Tiếp tục làm rõ vai trò, vị thế của Mặt trận và các tổ chức thành viên
Ngày 19-5, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị góp ý vào Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Đây là hội nghị góp ý lần thứ 2 với Dự thảo.
Hội nghị do đồng chí Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội chủ trì.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội
Tán thành với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013
Tại hội nghị, các đại biểu đều tán thành với nội dung Dự thảo về sự cần thiết, phạm vi và nội dung sửa đổi. Với những góc nhìn đa chiều, nội dung trong Dự thảo đã được các đại biểu phân tích kỹ lưỡng.
Nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là cụm từ “trực thuộc” tại Điều 9: “Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...” .
Các đại biểu Đặng Huyền Thái, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn công tác tôn giáo Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Trương Minh Tiến, cụm từ “trực thuộc” đã cho thấy rõ đây là sự thay đổi căn bản, phù hợp chủ trương tinh gọn bộ máy, khắc phục sự chồng chéo, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý.
Tuy nhiên, theo đại biểu Đặng Huyền Thái để phát huy tối đa sức mạnh, không làm mất tính chủ động đặc thù của các tổ chức thành viên thì cơ chế chủ trì cần được cụ thể hóa. Cùng với đó, cần có cơ chế pháp lý bảo đảm tính hiệu quả hơn của chức năng giám sát, phản biện xã hội, khắc phục tình trạng né tránh, hình thức trong giám sát, phản biện xã hội...
Còn theo ông Vũ Thành Vĩnh, thành viên Hội đồng tư vấn dân chủ - pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, quy định tại Điều 9 phù hợp với chủ trương của Đảng về sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị. Tuy nhiên, quy định này chưa ổn về nguyên tắc pháp lý, tổ chức, khi Mặt trận như là “tổ chức liên minh chính trị của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội...”.
Các tổ chức như Hội Nông dân, Công đoàn... không phải là tổ chức trực thuộc, mà là thành viên của một liên minh chính trị, có tư cách pháp lý độc lập, có chương trình, điều lệ riêng. Nếu quy định “trực thuộc”, có thể làm sai lệch bản chất liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, hiệp thương dân chủ phối hợp và thống nhất hành động trong Mặt trận, gây hiểu nhầm Mặt trận là cấp trên quản lý, làm thay vai trò, chức năng của các tổ chức chính trị - xã hội khác.
Cũng bàn về cụm từ “trực thuộc”, TS Nguyễn Tiến Dĩnh, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về kinh tế, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, khi đã qui định "trực thuộc" tức là có cấp trên, cấp dưới, chứ không phải “hiệp thương, đồng thuận” như qui định các tổ chức chính trị - xã hội vẫn hoạt động theo Điều lệ của mình.
Từ phân tích trên, nhiều đại biểu đề xuất nghiên cứu kỹ cụm từ “trực thuộc”, có thể thay đổi thành: Là các tổ chức chính trị - xã hội là thành viên MTTQ Việt Nam, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên tổ chức mình; được tổ chức và hoạt động thống nhất trong MTTQ Việt Nam...

Ông Vũ Hồng Khanh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội
Nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh tán thành với các nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 lần này vì 2 lẽ: Thứ nhất, việc sửa đổi, bổ sung bám rất sát vào cuộc cách mạng tinh gọn, sắp xếp bộ máy. Thứ hai, việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Hiến pháp rất khả thi vì đã được trải nghiệm qua thực tế.
Cần làm rõ về đơn vị hành chính, cấp chính quyền
Thảo luận về đơn vị hành chính được đề cập tại Điều 110 trong Dự thảo, nhiều đại biểu thống nhất đề xuất cơ quan soạn thảo làm rõ “các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương” là đơn vị gì, tên gọi ra sao để tránh tình trạng có nhiều cách hiểu khác nhau.
TS Đinh Hạnh, nguyên Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em tàn tật và trẻ em mồ côi thành phố Hà Nội đề nghị bổ sung khẳng định, các đơn vị hành chính của nước Việt Nam có 2 cấp, gồm: Cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp xã, phường thuộc cấp tỉnh, thành phố. Đơn vị hành chính - kinh tế đặc khu do Quốc hội thành lập là đơn vị hành chính tương đương cấp tỉnh.
TS Nguyễn Tiến Dĩnh cũng đề nghị bỏ từ “các loại” như trong Khoản 3 Điều 110 Dự thảo vì dễ gây hiểu sai vì đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố có nhiều, trong khi luật chỉ thừa nhận hai cấp: Tỉnh, thành phố và xã, phường.
Còn về, Khoản 1 Điều 110 Dự thảo, TS Nguyễn Tiến Dĩnh lập luận, quy định này không thể hiện được đơn vị hành chính địa phương 2 cấp, do vậy, nên thể hiện: Các đơn vị hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chia thành xã, phường, đặc khu.
Một vấn đề khác được nhiều đại biểu đề cập là việc Dự thảo Nghị quyết xác định các loại đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính do Quốc hội quy định, mà không phải lấy ý kiến nhân dân địa phương (Điều 110). Nhiều đại biểu chưa đồng tình với quy định này vì cho rằng đây là vấn đề liên quan đến người dân và người dân cần được lấy ý kiến để phát huy quyền dân chủ.
Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 115 quy định, Chánh án tòa án nhân dân và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân không còn là đối tượng chất vấn của đại biểu HĐND. Theo PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ, nên giữ lại quy định như trong Hiến pháp 2013 về quyền chất vấn Chánh án tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân.
Đề nghị này được nhiều đại biểu đồng tình, bởi khi đơn vị hành chính không còn cấp huyện nữa thì Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân được tổ chức theo khu vục, khi đó, đại biểu HĐND cấp tỉnh sẽ chất vấn cả Chánh án tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và khu vực...

Đồng chí Nguyễn Lan Hương kết luận hội nghị. Ảnh: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội
Kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết, đã có 16 ý kiến chất lượng, sâu sắc đóng góp trực tiếp tại hội nghị. Các ý kiến đều khẳng định sự cần thiết sửa đổi Hiến pháp 2013, đây là bước thể chế hóa chỉ đạo của Đảng, hướng tới việc sắp xếp tinh gọn đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội. Những nội dung góp ý, đặc biệt các nội dung còn băn khoăn, sẽ được tiếp thu, tổng hợp gửi đến Ban soạn thảo, góp phần để việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 thật sự toàn diện, hiệu quả.