Tiếp tục cảnh báo chiêu trò tuyển dụng lao động thời vụ

Cuối năm, các doanh nghiệp tăng tốc tuyển dụng lao động để đáp ứng đơn hàng sản xuất, song đây cũng là thời điểm nhiều đối tượng lợi dụng để lừa đảo.

Cần lựa chọn những đơn vị uy tín

Đầu quý IV/2024, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã bắt đầu chiến dịch tuyển dụng lao động quy mô lớn, nhằm đáp ứng nhu cầu hoàn thành các đơn hàng. Ghi nhận từ các phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức gần đây, trung bình có khoảng 3.000 chỉ tiêu tuyển dụng ở mỗi phiên, bao gồm nhiều ngành nghề khác nhau.

Trên cơ sở kết quả khảo sát cung - cầu lao động những tháng qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội dự báo nhu cầu nhân lực quý IV/2024 trên địa bàn thành phố sẽ cần khoảng 83.000 lao động; tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dịch vụ - thương mại. Hệ thống các siêu thị, nhà hàng, trung tâm thương mại, công ty giao nhận hàng cần nhiều lao động để phục vụ đơn hàng của khách.

Doanh nghiệp tăng tốc tuyển dụng lao động để đáp ứng đơn hàng. Ảnh: Sỹ Quyết

Doanh nghiệp tăng tốc tuyển dụng lao động để đáp ứng đơn hàng. Ảnh: Sỹ Quyết

Còn tại Bắc Giang, thời gian qua, địa phương liên tiếp tổ chức các phiên giao dịch việc làm. Mới đây, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang phối hợp với Tỉnh đoàn, Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp tổ chức Ngày hội việc làm năm 2024. Phiên giao dịch thu hút sự tham gia của 22 đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và hơn 2.000 người lao động, học sinh, sinh viên của Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp tham gia. Tại phiên giao dịch, một số doanh nghiệp cho biết có nhu cầu tuyển dụng tới nghìn lao động cho những tháng cuối năm 2024 và năm 2025.

Ông Trần Văn Hà - Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bắc Giang - cho biết, qua nắm bắt, năm 2025, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển khoảng 80.000 vị trí việc làm mới.

Không chỉ các tỉnh phía Bắc, nhiều tỉnh thành phía Nam cũng tăng tốc tuyển dụng lao động, như TP. Hồ Chí Minh, tính riêng 3 tháng cuối năm 2024, doanh nghiệp ở đây cần từ 78 - 83.000 lao động, tập trung ở các nhóm ngành công nghiệp trọng điểm như cơ khí; điện tử - công nghệ thông tin; chế biến lương thực thực phẩm; hóa dược - cao su và nhóm ngành dịch vụ chủ yếu.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đồng Nai cũng thông tin, từ nay đến cuối năm, khoảng 1,5 nghìn doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển lao động với số lượng từ 15.000 - 18.000 người.

Theo giới chuyên gia, đây là cơ hội để người lao động có thêm việc làm, tuy nhiên cũng là dịp mà nhiều đối tượng lợi dụng để thực hiện các chiêu trò tuyển dụng lao động thời vụ để lừa đảo. Vì vậy, người dân cần cảnh giác, tìm hiểu kỹ thông tin về công việc, người tuyển dụng lao động, để tránh mất tiền và thời gian.

Để bảo vệ quyền lợi người lao động, những tháng qua, các cấp công đoàn trong tỉnh Đồng Nai tích cực đăng tải thông tin tuyển lao động để hỗ trợ doanh nghiệp tìm nguồn lực, cũng như kết nối lao động thất nghiệp, lao động ở những doanh nghiệp cắt giảm lao động đến doanh nghiệp cần tuyển người.

Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội – khuyến cáo, khi tìm việc, mỗi người cần lựa chọn đơn vị uy tín để tránh trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo. Mặt khác, để đáp ứng nhu cầu công việc, người lao động cũng cần trau dồi kỹ năng ngoại ngữ, công nghệ thông tin và cập nhật các công nghệ mới.

Đặc biệt người lao động cần cảnh giác với chiêu trò tuyển dụng "việc nhẹ, lương cao" chỉ cần đóng phí môi giới việc làm. Thực tế rất nhiều lao động đã bị lừa bởi chiêu thức này.

Theo chia sẻ của một số doanh nghiệp, trước đây, một số lao động khi đi xin việc thường qua các tổ chức trung gian và phải nộp phí cho các cá nhân, tổ chức này. Tuy nhiên điều này Luật lao động nghiêm cấm. Cho nên lao động xin việc không phải nộp bất cứ khoản lệ phí nào và chỉ phải tự làm hồ sơ, di chuyển tới nơi xin việc để nộp hồ sơ ứng tuyển.

Cảnh báo lừa đảo đi làm việc tại nước ngoài

Không chỉ trong nước, thị trường lao động nước ngoài cũng khá sôi động, do nhiều nước thiếu hụt nguồn nhân lực. Lợi dụng tình trạng này, các đối tượng thường mạo danh công ty môi giới lao động hợp pháp bằng cách tạo website giả hoặc cung cấp giấy tờ giả. Thậm chí còn tổ chức các buổi hội thảo đi làm việc làm tại nước ngoài với mức thu nhập cao, điều kiện lao động tốt, chi phí xuất khẩu lao động thấp.

Nhiều người sau khi nộp tiền môi giới, chi phí hồ sơ đã không thể liên lạc lại với đối tượng hoặc vẫn được đưa sang nước ngoài nhưng với công việc, thu nhập không đúng với cam kết.

Sự việc Công ty CP thương mại và dịch vụ Educa Việt Nam đã “bỏ rơi” hàng trăm lao động tại sân bay Nội Bài trong lúc làm thủ tục sang Hàn Quốc làm việc cuối tháng 9 vừa qua là ví dụ điển hình.

Ngay khi nắm được thông tin, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đã cử cán bộ xuống Công ty CP thương mại và dịch vụ Educa Việt Nam tiếp cận người lao động và đại diện công ty để có thông tin xác thực; đồng thời có công văn hỏa tốc gửi Công an TP. Hà Nội và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. Hà Nội đề nghị kiểm tra, xử lý thông tin liên quan đến công ty nói trên.

Trước đó, một số cá nhân, tổ chức cũng lợi dụng thông tin mở rộng chính sách tiếp nhận của Hàn Quốc quảng cáo, tuyển chọn trái quy định về việc đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc trong các ngành nghề giúp việc gia đình, vệ sinh, đầu bếp, nhà hàng, bốc xếp bưu phẩm... theo thị thực E9.

Về vấn đề này, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, hiện nay Trung tâm Lao động ngoài nước (COLAB) thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là đơn vị duy nhất phái cử lao động đi làm việc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài theo thị thực E9 (Chương trình EPS, bao gồm các ngành, nghề sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp và đóng tàu), chưa được giao phái cử lao động trong các ngành, nghề nêu trên. Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng chưa tiếp nhận và chấp thuận hợp đồng cung ứng lao động của bất kỳ doanh nghiệp dịch vụ nào để đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc trong các ngành, nghề giúp việc gia đình, vệ sinh, đầu bếp và nhân viên khách sạn.

Còn đối với diện visa E8, Cục Quản lý lao động ngoài nước khẳng định, Chương trình lao động thời vụ diện visa E8 là chương trình hợp tác trực tiếp giữa địa phương của Việt Nam với địa phương của Hàn Quốc trên cơ sở bản Thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa địa phương hai nước để tuyển chọn đưa người lao động cư trú tại địa phương sang làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Hàn Quốc theo chương trình này.

Đến nay, có 17 địa phương gồm: Đà Nẵng, Đồng Tháp, Thái Bình, Hà Nam, Thừa Thiên Huế, Cà Mau, Quảng Bình, Hậu Giang, Hà Giang, Lai Châu, Tuyên Quang, Nam Định, Đắk Lắk, Yên Bái, Lâm Đồng, Bạc Liêu và Phú Yên đã ký thỏa thuận với địa phương của Hàn Quốc để đưa lao động thời vụ đi làm việc tại Hàn Quốc theo thị thực E8.

Tại các địa phương triển khai chương trình này, việc tuyển chọn, làm hồ sơ, thủ tục và đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc do cơ quan chức năng của địa phương được giao nhiệm vụ thực hiện. Vì vậy, người lao động có nhu cầu đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình lao động thời vụ visa E8 chỉ liên hệ trực tiếp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương nơi cư trú để tìm hiểu thông tin liên quan và làm các thủ tục cần thiết. Tuyệt đối không nghe theo thông tin quảng cáo không chính thống và không liên hệ với các tổ chức, cá nhân trung gian, môi giới.

Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tiep-tuc-canh-bao-chieu-tro-tuyen-dung-lao-dong-thoi-vu-356491.html
Zalo