Tiếp tục đón nhà đầu tư nước ngoài, thị trường bán lẻ Việt Nam khởi sắc

Hãng nội y nổi tiếng Victoria's Secret vừa đặt cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam, qua đó tiếp tục khẳng định sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ.

Thị trường bán lẻ đón nhà đầu tư mới

Mới đây, hãng nội y nổi tiếng thế giới là Victoria’s Secret đã đặt cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam tại Trung tâm thương mại Lotte Mall Tây Hồ (Hà Nội). Đây là một bước tiến trong việc chuyển trọng tâm sang châu Á của hãng này. Hiện Victoria’s Secret đang có 1.350 cửa hàng ở khoảng 70 quốc gia trên thế giới.

Victoria’s Secret mở cửa hàng tại Việt Nam (Ảnh: Victoria’s Secret)

Victoria’s Secret mở cửa hàng tại Việt Nam (Ảnh: Victoria’s Secret)

Được biết, thời gian tới Victoria’s Secret có kế hoạch đóng cửa 38 - 42 cửa hàng ở Mỹ - thị trường lớn nhất của công ty do doanh thu sụt giảm. Thay vào đó, sẽ mở các cửa hàng mới tại những thị trường tiềm năng như Việt Nam, hay cửa hàng flagship ở Singapore.

Việc Victoria’s Secret ra mắt cửa hàng tại Việt Nam đã đánh dấu sự mở rộng của thương hiệu tại Việt Nam, đồng thời, chứng tỏ thị trường bán lẻ nội địa ngày càng cởi mở và đón nhận các thương hiệu thời trang danh tiếng quốc tế.

Cùng với hãng bán lẻ này, từ đầu năm đến nay, thị trường nội địa đón chào rất nhiều nhà đầu tư đến từ nước ngoài. Nhiều đại gia đến từ Nhật Bản, Thailand, Hàn Quốc, Singapore đã hiện thực hóa mục tiêu mở rộng tại thị trường Việt Nam. Trong đó, phải kể đến những công ty lớn như: BRG, Aeon (Nhật Bản).

Đơn cử, ngày 1/6, Tập đoàn BRG phối hợp với Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) khai trương siêu thị FujiMart tại phố Giảng Võ (quận Ba Đình, TP. Hà Nội), đưa tổng số điểm bán của hệ thống FujiMart tại Hà Nội lên 11 điểm. Bên cạnh đó, Công ty TNHH Aeon Việt Nam (Aeon Việt Nam) cũng tổ chức lễ khởi công dự án Trung tâm thương mại Aeon Tân An, tại tỉnh Long An. Đây là trung tâm thương mại thứ 8 tại Việt Nam của Aeon Việt Nam và là trung tâm thương mại Aeon đầu tiên ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2025.

Không đứng ngoài cuộc đua sôi động này, các nhà bán lẻ Việt Nam cũng vào cuộc mở rộng mạng lưới phân phối của mình. Theo đó, Vincom Retail đã cho ra mắt liên tiếp 4 trung tâm thương mại mới chỉ trong vòng 30 ngày tại TP. Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Điện Biên, Hà Giang. Nhà bán lẻ nội địa nâng tổng quy mô toàn hệ thống lên 87 trung tâm thương mại tại 47 tỉnh thành, khẳng định vị trí hàng đầu tại thị trường với những trải nghiệm mua sắm, ẩm thực và giải trí độc đáo cho khách hàng.

Theo Tổng cục Thống kê, 7 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.625,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 10,6%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,2% (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,8%).

Mức tăng trưởng của thị trường bán lẻ tuy không đạt được đến 2 con số như năm 2023, song cũng đang neo ở mức rất cao. Thị trường bán lẻ Việt Nam được nhận định có rất nhiều tiềm năng, với dân số gần 100 triệu người, trong đó 50% là dân số trẻ có nhu cầu tiêu dùng đa dạng và luôn thay đổi.

Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm do Tổng cục Thống kê tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho hay, thị trường bán lẻ nội địa còn nhiều dư địa cho các nhà bán lẻ phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu khi thu nhập bình quân của người dân ngày càng cao, tầng lớp trung lưu tăng nhanh, tỷ lệ tiêu dùng so với GDP của Việt Nam thuộc nhóm cao so với các nước trong khu vực. Đây sẽ là động lực để các doanh nghiệp bán lẻ hướng tới tiêu chuẩn cao hơn, bảo vệ và phát triển thương hiệu.

Chú trọng đến thị trường bán lẻ online

Đề cập thị trường bán lẻ không thể không nhắc đến sự phát triển của thị trường thương mại điện tử đến từ việc thay đổi thói quen của người tiêu dùng trong và sau đại dịch Covid-19. Các nền tảng bán hàng online phổ biến như Shopee, Tiki, Chotot, Lazada… đều cho thấy sự tăng trưởng mạnh của nhóm mặt hàng không thiết yếu. Nổi bật nhất là hoạt động bán hàng trên các mạng xã hội vượt qua website, ứng dụng của doanh nghiệp hay sàn thương mại điện tử. Theo đó, có tới 65% doanh nghiệp đã triển khai hoạt động kinh doanh trên các mạng xã hội.

Bên cạnh các nền tảng thương mại điện tử bán lẻ đã xuất hiện những nền tảng công nghệ dữ liệu B2B kết nối các nhà bán lẻ truyền thống quy mô nhỏ với các nhà sản xuất hoặc bán buôn trên nền tảng tập trung.

Từ thực tế đó, theo các chuyên gia, thị trường bán lẻ cấn tiếp tục tập trung đầu tư chuyển hướng phát triển, mở rộng kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử, đáp ứng thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Đây không chỉ là giải pháp phát triển hợp xu thế, mà sự phát triển này còn giúp doanh nghiệp đối phó với gánh nặng chi phí mặt bằng, tiết kiệm… dồn nguồn lực để tập trung sản xuất và phục hồi.

PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh, thúc đẩy thị trường trong nước luôn là giải pháp hàng đầu hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Trong đó không thể không kể đến vai trò của các doanh nghiệp bán lẻ. Vì vậy, các doanh nghiệp bán lẻ cần đổi mới phương thức kinh doanh, đưa sản phẩm có chất lượng, giá hợp lý đến với người tiêu dùng nhanh nhất, đồng thời có các chính sách khuyến mại, hậu mãi để giữ chân người mua và tạo uy tín thương hiệu.

Bảo Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tiep-tuc-don-nha-dau-tu-nuoc-ngoai-thi-truong-ban-le-viet-nam-khoi-sac-337566.html
Zalo