Tiếp sức cho doanh nghiệp

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/10, tín dụng đã tăng 16,65% so với cùng kỳ 2023. Nhiều ngân hàng thương mại đã đạt mức tăng trưởng tín dụng từ 10%-17% trong 9 tháng đầu năm, tăng cao hơn tín dụng chung toàn ngành. Trong đó, các lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng có sự hồi phục đáng kể, cùng với các gói tín dụng ưu đãi cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu vay vốn.

Ngoài 3 ngân hàng thương mại dẫn đầu về tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm 2024 là BIDV tăng 10%, Vietinbank tăng 9,4%, Vietcombank tăng 10,23%, các ngân hàng thương mại tư nhân cũng tăng trưởng mạnh.

Đại diện ACB cho biết, trong các tháng còn lại của năm nay, ngân hàng này sẽ cho vay hết hạn mức tín dụng được cấp hồi đầu năm là 18% vì nhu cầu tín dụng cuối năm thường cao. ACB đang tính toán xin cấp thêm hạn mức tín dụng để đẩy mạnh giải ngân gói tín dụng 5.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 5%/năm đã cam kết và sẽ nâng lên 10.000 tỷ đồng trong thời gian tới để hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Mặc dù con số tăng trưởng tín dụng vẫn chưa đồng đều giữa các ngân hàng thương mại nhưng báo cáo tài chính trong quý 3 các ngân hàng thương mại vừa công bố cho thấy, tín dụng khởi sắc cũng góp phần giúp cho các ngân hàng thương mại đạt lợi nhuận cao.

Thống kê từ 28 ngân hàng thương mại niêm yết trên sàn chứng khoán ghi nhận hơn 218.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023.

Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận của Techcombank đạt 22.842 tỷ đồng, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm 2023. Kết thúc quý 3/2024, lợi nhuận trước thuế của BVBank đạt 182 tỷ đồng, hoàn thành 90% kế hoạch năm nhờ vào tăng trưởng tín dụng…

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán SSI, mặc dù nền kinh tế đang dần phục hồi, tín dụng tăng trưởng mạnh nhưng nhu cầu tín dụng chưa đồng đều, đặc biệt là lĩnh vực bán lẻ. “Nhìn chung, các ngân hàng đang chịu áp lực từ đầu vào (chi phí vốn) và áp lực đầu ra khi tìm khách hàng cho vay và đáp ứng mục tiêu tăng trưởng cuối năm vì cung ứng vốn để tăng trưởng GDP”, đại diện bộ phận nghiên cứu SSI đánh giá.

Trong khi đó, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, đến hết quý 3, tăng trưởng kinh tế cả nước được thúc đẩy bởi tăng trưởng các ngành công nghiệp hướng vào xuất khẩu và thu hút FDI.

Trong các tháng cuối năm, động lực để kéo tăng trưởng tín dụng vẫn đến từ khu vực công nghiệp, xuất nhập khẩu vì sức mua và tiêu dùng nội địa vẫn tăng nhưng ở mức thấp.

Nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì trạng thái nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng.Vì thế, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% của toàn ngành ngân hàng trong cả năm nay sẽ vẫn là động lực để các ngân hàng thương mại mở rộng cho vay các gói tín dụng hỗ trợ khó khăn đối với các doanh nghiệp lớn và tăng khả năng tiếp cận cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm nay khả năng tăng trưởng tín dụng có thể đạt được khoảng 15%. Với việc nền kinh tế tiếp tục phục hồi tích cực trong quý 3, tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ về đích.

Ghi nhận từ cộng đồng doanh nghiệp cho thấy, việc tiếp cận dòng vốn từ ngân hàng dễ dàng với lãi suất ưu đãi đã thổi luồng sinh khí làm ăn sôi động.

Diên Vĩ

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tiep-suc-cho-doanh-nghiep-180928.html
Zalo