Tiếp nối truyền thống vẻ vang, xây dựng huyện Thanh Oai thành quận sinh thái

Phát huy truyền thống vẻ vang của huyện anh hùng, cán bộ, Nhân dân huyện Thanh Oai đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, xây dựng huyện đạt tiêu chí quận sinh thái của Thủ đô.

Những trang sử hào hùng, vẻ vang

Ngược dòng thời gian để nhớ về những ký ức lịch sử hào hùng. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời (2/9/1945). Tuy vậy, thực dân Pháp âm mưu quay trở lại quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Trước yêu cầu của cách mạng ở địa phương, cuối năm 1940, 3 quần chúng ở Phú Diễn được Tỉnh ủy Hà Đông kết nạp vào Đảng, đây là cơ sở Đảng đầu tiên ở huyện Thanh Oai được thành lập.

Nhà ông Tư Bảy, thôn Cự Đà, xã Cự Khê - nơi diễn ra trận chống càn lịch sử của các chiến sỹ tự vệ với trên 200 quân địch ngày 27/5/1947. Ảnh tư liệu

Nhà ông Tư Bảy, thôn Cự Đà, xã Cự Khê - nơi diễn ra trận chống càn lịch sử của các chiến sỹ tự vệ với trên 200 quân địch ngày 27/5/1947. Ảnh tư liệu

Đến ngày 10/10/1945, Chi bộ đội công tác của huyện Thanh Oai được thành lập, thúc đẩy công tác phát triển Đảng ở các khu vực tiến tới thành lập Ban Huyện ủy (Đảng bộ huyện). Từ đây, phong trào cách mạng của huyện Thanh Oai đã có tổ chức Đảng làm hạt nhân lãnh đạo, mở ra những khả năng và điều kiện phát triển mới.

Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch (ngày 19/12/1946), trong 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp đầy gian khổ và hy sinh, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền huyện, Nhân dân Thanh Oai luôn nêu cao truyền thống đoàn kết, vừa anh dũng kiên cường chiến đấu chống địch, phá tề, bảo vệ Đảng, bảo vệ cơ sở kháng chiến, vừa xây dựng lực lượng, liên tiếp tấn công tiêu diệt địch, làm cho chúng thiệt hại nặng nề.

Huyện ủy đã huy động hàng ngàn người dân tham gia lực lượng dân quân du kích, dân công hỏa tuyến và lực lượng phục vụ chiến đấu tại chỗ; vận động Nhân dân đào đắp hàng trăm km giao thông hào, xây dựng hàng nghìn căn hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ, bộ đội, du kích, quyên góp tiền, vàng và hàng trăm tấn lương thực ủng hộ kháng chiến; chỉ đạo các xã Thanh Thùy, Tam Hưng, Tân Ước, Đỗ Động, Hồng Dương mở khu du kích, đồng loạt nổi dậy phá tề trừ gian.

Toàn huyện đã xây dựng 13 làng kháng chiến liên hoàn, tiêu biểu như làng kháng chiến xã Tam Hưng đã đóng góp cho kháng chiến 28.945 kg gạo và 386.271 đồng Đông Dương… Đặc biệt là ngay thời gian đầu của cuộc kháng chiến, Nhân dân Thanh Oai đã vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về ở, làm việc và bảo vệ an toàn cho Người tại thôn Xuyên Dương, xã Xuân Dương trong suốt 25 ngày đêm (từ ngày 19/12/1946 đến ngày 13/01/1947).

Bản đồ huyện Thanh Oai trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Ảnh tư liệu

Bản đồ huyện Thanh Oai trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Ảnh tư liệu

Trong 9 năm kháng chiến oanh liệt, quân và dân Thanh Oai đã chiến đấu 516 trận, trong đó có 392 trận chống càn, 32 trận tập kích, 38 trận phục kích, tiêu diệt hàng nghìn tên địch, bắt sống 357 tên, thu hơn 100 khẩu súng các loại. Những chiến công oanh liệt và mất mát hy sinh của Nhân dân trong huyện đã góp phần chia lửa với chiến trường chung của cả nước, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Từ đó những địa danh "Tam Hưng anh dũng", "Quế Sơn oai hùng" mãi mãi đi vào lịch sử truyền thống đấu tranh anh dũng của quê hương, như những trang sử hào hùng nhất của thời kỳ chống thực dân Pháp ở huyện Thanh Oai. Đến 16 giờ ngày 16/8/1954, quê hương Thanh Oai được hoàn toàn giải phóng, góp phần quan trọng cho ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954.

Viết tiếp lịch sử hào hùng của quê hương trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Oai Nguyễn Khánh Bình, giai đoạn 1965 – 1975, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo Nhân dân vừa sản xuất, vừa chiến đấu, cùng quân và dân miền Bắc chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ. Đồng thời chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam, thực hiện mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong 10 năm (1965 – 1975), Thanh Oai đã hoàn thành 32 đợt tuyển quân, với 13.085 nam, nữ thanh niên lên đường nhập ngũ tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở các chiến trường. Nhiều người đã trở thành “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Chiến sĩ quyết thắng”. 1.864 người con Thanh Oai đã hy sinh vì độc lập tự do, vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhiều của cải vật chất được chi viện kịp thời cho đồng bào miền Nam ruột thịt.

Xây dựng Thanh Oai ngày càng giàu đẹp, văn minh

Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, huyện Thanh Oai đã khoác lên mình một diện mạo mới với nhiều sự đổi thay theo hướng văn minh, hiện đại. Hạ tầng cơ sở từ huyện tới các xã, thị trấn đều được đầu tư xây dựng mới, khang trang. Đời sống của người dân không ngừng được nâng cao.

Đường trục phát triển kinh tế huyện được đầu tư xây dựng hiện đại. Ảnh: ánh Ngọc

Đường trục phát triển kinh tế huyện được đầu tư xây dựng hiện đại. Ảnh: ánh Ngọc

Nói về những chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết: tổng giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm 2024 đạt 14.863 tỷ đồng; đạt 45,9% kế hoạch (tăng 14,9 % so với năm 2023). Cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thực hiện 6 tháng đầu năm đạt trên 655 tỷ đồng, đạt 38% so với dự toán thành phố giao, bằng 229% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 72,155 triệu đồng/người/năm. Số hộ nghèo đã chiều của huyện giảm còn 19 hộ.

Trong hơn 10 năm trở lại đây, huyện Thanh Oai đã tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Kết quả, huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020, 20/20 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, 12 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 3 xã được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu. Hệ thống điện, đường giao thông, thủy lợi nội đồng, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… đều được xây dựng khang trang, cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp. Năm 2024, Thanh Oai phấn đấu được công nhận Huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

QL 21 B đoạn qua trung tâm thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai được nâng cấp, mở rộng. Ảnh: Ánh Ngọc

QL 21 B đoạn qua trung tâm thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai được nâng cấp, mở rộng. Ảnh: Ánh Ngọc

Đáng chú ý, công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực nhất là quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, môi trường, giải phóng mặt bằng được chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Trọng điểm là các dự án: mở rộng QL 21B, xây dựng đường trục phát triển kinh tế huyện, giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án đường Vành Đai 4- Vùng Thủ đô… Để thúc đẩy phát triển kinh tế, huyện đã triển khai 5 cụm công nghiệp và 1 chợ đầu mối, trong đó đã khởi công, động thổ 3 cụm công nghiệp và 1 chợ đầu mối.

“Cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính. Huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số.” – ông Bùi Văn Sáng nhấn mạnh.

Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính huyện Thanh Oai vừa được đầu tư đồng bộ. Ảnh: Ánh Ngọc

Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính huyện Thanh Oai vừa được đầu tư đồng bộ. Ảnh: Ánh Ngọc

Thông tin về định hướng phát triển, Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Bùi Hoàng Phan cho hay: trong thời gian tới, để nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho người dân, huyện sẽ tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ được khuyến khích và nhân rộng. Cùng với nông nghiệp, huyện Thanh Oai sẽ đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ và du lịch.

Một góc xã nông thôn mới nâng cao xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai. Ảnh: Ánh Ngọc

Một góc xã nông thôn mới nâng cao xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai. Ảnh: Ánh Ngọc

Ngoài ra, phát triển hạ tầng giao thông, đô thị là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Huyện sẽ tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp các tuyến đường giao thông trọng điểm, kết nối các vùng sản xuất, cụm công nghiệp với các thị trường tiêu thụ. Song song đó, huyện sẽ tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ, chăm lo đời sống cho các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo.

Đặc biệt, huyện sẽ chú trọng công tác giáo dục, y tế, bảo đảm mọi người dân đều được tiếp cận với các dịch vụ giáo dục, y tế chất lượng cao. Ngoài ra, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh sẽ được đầu tư, tôn tạo, trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Với những định hướng phát triển rõ ràng, cụ thể, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, sự nỗ lực của chính quyền và Nhân dân, huyện Thanh Oai sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, toàn diện, xứng đáng là một trong những huyện tiêu biểu của TP Hà Nội.

Ánh Ngọc

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tiep-noi-truyen-thong-ve-vang-xay-dung-huyen-thanh-oai-thanh-quan-sinh-thai.html
Zalo