biến áp 220 kV.

Ông Hoàng Văn Khôi - Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện 1. Ảnh: Thu Hường

Ông Hoàng Văn Khôi - Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện 1. Ảnh: Thu Hường

Tiếp nối kinh nghiệm và tinh thần của “Mạch 3” với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cán bộ công nhân viên Truyền tải điện 1 với tinh thần “Vượt nắng, thắng mưa”, “sớm trưa, chiều tối đều phải làm việc”, với cơn bão số 3, 100% cán bộ, công nhân của Công ty Truyền tải điện 1 nghiêm túc trực, xử lý các sự cố và cơ bản đóng điện gần hết các lưới truyền tải đối với đường dây 500 kV và 220 kV. Đối với đường dây đang bị sự cố đứt dây, cột, người lao động đang khẩn trương xử lý để sớm đưa đường dây vận hành trở lại.

Lưới khu vực Đông Bắc, kết nối nhiều nhà máy ở Quảng Ninh như: Nhiệt điện Mông Dương, Nhiệt điện Cẩm Phả, Nhiệt điện Quảng Ninh, Nhiệt điện Mạo Khê, Nhiệt điện Uông Bí… cơ bản lưới truyền tải đang kết nối, đến chiều ngày 10/9, tất cả các đường dây sẵn sàng cho các nhà máy nhiệt điện vào lưới”- ông Hoàng Văn Khôi khẳng định.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tiep-tuc-lan-toa-tinh-than-mach-3-khac-phuc-su-co-luoi-dien-220-kv-500-kv-sau-bao-345020.html
Zalo