Tiếp tục giảm thiểu tác động của rác thải nhựa

Dự án giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam đã và đang triển khai tại nhiều địa phương, trong đó có Phú Yên. Đến nay, dự án này đạt được nhiều kết quả tích cực cả về chính sách lẫn truyền thông nhằm thay đổi nhận thức, hành vi, đặc biệt là giảm thiểu rác thải nhựa, nói không với đồ nhựa dùng một lần.

Các lực lượng bộ đội, công an ra quân thu gom rác thải trôi nổi trên vịnh Vũng Rô. Ảnh: ANH NGỌC

Các lực lượng bộ đội, công an ra quân thu gom rác thải trôi nổi trên vịnh Vũng Rô. Ảnh: ANH NGỌC

Thc trng đáng báo động

Theo Bộ TN&MT, mỗi năm lượng chất thải nhựa do con người thải ra trên phạm vi toàn cầu có thể phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất, trong đó ít nhất khoảng 14 triệu tấn chất thải nhựa được đổ ra đại dương. Còn theo Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam), kết quả phối hợp nghiên cứu cho thấy, trung bình mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng khoảng 1kg túi ni lông mỗi tháng, hơn 80% trong số đó bị thải bỏ sau khi dùng một lần và mỗi năm thải ra đại dương khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa.

Việc lạm dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần… đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường. Vấn đề ô nhiễm nhựa, đặc biệt là ô nhiễm nhựa đại dương gây thiệt hại to lớn cho môi trường sinh thái.

Ông Nguyễn Thành Huy, điều phối viên của WWF - Việt Nam cho biết: 75% rác thải nhựa đại dương xuất phát từ chất thải không được thu gom. Các quốc gia có vấn đề rác thải nhựa lớn nhất tập trung ở châu Á, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia đang đặt nhiều quan tâm và nỗ lực trong câu chuyện giải quyết ô nhiễm nhựa ở cả cấp quốc gia và toàn cầu.

Nhận thức được điều này, trong nhiều năm qua, vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa và rác thải nhựa đại dương ở Việt Nam đã được Chính phủ đặc biệt quan tâm và nỗ lực giải quyết thông qua việc đổi mới căn bản trong chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường.

Phú Yên, tỉnh cũng đã triển khai nhiều chương trình hành động, kế hoạch hạn chế việc phát sinh chất thải nhựa và chất thải nhựa đại dương, phát động phong trào Chống rác thải nhựa. Tỉnh đã xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa và rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, nhằm tiếp tục đẩy mạnh, triển khai hiệu quả các hoạt động quản lý, giảm thiểu phát thải và tác động của chất thải nhựa đối với môi trường, sức khỏe con người, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH bền vững trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Thái Hòa, Phó Giám đốc phụ trách Sở TN&MT cho hay: Các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, phát động phong trào Chống rác thải nhựa, thúc đẩy, hướng dẫn các hoạt động tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng dân cư cùng nhau góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tranh bích họa truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường biển Hòn Yến (huyện Tuy An). Ảnh: ANH NGỌC

Tranh bích họa truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường biển Hòn Yến (huyện Tuy An). Ảnh: ANH NGỌC

Tín hiu tích cc

Phú Yên có bờ biển dài gần 190km với nhiều đầm, vịnh tạo nên cảnh quan sinh thái phong phú, đa dạng và là tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển. Phú Yên đang định hướng phát triển kinh tế theo hướng mở, liên kết, hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế; gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giảm nghèo bền vững, nhất là tại vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ tác động thiên tai.

Giống như các địa phương ven biển trên cả nước, Phú Yên cũng đang chịu ảnh hưởng bởi rác thải đại dương, đặc biệt là rác thải nhựa. Việc phát sinh chất thải nhựa và chất thải rắn nói chung đã gây ra các ảnh hưởng xấu về cảm quan, môi trường và hệ sinh thái, từ đó dẫn đến các tác động tiêu cực về kinh tế.

Trước thực trạng này, với sự hỗ trợ của các tổ chức môi trường trong và ngoài nước, thời gian qua tỉnh đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để xử lý các điểm nóng về rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa khu vực ven biển, hướng tới mục tiêu đến năm 2025, Phú Yên trở thành điểm đến xanh - sạch - đẹp, thân thiện với môi trường.

Theo WWF - Việt Nam, Dự án giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam được triển khai tại 10 địa phương trong cả nước, trong đó có Phú Yên. Đến nay, Phú Yên đã thực hiện thành công nhiều mô hình thí điểm về bảo vệ môi trường mang lại hiệu quả tích cực, đặc biệt là giảm thiểu rác thải nhựa, nói không với đồ nhựa dùng một lần.

Các mô hình đạt hiệu quả cao như Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử về các sản phẩm nhựa, chất thải nhựa ở các địa phương ven biển, nhất là đầm vịnh; Trường học không rác; Phân loại rác và xử lý rác trong cộng đồng bằng thùng ủ; Vận động ngư dân mang rác vào bờ; Ngư dân nuôi trồng thủy sản vịnh Vũng Rô tham gia hưởng ứng thu gom chất thải từ nuôi trồng thủy sản; Xóa các điểm nóng và cải thiện môi trường tại khu vực Hòn Yến; Điểm trung chuyển rác ở xã An Mỹ; Làm nước tẩy rửa sinh học từ vỏ trái cây; Phân loại rác, thu gom riêng và ủ phân hữu cơ tập trung; Phân loại rác thải tại chợ dân sinh; Chiến dịch làm sạch biển Phú Yên; Làm túi từ lưới đánh cá cũ; Giảm thiểu rác thải nhựa ở siêu thị, trung tâm thương mại; Quản lý rác thải tại TP Tuy Hòa…

Theo bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Giám đốc Dự án giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam của WWF - Việt Nam, Dự án giảm rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam triển khai tại Phú Yên đã và đang tạo ra những thay đổi tích cực trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Chính các nỗ lực tổng thể từ các bên liên quan đã tạo động lực cho dự án tiếp tục đồng hành cùng địa phương trong hành trình giảm thiểu rác thải nhựa.

“Dự án kỳ vọng sẽ góp phần giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến hệ sinh thái biển; bảo tồn đa dạng sinh học môi trường biển; nâng cao kiến thức của cộng đồng, xã hội về mối liên quan giữa việc xả thải rác nhựa và hậu quả tiêu cực lên môi trường và sức khỏe; nâng cao năng lực cán bộ trong quản lý, thực hiện các hoạt động liên quan đến quản lý chất thải, rác thải nhựa đại dương”, bà Thúy cho hay.

Mục tiêu của Phú Yên đến năm 2025 là nâng cao nhận thức và thay đổi được hành vi của cộng đồng về rác thải nhựa, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, nhựa và túi ni lông khó phân hủy, các sản phẩm, vật liệu nhựa không cần thiết thông qua các chương trình truyền thông về tác hại của chất thải nhựa đối với biển và đại dương, các hệ sinh thái biển, môi trường và sức khỏe con người. Tăng cường phân loại rác thải tại nguồn, nâng cao hiệu quả quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải để hạn chế việc phát tán chất thải nhựa ra môi trường.

Thực hiện quan trắc tài nguyên và môi trường, định kỳ đánh giá hiện trạng chất thải nhựa, rác thải nhựa đại dương tại một số cửa sông chính, khu vực ven biển, đảo tiền tiêu; tham gia hợp tác quốc tế về quản lý rác thải nhựa đại dương. Kiểm soát được các điểm nóng về phát thải chất thải nhựa ra môi trường, xây dựng các giải pháp ứng phó theo hướng bền vững.

Phấn đấu đến năm 2025, Phú Yên giảm được 50% tổng lượng rác thải nhựa phát thải ra biển và đại dương; giảm thiểu, thu gom, xử lý được 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ; hạn chế được việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy và các sản phẩm, vật liệu nhựa không cần thiết khác tại 80% khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú và du lịch ven biển trên địa bàn tỉnh.

Phó Giám đốc phụ trách Sở TN&MT Nguyễn Thái Hòa

ANH NGỌC

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/322635/tiep-tuc-giam-thieu-tac-dong-cua-rac-thai-nhua.html
Zalo