Tiếp tục có mưa lớn trong những ngày tới
Từ ngày 14 đến 17/11, trên địa bàn tỉnh có mưa to, mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến 150-300mm, có nơi trên 500mm. Cần đề phòng sạt trượt ở vùng núi, ngập úng vùng thấp trũng.
Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, tổng lượng mưa từ ngày 12 đến 14/11 trên toàn tỉnh phổ biến 100-300mm. Trong đó, khu vực đồng bằng ven biển lượng mưa từ 60-120mm, khu vực vùng núi Nam Đông, A Lưới, Phong Điền mưa lớn hơn, với lượng mưa từ 330-480mm.
Trong khi đó, dự báo từ ngày 14 đến ngày 17/11 tại tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục có mưa to, mưa rất to và rải rác có giông. Tổng lượng mưa phổ biến 180-350mm, có nơi trên 500mm. Mưa lớn nên cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng các khu vực trũng, thấp.
Tại huyện Phong Điền, mưa lớn những ngày qua đã làm Quốc Lộ 49B (từ Phong Hòa đi Điền Hải) bị ngập một số điểm, mức ngập sâu nhất là 0,3m. Tuyến Tỉnh lộ 17 từ Thị trấn Phong Điền đi Phong Mỹ bị ngập 0,2m. Đoạn cầu Khe Tre qua thôn Vĩnh Hương, xã Phong An ngập sâu 0,5m, dài 100m.
Tuyến Tỉnh lộ 4 đoạn qua xã Quảng An, Quảng Phước (Quảng Điền) bị ngập một số đoạn sâu 0,2m. Chính quyền đã rào chắn giao thông qua đập Cửa Lác xã Quảng Thái và đoạn ngập lụt qua Thủ Lễ xã Quảng Phước…
Khu vực đồng bằng ven biển dù lượng mưa không lớn bằng miền núi nhưng gió và triều cường sóng lớn đã gây sạt lở biển một số khu vực.
Cụ thể, tại bãi tắm biển Thuận An (TP. Huế), sóng mạnh đã đánh hở hàm ếch, làm sập khu vực khán đài (nơi thường tổ chức các lễ hội biển). Khu vực này vốn được đúc bằng bê tông, qua các mùa mưa bão đều sạt lở nhưng đợt triều cường này đã làm nhiều mảng bê tông bị sụt vỡ, đứt gãy, cát xói dưới chân lộ ra ngày một nhiều hơn.
Tại xã Phú Diên (Phú Vang), ông Hoàng Văn Vy, Chủ tịch UBND xã cho biết, các khu vực sạt lở ven biển đợt mưa trước không có xuất hiện điểm mới nhưng hiện sóng to, mưa cường suất lớn tạo nên các dòng chảy mạnh, làm tăng nguy cơ sạt lở tiếp diễn.
UBND xã này đã có tờ trình gửi UBND huyện Phú Vang xin được bố trí kinh phí từ nguồn vốn khắc phục thiên tai (khoảng 1 tỷ đồng), tiếp tục gia cố, xử lý dứt điểm các khu vực sạt lở nhằm ổn định lâu dài.
Ông Đặng Văn Hòa, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, nhằm ứng phó với mưa lớn, đơn vị đã yêu cầu các địa phương tổ chức rà soát, cập nhật phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, cửa sông, ven biển, các công trình đang thi công.
Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, ngăn chặn người đi vào rừng trong thời gian thiên tai, mưa lũ. Phân công lực lượng cảnh giới tại các điểm có nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở, ngập lụt. Bố trí biển báo, hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại các khu vực ngầm tràn khi xảy ra mưa lũ. Kiểm tra các chủ đầu tư xây dựng công trình bảo đảm an toàn trong thiên tai, khắc phục tình trạng ngập úng đô thị khi mưa lớn.