Tiếp thêm động lực cho mối quan hệ ASEAN-Trung Quốc
Giáo sư Awang Azman Bin Awang Pawi, trường Đại học Malaya của Malaysia, đánh giá mối quan hệ ASEAN-Trung Quốc rất đa dạng, với nền tảng hợp tác kinh tế mạnh mẽ và quan hệ đối tác chiến lược.

(Ảnh: Vietnam+)
Ngay từ khi nhận chuyển giao cương vị Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào cuối năm 2024, Malaysia đã cam kết xây dựng một chương trình nghị sự tập trung vào phát triển kinh tế số; thúc đẩy kinh tế nội khối; mở rộng các quan hệ đối tác kinh tế của nhóm vượt ra ngoài biên giới khu vực.
Trọng tâm của những kế hoạch kinh tế này là Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc-Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) sẽ diễn ra vào tháng 5 tới. Do vậy, chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới 3 nước thành viên ASEAN gồm Việt Nam, Malaysia và Campuchia được xem như tiếp thêm động lực cho mối quan hệ ASEAN-Trung Quốc, vốn được đặt trên nền tảng phát triển kinh tế-thương mại rất mạnh mẽ.
ASEAN có tiềm năng về phát triển kinh tế và cung cấp tài nguyên thiên nhiên, GCC là nhà đầu tư hấp dẫn, trong khi Trung Quốc cung cấp một trong những thị trường lớn nhất đồng thời là nhà cung cấp công nghệ, trung tâm của ngành sản xuất toàn cầu.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Giáo sư Awang Azman Bin Awang Pawi, trường Đại học Malaya, đánh giá mối quan hệ ASEAN-Trung Quốc rất đa dạng, với nền tảng hợp tác kinh tế mạnh mẽ và quan hệ đối tác chiến lược. Quỹ đạo phát triển của mối quan hệ này sẽ phụ thuộc vào việc tiếp tục đối thoại, tôn trọng lẫn nhau về chủ quyền và cam kết chung về sự ổn định và thịnh vượng của khu vực.
Nền tảng hợp tác
Tháng 10/2003, quan hệ ASEAN-Trung Quốc ghi dấu ấn lịch sử với việc hai bên ký kết Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng, đưa Trung Quốc trở thành đối tác chiến lược đầu tiên của ASEAN.
Tiếp theo đó là một loạt những dấu ấn khác thể hiện sự gắn kết chặt chẽ của Trung Quốc với khu vực như Trung Quốc chỉ định đại sứ đầu tiên tại ASEAN năm 2008, mở Trung tâm ASEAN-Trung Quốc tại thủ đô Bắc Kinh năm 2011 và thiết lập Phái đoàn Trung Quốc tại ASEAN năm 2012.
Hợp tác kinh tế-thương mại được xem là động lực quan trọng trong hợp tác ASEAN-Trung Quốc suốt 30 năm qua. Trung Quốc đã là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN trong 15 năm liên tiếp (từ năm 2009) và ASEAN đã vươn lên giành vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong 4 năm liên tiếp (từ năm 2020).
Kim ngạch thương mại ASEAN-Trung Quốc quý I/2025 đạt 234,17 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2023, thương mại ASEAN-Trung Quốc đạt 911,7 tỷ USD, đưa mỗi bên lên vị trí đầu tiên trong danh sách các đối tác thương mại của nhau.
Căng thẳng giữa Trung Quốc với 2 đối tác thương mại lớn thứ hai và ba là Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ càng thúc đẩy Trung Quốc tăng cường thương mại và đầu tư mạnh sang ASEAN.
Trung Quốc và ASEAN hiện là nền kinh tế lớn thứ hai và thứ năm trên toàn cầu. Tổng quy mô kinh tế của hai bên vượt 1/5 quy mô kinh tế thế giới. Hai bên cũng giữ vai trò là động lực quan trọng cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu trong những năm gần đây.
Với GDP 14.120 tỷ USD và dân số 1,44 tỷ người, Trung Quốc được xem là thị trường hấp dẫn đối với tất cả các nước khác, trong đó có các nước ASEAN.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) - một trong những hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới - chính là lực đẩy của sự bứt phá kinh tế giữa ASEAN và Trung Quốc.
Hai bên đã ký kết Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện vào tháng 11/2002 nhằm thiết lập Khu vực thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), tạo động lực quan trọng thúc đẩy hợp tác kinh tế sôi động và toàn diện.
Hợp tác ASEAN - Trung Quốc còn diễn ra sôi động trên các lĩnh vực kết nối, du lịch, công nghệ thông tin-truyền thông, khoa học-công nghệ, xây dựng thành phố thông minh, kinh tế số..., được thúc đẩy thông qua các văn kiện quan trọng, như: Tuyên bố chung ASEAN-Trung Quốc về gắn kết giữa Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN (MPAC) và Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) (năm 2019), Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN-Trung Quốc về Sáng kiến hợp tác thành phố thông minh...
Tiếp thêm động lực
Trong Tuyên bố chung kết thúc chuyến thăm, Trung Quốc đánh giá cao các sáng kiến tổ chức Hội nghị cấp cao hợp tác ASEAN-Trung Quốc-GCC, thể hiện chủ nghĩa khu vực cởi mở, có lợi cho sự ổn định kinh tế và tài chính quốc tế và khu vực.
Hai bên đánh giá cao Quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc, tái khẳng định cùng nhau thực hiện Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Trung Quốc, tăng cường xây dựng một ngôi nhà hòa bình, an toàn và an ninh, thịnh vượng và thân thiện, tiếp thêm động lực để làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN-Trung Quốc, xây dựng một Cộng đồng ASEAN-Trung Quốc chặt chẽ hơn với một tương lai chung sẽ mang lại lợi ích cho người dân.
Cả hai bên đều cam kết thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực và sẽ thúc đẩy việc thực hiện RCEP và mong muốn hoàn tất toàn bộ Hiệp định thương mại tự do (FTA) ASEAN-Trung Quốc phiên bản 3.0 để sớm ký nghị định thư nâng cấp và thực hiện kịp thời.
Với tư cách là Chủ tịch ASEAN hiện tại và Điều phối viên quốc gia về Quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc, Malaysia tái khẳng định cam kết thúc đẩy Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa ASEAN và Trung Quốc thông qua đối thoại, tin tưởng lẫn nhau và các sáng kiến lấy người dân làm trung tâm.
Chuẩn bị cho tương lai
Theo Giáo sư Awang Azman Bin Awang Pawi, mối quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc đã trở thành một trong những mối quan hệ quan trọng nhất trong trật tự Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đương đại.
Được đánh dấu bằng sự hội nhập kinh tế nhanh chóng, kết nối cơ sở hạ tầng ngày càng tăng và sự tham gia chính trị mở rộng, mối quan hệ đối tác này cũng phải đối mặt với những thách thức dai dẳng căng thẳng địa chính trị, sự ngờ vực chiến lược và bất cân xứng nội bộ.
Để hiện thực hóa đầy đủ tiềm năng chung của mình theo hướng bền vững và cân bằng, ASEAN và Trung Quốc phải áp dụng một cách tiếp cận hướng tới tương lai và bao trùm, thúc đẩy sự phát triển chung trong khi quản lý các vấn đề nhạy cảm về an ninh và chủ quyền.
Giáo sư Awang nhấn mạnh để mối quan hệ ASEAN-Trung Quốc phát triển hiệu quả, thực chất, các bên nên tập trung vào 6 điểm: Thể chế hóa các thỏa thuận kinh tế bổ sung lẫn nhau; Tăng cường lòng tin chiến lược và quản lý xung đột; Thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN và chủ nghĩa đa phương khu vực; Phát triển cơ sở hạ tầng gắn với lợi ích địa phương; Hợp tác trong các lĩnh vực an ninh mới nổi và Tăng cường giao lưu nhân dân và văn hóa.
Kết luận chung về mối quan hệ ASEAN-Trung Quốc, Giáo sư Awang cho rằng đây không những là vấn đề hợp tác, mà còn là một phép thử về khả năng thích ứng của châu Á trong việc điều hướng sự phụ thuộc lẫn nhau trong bối cảnh thế giới phức tạp. Để phát huy hết tiềm năng của mình, cả hai bên phải vượt lên trên những lợi ích ngắn hạn và đầu tư vào sự cân bằng trong cấu trúc dài hạn, qua đó tận dụng hiệu quả những động lực giúp phát triển bền vững mối quan hệ ASEAN-Trung Quốc./.