Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật
Ngày 17-12, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đồng chủ trị Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2025. Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến điểm cầu các tỉnh, thành trong cả nước.
Theo Bộ Tư pháp, trong năm 2024, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã phối hợp tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 28 luật tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV. Bên cạnh đó, các bộ, ngành đã xây dựng và trình, ban hành theo quy định 832 văn bản quy phạm pháp luật; các địa phương ban hành hơn 4,8 ngàn văn bản quy phạm pháp luật.
Đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trong năm 2024, ngành tư pháp và các bộ, ngành, địa phương cũng đã tổ chức tuyên truyền hơn 566 ngàn buổi tuyên truyền, cho hơn 55 triệu lượt người tham gia.
Báo cáo tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng cho biết, trong năm 2024, Sở Tư pháp đã tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường quản lý nhà nước đối với các tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp, thường xuyên thông tin về tổ chức và hoạt động của các tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp được đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Trong năm 2024, tỉnh đã thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với 14 tổ chức hành nghề luật sư, phát hiện 10 tổ chức có hành vi vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền với tổng số tiền là hơn 140 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 1 văn phòng luật sư; 1 chi nhánh của văn phòng luật sư...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó thủ tướng Chính Phủ Lê Thành Long cho rằng, công tác xây dựng pháp luật, thể chế là vấn đề đột phá góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó, ngành tư pháp là lực lượng nòng cốt đóng vai trò rất lớn trong việc xây dựng hệ thống pháp luật góp phần phát triển kinh tế, xã hội của cả nước.
Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đề nghị, thời gian tới, ngành tư pháp tập trung xây dựng hệ thống pháp luật khả thi, chi phí thấp, dễ dàng đến được với người dân. Việc sửa đổi, bổ sung pháp luật phải gắn với việc sắp xếp, tinh gọn, kiện toàn tổ chức bộ máy nghiêm túc, kịp thời và đúng quy định pháp luật. Trong đó, phải xác định những việc nào cần làm ngay, cần làm trước để thực hiện.
Bên cạnh đó, ngành tư pháp sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật. Ngành tư pháp tổ chức rà soát cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ, đề xuất và triển khai các phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với quy định.