Tiếp tục dừng dịch vụ không cần thiết

Không tập trung đông người tại nơi công cộng; tiếp tục dừng các hoạt động lễ hội; tạm đình chỉ các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu... là những yêu cầu của Thủ tướng tại Chỉ thị 19 về thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 19/CT-TTg về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Nới lỏng các biện pháp hạn chế

Chỉ thị 19 nêu rõ dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát vẫn ở mức cao, ảnh hưởng xấu đến kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân.

Trước tình hình trên, nhằm thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch, đồng thời khởi động lại và tiếp tục phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh và ổn định xã hội, Thủ tướng chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Theo đó: Được nới lỏng các biện pháp hạn chế để phục vụ phòng chống dịch đã thực hiện phù hợp với diễn biến dịch bệnh; khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trên cơ sở bảo đảm kiểm soát tốt dịch bệnh, nhất là tại TP Hà Nội, TP HCM và các đô thị lớn.

Sau khi nới lỏng cách ly xã hội, người dân TP HCM ra đường ngày càng đông Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Sau khi nới lỏng cách ly xã hội, người dân TP HCM ra đường ngày càng đông Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Các bộ, cơ quan liên quan, UBND tỉnh, thành trực thuộc trung ương tiếp tục chỉ đạo thực hiện các biện pháp: Người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; đeo khẩu trang khi ra ngoài; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc; không tập trung đông người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; tiếp tục dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết; tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu (khu vui chơi - giải trí, cơ sở làm đẹp, karaoke, massage, quán bar, vũ trường...) và các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác theo quyết định hoặc chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh, thành trực thuộc trung ương.

Các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ (bán buôn, bán lẻ, xổ số kiến thiết, khách sạn, cơ sở lưu trú, nhà hàng, quán ăn...), khu tập luyện thể thao, khu di tích, danh lam thắng cảnh được hoạt động trở lại nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch theo quy định.

Hoạt động vận chuyển hành khách công cộng liên tỉnh, nội tỉnh được hoạt động trở lại nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải. Riêng đối với vận chuyển hành khách bằng đường hàng không, áp dụng các biện pháp phù hợp đặc thù ngành hàng không, bảo đảm an toàn cho hành khách, ngăn ngừa lây nhiễm dịch bệnh.

Thủ tướng cũng yêu cầu giảm, giãn số học sinh trong phòng học, bố trí lệch giờ học, ăn trưa, sinh hoạt tập thể, bảo đảm không tập trung đông người; thực hiện khử trùng, vệ sinh lớp học; kết hợp học trực tuyến, thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho học sinh. Nhà máy, cơ sở sản xuất tiếp tục hoạt động nhưng phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cho công nhân, người lao động.

Không tụ tập quá 20-30 người

Cũng theo Chỉ thị 19, Thủ tướng xem xét, quyết định mức nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh đối với từng tỉnh, thành theo đề xuất của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19.

Trên cơ sở đó, chủ tịch UBND tỉnh, thành ngoài chỉ đạo thực hiện các biện pháp quy định nêu trên, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tương ứng với các mức nguy cơ, bảo đảm các yêu cầu sau: Tỉnh, thành, địa bàn có nguy cơ cao tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh, thành nào dừng ở mức độ nguy cơ thì khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà nếu không cần thiết và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; không tập trung quá 20 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 1 m khi tiếp xúc. Đối với các tỉnh, thành có mức nguy cơ thấp cũng thực hiện các biện pháp như ở mức nguy cơ; ngoại trừ không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng.

Chỉ thị cũng yêu cầu Bộ Y tế tập trung chỉ đạo: kịp thời phát hiện, cách ly, khoanh vùng, xử lý triệt để các ổ dịch; tổ chức phân luồng, phân tuyến điều trị hợp lý ngay từ khâu tiếp đón bệnh nhân, phòng ngừa lây nhiễm tại các cơ sở y tế, bảo đảm an toàn đối với cán bộ y tế, người tham gia phòng chống dịch, người cao tuổi, người có bệnh lý nền, các đối tượng yếu thế; hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phương tiện vận tải...

Các bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm việc hạn chế nhập cảnh; kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh; tất cả trường hợp được nhập cảnh phải thực hiện cách ly theo quy định.

Các bộ: Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Công Thương, Văn phòng Chính phủ chỉ đạo thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh, làm việc, học tập trực tuyến, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt và thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công, thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử và kinh tế số.

Từng bước mở lại du lịch nội địa

Chỉ đạo thực hiện các biện pháp phát triển kinh tế - xã hội theo Chỉ thị 19, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan tập trung, khẩn trương thúc đẩy việc ký kết các hợp đồng xuất khẩu với các nước EVFTA; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết, hàng hóa, nhất là các hàng hóa có lợi thế và tiềm năng xuất khẩu để triển khai ngay sau khi các nước dỡ bỏ phong tỏa, mở cửa trở lại. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, bảo đảm nguồn cung và vận chuyển, cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, xuất khẩu; thúc đẩy phát triển thị trường nội địa, có các biện pháp kích cầu, đẩy mạnh tiêu dùng, nhất là thương mại điện tử, hệ thống bán lẻ, bảo đảm đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống. Ngoài ra, từng bước mở lại du lịch nội địa.

THẾ DŨNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/tiep-tuc-dung-dich-vu-khong-can-thiet-20200425222847003.htm
Zalo