Tiếp tục giữ vững, nâng chất các tiêu chí Trường Chính trị chuẩn mức 1

Nhân kỷ niệm 75 năm xây dựng và phát triển Trường Chính trị tỉnh (1949 - 2024) và sự kiện Trường Chính trị tỉnh Tiền Giang đạt chuẩn mức 1, phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Văn Tý, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Tiền Giang về quá trình thực hiện các tiêu chí đạt chuẩn mức 1 và những định hướng, giải pháp trong thời gian tới để tiếp tục giữ vững các tiêu chí, nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở.ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN ĐẠT CÁC TIÊU CHÍ

* PV: Xin đồng chí cho biết, thực hiện Quy định 11 ngày 19-5-2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn (gọi tắt là Quy định 11) và Quyết định 761 ngày 15-5-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phê duyệt Đề án xây dựng Trường Chính trị tỉnh Tiền Giang đạt chuẩn mức 1 trong năm 2025 và đạt chuẩn mức 2 vào năm 2030, thời gian qua, Ban Giám hiệu nhà trường đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo những công việc cụ thể gì để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn mức 1 trong năm 2024, thưa đồng chí?

Đại biểu dự họp Hội đồng thẩm định Trường Chính trị tỉnh Tiền Giang đạt chuẩn mức 1 năm 2024 tại Hà Nội.

Đại biểu dự họp Hội đồng thẩm định Trường Chính trị tỉnh Tiền Giang đạt chuẩn mức 1 năm 2024 tại Hà Nội.

* Tiến sĩ Lê Văn Tý: Nhờ sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Vụ Các trường Chính trị; sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, cùng với sự phấn đấu, nỗ lực của tập thể lãnh đạo, viên chức của nhà trường, Trường Chính trị tỉnh Tiền Giang đã tổ chức thực hiện hoàn thành 6 tiêu chí theo Quy định 11, cụ thể:

Thứ nhất, tiêu chí thể chế, quy định: Trên cơ sở các văn bản của Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và của tỉnh, Trường Chính trị tỉnh đã ban hành các quyết định, quy định, hướng dẫn bảo đảm tính đồng bộ, hệ thống, kịp thời, hợp lý, khả thi, không trái với quy định của cơ quan cấp trên, phù hợp với thực tiễn công tác của trường. Đồng thời, còn là cơ sở để các tập thể, cá nhân trong nhà trường nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chính trị một cách chủ động, khoa học, nghiêm túc và đạt hiệu quả.

Thứ hai, tiêu chí đội ngũ cán bộ, viên chức: Trường Chính trị tỉnh đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu trường chính trị chuẩn mức 1.

Cụ thể, đội ngũ giảng viên của nhà trường hiện có 31/41 cán bộ, viên chức (gồm 19 giảng viên cơ hữu và 12 giảng viên kiêm nhiệm), chiếm tỷ lệ 75,6%. Trong đó, giảng viên của nhà trường có trình độ chuyên môn từ thạc sĩ trở lên là 23/31 giảng viên, với 5 tiến sĩ và 3 nghiên cứu sinh.

Thứ ba, tiêu chí đào tạo, bồi dưỡng: Từ năm 2019 đến nay, trường đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng được 239 lớp (gồm 53 lớp đào tạo Trung cấp lý luận chính trị, 186 lớp bồi dưỡng)… Để đạt được kết quả này, Trường Chính trị tỉnh đã thực hiện đầy đủ các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, thực hiện đa dạng hóa các chương trình bồi dưỡng.

Đồng thời, chú trọng việc thực hiện đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng hằng năm; chủ động thực hiện mô hình mới trong đào tạo Trung cấp lý luận chính trị. Đặc biệt, từ năm 2024, trường đã áp dụng cho học viên bấm chọn đề thi trên máy vi tính. Mô hình này đã và đang được một số Trường Chính trị trong khu vực học tập, áp dụng trong thời gian tới.

Thứ tư, tiêu chí hoạt động nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn: Hoạt động nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn vừa là yêu cầu, vừa là cách thức, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn cho giảng viên Trường Chính trị nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao trình độ chuyên môn, phục vụ hiệu quả cho công tác giảng dạy.

Vì thế, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường luôn tạo điều kiện cho giảng viên, viên chức thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Viết bài cho các báo, tạp chí chuyên ngành; thông tin, bản tin; viết tham luận báo cáo tại các hội thảo, tọa đàm trong và ngoài trường; nghiên cứu đề tài khoa học cấp trường, cấp cơ sở, cấp tỉnh; viết báo cáo đề xuất, kiến nghị từ kết quả đề tài, hội thảo cấp tỉnh…

Thứ năm, về tiêu chí xây dựng văn hóa Trường Đảng, thực hiện kỷ luật, kỷ cương: Xây dựng văn hóa Trường Đảng là một trong những nội dung quan trọng, góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Nhận thức được tầm quan trọng này, Đảng ủy, Ban Giám hiệu cùng tập thể cán bộ, viên chức nhà trường luôn thực hiện tốt những quy định về văn hóa ứng xử trong Trường Đảng gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đồng thời, triển khai phong trào thi đua xây dựng Trường Chính trị chuẩn trong toàn thể cán bộ, viên chức và học viên; tích cực tham gia các phong trào thi đua do cấp trên phát động. Từ sự cố gắng, nỗ lực đó, tập thể nhà trường đã nhận được 2 Cờ thi đua của UBND tỉnh, 1 Cờ thi đua của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; 2 Bằng khen của UBND tỉnh…

Thứ sáu, về tiêu chí cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật và tài chính: Trường Chính trị tỉnh luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, phục vụ tốt cho đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học. Các hạng mục bao gồm: Phòng học, phòng làm việc, thư viện, hội trường, phòng truyền thống, nhà thi đấu đa năng, ký túc xá, nhà khách, nhà ăn, nhà xe, đường nội bộ, cây xanh… Nhìn chung, đều đáp ứng cơ bản hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu, sinh hoạt của viên chức, học viên.

TẬP TRUNG XÂY DỰNG, ĐÀO TẠO ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN ĐỦ PHẨM CHẤT VÀ NĂNG LỰC

* PV: So với thời điểm chưa đạt chuẩn, thì dấu ấn nổi bật nhất khi Trường Chính trị tỉnh Tiền Giang đạt chuẩn mức 1 là gì, thưa đồng chí?

* Tiến sĩ Lê Văn Tý: Dấu ấn nổi bật nhất khi Trường Chính trị tỉnh đạt chuẩn mức 1 là việc xây dựng đội ngũ giảng viên đủ phẩm chất và năng lực để đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ. Bởi, đây là yếu tố quyết định trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, nhất là công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ địa phương.

Đội ngũ giảng viên nhà trường không chỉ được đào tạo, bồi dưỡng bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị mà còn có nhiều đổi mới về phương pháp giảng dạy, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp trong từng nội dung bài giảng.

Đồng thời, Trường Chính trị tỉnh đã phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy tiếp nhận 3 công chức, viên chức từ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trường Đại học Tiền Giang, Tỉnh đoàn về trường làm giảng viên. Tổ chức bồi dưỡng cho 4 viên chức khối phòng tham gia giảng dạy và đề nghị về Ban Tổ chức Tỉnh ủy chuyển sang ngạch giảng viên.

Bên cạnh đó, Trường đã cử 17 viên chức đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị, nghiên cứu sinh, cao học và bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây là cơ hội để cán bộ, viên chức nhà trường nâng cao trình độ lý luận chính trị, học tập và trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ.

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN CÁC KHÂU TRONG CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG

* PV: Thời gian tới, Trường Chính trị tỉnh Tiền Giang sẽ có những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp gì để tiếp tục nâng chất, giữ vững các tiêu chí xây dựng trường chuẩn, nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở cho tỉnh nhà, thưa đồng chí?

Tiến sĩ Lê Văn Tý, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Tiền Giang.

Tiến sĩ Lê Văn Tý, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Tiền Giang.

* Tiến sĩ Lê Văn Tý: Với mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, tập thể cán bộ, viên chức Trường Chính trị tỉnh sẽ tiếp tục đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, quyết tâm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao, phấn đấu đưa Trường Chính trị tỉnh Tiền Giang thực sự trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ uy tín của tỉnh và của khu vực.

Đồng thời, đề ra các giải pháp thiết thực, cụ thể để tiếp tục giữ vững, nâng chất các tiêu chí Trường Chính trị đạt chuẩn mức 1 và tiếp tục triển khai thực hiện, phát động thi đua để sớm hoàn thiện các tiêu chí Trường Chính trị đạt chuẩn mức 2 vào năm 2030 theo Quy định 11 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn.

Cùng với đó, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên đủ về tiêu chuẩn, năng lực và khả năng đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ, nhất là năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn.

Mặt khác, tăng cường phối hợp với các ban, ngành, mở các lớp đào tạo tập trung và không tập trung; thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng toàn diện các khâu trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và giữ vững kỷ cương, kỷ luật hành chính…

Bên cạnh đó, trường tiếp tục tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Vụ Các trường chính trị, các bộ, ngành liên quan, Học viện Chính trị khu vực 2, Học viện Chính trị khu vực 4; đặc biệt là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy trong việc hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Trường Chính trị tỉnh thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định; xây dựng lộ trình, tiến độ triển khai thực hiện; phấn đấu trường được công nhận đạt chuẩn mức 2 trong khoảng thời gian sớm nhất.

* PV: Xin trân trọng cám ơn Tiến sĩ!

LÊ NGUYÊN

(thực hiện)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202412/chao-mung-ky-niem-75-nam-xay-dung-va-phat-trien-truong-chinh-tri-tinh-1949-2024-va-su-kien-truong-chinh-tri-tinh-tien-giang-dat-chuan-muc-1-tiep-tuc-giu-vung-nang-chat-cac-tieu-chi-truong-chinh-tri-ch-1029586/
Zalo