Tiếp sức doanh nghiệp phát triển
'Hoạt động khuyến công tỉnh Bình Phước thời gian qua đã phát huy vai trò là nguồn vốn ban đầu, khuyến khích các cơ sở sản xuất mạnh dạn đầu tư vốn đối ứng, đổi mới máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Qua đó, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, ổn định tình hình kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh' - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương Vũ Ngọc Long nhận định.
Hoạt động này nằm trong Đề án Đổi mới công nghệ đồng bộ, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm và đáp ứng đủ điều kiện xuất khẩu đối với sản phẩm điều Bình Phước giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030.
Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ
Nhờ sự hỗ trợ kịp thời 300 triệu đồng từ nguồn kinh phí đề án khuyến công quốc gia điểm, Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu thương mại Trụ Lành, xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh đầu tư mua máy phân loại nhân điều hiệu Meyer, công suất 4-6 tấn/giờ, với tổng kinh phí 1,7 tỷ đồng. Ông Nguyễn Đức Trụ, Giám đốc công ty cho biết: Với công nghệ tự động, máy phân loại nhân điều hiệu Meyer đã giúp công ty giảm chi phí do tiết kiệm thời gian và nhân công, đảm bảo an toàn lao động. Đồng thời góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Hiện sản phẩm nhân điều của công ty đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Công ty TNHH MTV SX-TM-XNK Ngọc Tuấn, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng cũng được thụ hưởng 300 triệu đồng từ đề án khuyến công để ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất của doanh nghiệp. Ông Ngọc Quang Tân, Giám đốc công ty cho biết, những năm gần đây, tình hình sản xuất, kinh doanh của ngành điều gặp không ít khó khăn do nguyên liệu đầu vào tăng cao, trong khi thị trường tiêu thụ giảm mạnh. Vì vậy, việc hoàn thiện thiết bị máy móc, nhà xưởng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường là yếu tố sống còn của doanh nghiệp. Ông Tân cho biết, sau khi được hỗ trợ nguồn kinh phí từ đề án khuyến công của tỉnh, doanh nghiệp đã đầu tư, nâng cấp máy dò kim loại tự động thế hệ mới. Tuy vốn đầu tư tăng nhưng đổi lại doanh nghiệp giảm được chi phí nhân công, nâng cao chất lượng sản phẩm và đạt được các chứng chỉ như: ISO 22000, HACCP, từ đó tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Hỗ trợ thương mại - kết nối thị trường
Để triển khai hiệu quả các đề án khuyến công, hằng năm, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã chủ động phối hợp, làm việc với phòng kinh tế và hạ tầng các huyện, thị, thành phố rà soát cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT), tổng hợp xây dựng kế hoạch thực hiện kinh phí khuyến công được giao. Đồng thời, kết nối các đơn vị tham gia hội chợ công nghiệp, thương mại trong nước nhằm quảng bá và giới thiệu sản phẩm để xúc tiến thương mại, kết nối, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, giúp các cơ sở có hướng đầu tư đúng, mở rộng sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển bền vững.
Ông Trương Văn Thanh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) thương mại - dịch vụ nông nghiệp Như Hoàng, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng cho biết, sau khi được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh hỗ trợ tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trong và ngoài nước, HTX tìm kiếm được nhiều đối tác hơn so với trước. Đặc biệt vừa qua, HTX thương mại - dịch vụ nông nghiệp Như Hoàng và Công ty Zheng Feng Đài Loan đã ký kết thỏa thuận hợp tác lâu dài về cung cấp sản phẩm điều rang muối tại thị trường Đài Loan, mở ra cơ hội mới cho HTX nói riêng và ngành điều Bình Phước nói chung.
Bà Võ Thị Hiền, chủ cơ sở sản xuất tiêu sạch Cô Hai, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập chia sẻ: Việc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT được tham gia hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài nước không chỉ giúp doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm của cơ sở mình mà còn tham gia vào chuỗi hoạt động hội thảo, tập huấn, tuyên truyền, chuyển giao khoa học - công nghệ mới, liên kết thu mua sản phẩm để tìm kiếm đối tác mở rộng thị trường tiêu thụ.
Giai đoạn 2020-2024, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương, trung tâm đã hỗ trợ 40 cơ sở CNNT trên địa bàn ứng dụng máy móc, thiết bị công nghệ mới, thay thế lao động thủ công bằng máy móc, thiết bị hiện đại, đồng thời nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất. Từ nguồn vốn hỗ trợ của đề án khuyến công năm 2024, Bình Phước có 32 sản phẩm được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh, 15 sản phẩm được Cục Công Thương địa phương cấp giấy chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực phía Nam.
Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh
NGUYỄN THỊ SÁU
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương Vũ Ngọc Long cho biết: Để hoạt động khuyến công tiếp tục phát huy hiệu quả, thời gian tới, Sở Công Thương chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, tăng cường hỗ trợ ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất; ưu tiên các đề án ứng dụng, dự án liên quan đến chế biến nông sản, thực phẩm chủ lực của tỉnh, các đề án ứng dụng công nghệ mới, sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng trên cơ sở phát huy lợi thế về tài nguyên, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường các nguồn kinh phí huy động, lồng ghép các nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương để thực hiện các đề án điểm. Khuyến khích các doanh nghiệp phát triển theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, thân thiện với môi trường, nhằm mở rộng và giữ vững thị trường tiêu thụ, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.