Tiếp tục làm sạch, chuẩn hóa, kết nối dữ liệu phục vụ phát triển Thủ đô
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, trong năm 2024, với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Công an, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Công an TP Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc công tác thu thập, làm sạch, chuẩn hóa dữ liệu theo đúng tinh thần 'đúng, đủ, sạch, sống', góp phần quan trọng phục vụ việc kết nối, lan tỏa, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Nhiều kết quả lớn về dữ liệu
Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, công tác quản lý, thu thập, làm sạch về dữ liệu dân cư đã được Công an TP Hà Nội triển khai quyết liệt và hiệu quả. Tính tới thời điểm này, toàn thành phố đã thực hiện rà soát, làm sạch hơn 3.187 trường hợp về chủ hộ, 235.265 trường hợp cập nhật, bổ sung CMND 9 số, 150.590 trường hợp rà soát thông tin người đăng ký dữ liệu điện lực, 104.718 trường hợp cập nhật lịch sử cư trú đối với các trường hợp học sinh tham gia các kỳ thi tuyển sinh THPT, đại học năm 2024, hơn 1,8 triệu trường hợp cập nhật các trường thông tin còn thiếu.
Đối với dữ liệu Bảo hiểm xã hội (BHXH), hiện số người tham gia đã được cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu ngành BHXH và xác thực đúng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là 7,7 triệu người, đạt 96,6% tổng số người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế và hưởng các chế độ hàng tháng do BHXH thành phố quản lý. Hiện các đơn vị chức năng đã tạo lập dữ liệu giáo dục và đào tạo trên toàn thành phố có hơn 2,2 triệu học sinh và hơn 124 nghìn giáo viên ở các cấp học.
Bên cạnh đó, Hà Nội đã thu thập dữ liệu 78.099/78.184 trường hợp người có công, thân nhân người có công; 667.499 trường hợp thuộc hội người cao tuổi; 277.222 trường hợp hội nông dân; 2.096.759 trường hợp dữ liệu của người lao động và đã có 202.095/203.180 dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện chuẩn hóa vào hệ thống cơ sở dữ liệu bảo trợ xã hội (đạt tỷ lệ 99,5%).
Trung tá Nguyễn Thành Lâm, Trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP Hà Nội cho biết, một trong những dữ liệu quan trọng đó chính là dữ liệu trẻ em trên địa bàn thành phố. Hiện thành phố đã cập nhật được 1.820.674 dữ liệu về trẻ em, làm sạch 100% số dữ liệu hiển thị trên phần mềm; số trẻ em còn lại không hiển thị trên phần mềm, địa phương thực hiện quản lý bằng Excel.
UBND TP Hà Nội, Công an TP Hà Nội cũng đã thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc UBND, Công an các quận, huyện, thị xã cập nhật thông tin về trẻ em vào sổ theo dõi trẻ em trong hộ gia đình, thực hiện quy trình chuẩn hóa và làm sạch dữ liệu trẻ em theo hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương. Đặc biệt, lưu giữ danh sách trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, đảm bảo các thông tin trẻ em được quản lý đầy đủ qua phần mềm quản lý trẻ em và qua Excel (đối với các trường hợp không nhập được dữ liệu vào hệ thống).
Để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tận dụng tối đa nguồn lực, lợi thế từ đất đai, hiện dữ liệu đất đai đã được UBND TP Hà Nội phối hợp với các bộ, ngành triển khai quyết liệt. Hà Nội đã triển khai công tác đo đạc, số hóa chỉnh lý bản đồ và xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ trên địa bàn 27 quận, huyện, thị xã (trừ các huyện Đan Phượng, Quốc Oai, Ứng Hòa đã triển khai Dự án hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam (VLAP) trước đó).
Đến nay, công tác đo đạc đã cơ bản hoàn thành tại 475/489 xã, phường, thị trấn với 20.248 tờ bản đồ. Công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đã thực hiện tại 290/489 xã, phường, thị trấn, trong đó, có 30 đơn vị đã nhập dữ liệu trên phần mềm chuyên dụng, 260 đơn vị đang thực hiện kê khai đăng ký…
Phát triển, chia sẻ, kết nối mạnh mẽ giá trị của dữ liệu
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky cũng cho biết, bám sát tinh thần chỉ đạo của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ và lãnh đạo Bộ Công an, UBND TP Hà Nội cũng chỉ đạo Công an TP Hà Nội và các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tập trung phát triển dữ liệu. Theo đó, từ năm 2023, Hà Nội đã ban hành Danh mục dữ liệu mở của thành phố là những dữ liệu chuyên ngành sẽ được triển khai chia sẻ trong nội bộ cơ quan Nhà nước và với công dân tổ chức. Đồng thời, thành phố đã chỉ đạo triển khai Cổng dữ liệu thành phố và hệ thống nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu của thành phố. Đây là 2 hệ thống cơ bản làm nền tảng để các đơn vị tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung trong cơ quan Nhà nước.
Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, Thư ký Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đánh giá: Thành phố Hà Nội đã tích hợp 12 kết nối liên thông hệ thống nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu gồm: Cơ sở dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); Cơ sở dữ liệu Hộ tịch (Bộ Tư pháp); Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia (Phân hệ tập trung tại Bộ Tài nguyên và Môi trường); Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp); Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá (Bộ Tài chính); Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp (Bộ Tư pháp theo hệ thống mới); Hệ thống cấp mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách (Bộ Tài chính); Hệ thống thông tin quản lý danh mục điện tử dùng chung của các cơ quan nhà nước phục vụ phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông); Hệ thống Bưu chính công ích (Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam); Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia công chức viên chức (Bộ Nội vụ); Hệ thống thông tin nguồn (Bộ Thông tin và Truyền thông); CSDL Bảo trợ xã hội - Cục bảo trợ xã hội - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Hà Nội đã tích hợp 3 hệ thống liên thông gồm: Hệ thống báo cáo Quốc gia GRIS; Trục liên thông văn bản quốc gia; Cổng dịch vụ công quốc gia, đồng thời hoàn thành 6 API kết nối của TP Hà Nội với các bộ, ngành bao gồm: Hệ thống Quản lý văn bản Thành phố liên thông Trục liên thông văn bản quốc gia; Hệ thống thông tin báo cáo (kết nối hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ); Hệ thống công chức viên chức (kết nối hệ thống CSDL CCVC của Bộ Nội vụ); CSDL hiện trạng về đất sản xuất nông nghiệp; Hệ thống thông tin nguồn; hệ thống CSDL về giá (kết nối với hệ thống CSDL về giá của Bộ Tài chính); Hệ thống thông tin nguồn TP Hà Nội (kết nối với Hệ thống thông tin nguồn của Bộ Thông tin và Truyền thông).
Đồng chí Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, trên cơ sở kết quả của việc thu thập, quản lý, phát triển các CSDL trên, trong năm 2025, UBND TP Hà Nội sẽ triển khai các nhiệm vụ mới trên nền tảng khai thác CSDL chuyên ngành, CSDL Quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử nhằm cung cấp các tiện ích mới cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, xây dựng khung kiến trúc kho dữ liệu điện tử phù hợp với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính để tạo lập, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của thành phố. Đặc biệt, tích hợp, liên thông dữ liệu ví giấy tờ điện tử của công dân giữa ứng dụng VNeID và ứng dụng iHanoi đồng bộ với kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp.