Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp tuyên truyền, vận động nhân dân

Sáng 9/1, tại Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác dân vận năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ công tác dân vận năm 2025. (Ảnh: Thủy Nguyên)

Hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ công tác dân vận năm 2025. (Ảnh: Thủy Nguyên)

Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Mai Văn Chính, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Phạm Tất Thắng, Phó Trưởng ban Thường trực; đồng chí Đỗ Văn Phới, Phó Trưởng ban, chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, lãnh đạo ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương.

Các đại biểu dự hội nghị. (Ảnh: Thủy Nguyên)

Các đại biểu dự hội nghị. (Ảnh: Thủy Nguyên)

Báo cáo kết quả công tác dân vận năm 2024, đồng chí Phạm Tất Thắng nêu rõ, hệ thống dân vận các cấp đã chủ động, phối hợp với chính quyền, các cơ quan, ban, ngành thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân.

Các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã có sự gắn kết chặt chẽ, tạo sức lan tỏa tích cực trong đời sống xã hội. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức ngày càng đi vào chiều sâu thực chất, tạo sức mạnh tổng hợp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của hệ thống chính trị, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.

Các đại biểu đã thống nhất các nhiệm vụ trọng tâm công tác dân vận năm 2025. (Ảnh: Thủy Nguyên)

Các đại biểu đã thống nhất các nhiệm vụ trọng tâm công tác dân vận năm 2025. (Ảnh: Thủy Nguyên)

Trong năm 2024, cả nước có 196.615 mô hình “Dân vận khéo” được đăng ký; có 168.032 mô hình đã được công nhận trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng đảng và hệ thống chính trị. Các tỉnh, thành phố trong cả nước đã tổ chức 669 cuộc thi, hội thi “Dân vận khéo"; đã có 12.428 tập thể và 11.770 cá nhân được khen thưởng, biểu dương vì có thành tích trong công tác dân vận.

Chia sẻ kinh nghiệm về công tác nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đoàn viên, người lao động, đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết, các cấp Công đoàn đã có nhiều đổi mới trong phương pháp, ứng dụng tốt công nghệ, mạng xã hội (Zalo, Facebook, Youtube, Viber…) để truyền tải thông tin tuyên truyền, đồng thời tương tác, tiếp nhận ý kiến, đề xuất, kiến nghị của cán bộ đoàn viên, người lao động; thường xuyên tổ chức khảo sát online liên quan chế độ, chính sách, việc làm, thu nhập, tiền lương… của người lao động.

Nhiều chương trình, hoạt động sáng tạo, hiệu quả như Tháng Công nhân, Siêu thị 0 đồng, Đám cưới tập thể công nhân, Hội thao công nhân viên chức lao động, các hoạt động kỷ niệm 95 năm Công đoàn Việt Nam, bữa cơm công đoàn… được livetreams trên các tài khoản mạng xã hội của Tổng Liên đoàn và các cấp công đoàn, góp phần lan tỏa thông tin, kết nối công đoàn gần gũi hơn với đoàn viên, người lao động.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nêu kinh nghiệm về công tác nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đoàn viên, người lao động. (Ảnh: Thủy Nguyên)

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nêu kinh nghiệm về công tác nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đoàn viên, người lao động. (Ảnh: Thủy Nguyên)

Theo đồng chí Ngọ Duy Hiểu, trong năm 2025, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xác định rõ một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dư luận xã hội. Coi trọng công tác đối thoại trực tiếp và giải quyết những vấn đề bức xúc của đoàn viên, người lao động; làm tốt công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm lôi kéo, kích động đoàn viên, người lao động tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật

Nêu một số kinh nghiệm công tác dân vận trong thực hiện các công trình, dự án trọng điểm, đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có 538 dự án được ghi vốn bồi thường, giải phóng mặt bằng, trong đó có các dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia. Xác định trách nhiệm của ngành Dân vận và tầm quan trọng của công tác giải phóng mặt bằng, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo làm cơ sở để triển khai hiệu quả. Cả hệ thống chính trị Thành phố đã chủ động triển khai vận động nhân dân bàn giao mặt bằng để thực hiện các công trình, dự án trọng điểm.

Từng địa phương thành lập các tổ tuyên truyền, vận động với nòng cốt là cán bộ dân vận, Mặt trận, các đoàn thể, người có uy tín tại địa phương, đại diện hộ dân bị ảnh hưởng dự án,… để tiếp xúc, vận động người dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh của từng trường hợp cụ thể, qua đó, đề xuất những phương án hỗ trợ tốt nhất cho người dân. Các cơ quan liên quan phối hợp tổ chức điều tra xã hội học trước, trong và sau khi thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; trực tiếp cử cán bộ quản lý dự án phối hợp cùng chính quyền địa phương kể từ khi bắt đầu thực hiện công tác bồi thường, xây dựng kế hoạch bàn giao mặt bằng theo tiến độ thi công; tham gia soạn thảo nội dung tuyên truyền và trực tiếp tham gia công tác tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân, đặc biệt là ở các buổi tham vấn tại cộng đồng hoặc vận động tại hiện trường; vận động đơn vị thi công hỗ trợ người dân trong việc tháo dỡ mặt bằng, sửa chữa lại nhà cửa, tu sửa đường hẻm xuống cấp xung quanh phạm vi công trình; cập nhật tiến độ thi công các công trình, dự án qua phương tiện truyền thông, mạng xã hội để thông tin cho người dân được biết,…

Tại Hội nghị, các ý kiến tham luận chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình "dân vận khéo", công tác dân vận trong xây dựng nông thôn mới và giải quyết đơn thư, khiếu nại; vận động nhân dân ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước…; thống nhất các nhiệm vụ năm 2025.

Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: Thủy Nguyên)

Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: Thủy Nguyên)

Ghi nhận và đánh giá cao kết quả công tác dân vận đã đạt được, dự báo tình hình năm 2025 và những năm tiếp theo, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú nhấn mạnh, ngành Dân vận cần tiếp tục nhận thức rõ tầm quan trọng đặc biệt và yêu cầu đổi mới mạnh mẽ công tác dân vận, nhằm phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới. Thường trực Ban Bí thư yêu cầu, nâng cao hiệu quả thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; khẳng định trách nhiệm, gương mẫu, đi đầu của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị và mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, trong thực hiện công tác dân vận. Ban dân vận các cấp tích cực tham mưu, tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Trung ương về công tác dân vận.

Bên cạnh đó là tiếp tục đổi mới phương pháp vận động nhân dân; bám sát địa bàn, cơ sở, nắm chắc tình hình; tạo ra nhiều kênh, cơ chế nắm bắt thông tin, tâm tư, nguyện vọng và ý kiến phản ánh với phương châm "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với nhân dân". Lãnh đạo, người đứng đầu các cấp phải thường xuyên tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe, giải quyết kịp thời bức xúc trong nhân dân, nhất là vụ việc khiếu kiện, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng...

Cùng với việc làm tốt công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào theo tôn giáo, địa bàn trọng điểm về an ninh quốc phòng, ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, nắm chắc tình hình đồng bào ta ở nước ngoài, toàn ngành tích cực chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác dân vận, đẩy mạnh công tác dân vận trên không gian mạng, thông qua chính phủ điện tử, xã hội số, công dân số.

Đồng chí Trần Cẩm Tú lưu ý, triển khai các nhiệm vụ tổ chức phục vụ Đại hội XIV của Đảng, ngành dân vận tăng cường nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng, ý kiến của nhân dân; phát động các đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, trước, trong và sau Đại hội. Đối với chủ trương hợp nhất Ban Dân vận Trung ương và Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí đề nghị, tiếp tục triển khai khẩn trương, nghiêm túc; đề xuất phương án sắp xếp, tinh gọn khoa học, đúng tiến độ; quan tâm bảo đảm chế độ cho cán bộ, công chức, người lao động ảnh hưởng do sắp xếp; khẩn trương xây dựng, triển khai thực hiện chương trình công tác năm 2025 ngay sau khi hợp nhất. Việc tinh gọn tổ chức, bộ máy đi đôi với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu tham mưu chiến lược cho Đảng trên lĩnh vực dân vận.

Trưởng ban Dân vận Trung ương Mai Văn Chính triển khai nhiệm vụ dân vận năm 2025. (Ảnh: Thủy Nguyên)

Trưởng ban Dân vận Trung ương Mai Văn Chính triển khai nhiệm vụ dân vận năm 2025. (Ảnh: Thủy Nguyên)

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư và triển khai nhiệm vụ năm 2025, đồng chí Trưởng Ban Dân vận Trung ương Mai Văn Chính cho biết, toàn ngành sẽ tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung, phương thức công tác dân vận đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới. Trọng tâm là đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động nhân dân, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào triển khai các lĩnh vực công tác dân vận.

Tập trung nghiên cứu, nắm chắc tình hình nhân dân; bám sát địa bàn, làm tốt phương châm "gần dân", "trọng dân"; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong khối dân vận và giữa ban dân vận với chính quyền cùng cấp nhằm triển khai hiệu quả công tác tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân; làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết dứt điểm vấn đề bức xúc trong nhân dân ngay từ cơ sở, vụ việc khiếu kiện kéo dài, tham nhũng, tiêu cực.

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm.

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm.

Cùng với đó, tích cực vận động các tầng lớp nhân dân, nhất là đoàn viên, hội viên, nhân sĩ, trí thức, người Việt Nam ở nước ngoài... tham gia nghiên cứu, làm rõ các giá trị lý luận về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và tích cực góp ý, nghiên cứu, lan tỏa nội dung cốt lõi, nội dung mới trong dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, quan điểm "dân là gốc", "dân là trung tâm", ngành Dân vận sẽ có các giải pháp nhằm phát huy vai trò, sức mạnh của nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra. Đồng thời tiếp tục nhân rộng và phát triển những thành tựu của đất nước đạt được sau 40 năm đổi mới, đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Tiểu Phương

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tiep-tuc-doi-moi-manh-me-phuong-phap-tuyen-truyen-van-dong-nhan-dan-post855180.html
Zalo