Tiếp cận hài hòa, bảo đảm lợi ích lâu dài nhà nước và doanh nghiệp

Tiếp tục Kỳ họp thứ Tám, sáng nay, 30.10, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự phiên thảo luận tại Tổ 13 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hậu Giang, Đắk Lắk.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại Phiên thảo luận tổ sáng 30.10. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại Phiên thảo luận tổ sáng 30.10. Ảnh: Lâm Hiển

Không hợp thức hóa sai phạm, "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"

Các đại biểu Quốc hội tại Tổ 13 cơ bản thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật đấu thầu như Tờ trình của Chính phủ nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế, thủ tục cũng như phân cấp phân quyền trong quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đấu thầu. Các đại biểu cũng đề nghị hết sức lưu ý, giải trình thấu đáo những vấn đề liên quan đã được Ủy ban Kinh tế đưa ra trong Báo cáo thẩm tra dự án Luật.

 Quang cảnh thảo luận Tổ 13. Ảnh: Lâm Hiển

Quang cảnh thảo luận Tổ 13. Ảnh: Lâm Hiển

Đánh giá chung, các đại biểu cho rằng, đây là dự luật khó, phức tạp, việc sửa đổi là cần thiết, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, gỡ vướng mắc khó khăn cho các địa phương có dự án liên quan, từ đó tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng, miền còn khó khăn.

ĐBQH Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) đồng tình với quan điểm cho rằng, không hợp thức hóa các sai phạm, đồng thời cũng nhất trí với quan điểm cho rằng, giữa nhà nước và doanh nghiệp thì "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Nêu quan điểm về một số nội dung cụ thể, đại biểu Lưu Bá Mạc cho biết, tại khoản 14, Điều 3 dự thảo Luật đã bổ sung thêm 4 trường hợp được chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, trong đó bao gồm 3 trường hợp từ khoản 2 Điều 53 Luật PPP hiện hành, cụ thể gồm: dự án bị ảnh hưởng bởi sự kiện bất khả kháng mà các bên đã thực hiện các biện pháp khắc phục nhưng không bảo đảm việc tiếp tục thực hiện hợp đồng dự án PPP; vì lợi ích quốc gia; bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật nhà nước; trường hợp khác do hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo quy định của pháp luật về dân sự, các bên ký kết hợp đồng thỏa thuận về chấm dứt hợp đồng.

 Đại biểu Quốc hội Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu Quốc hội Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Tuy nhiên, tại dự thảo Luật cũng quy định kèm theo một điều kiện là: hợp đồng dự án xác định thuộc trách nhiệm chi trả của cơ quan ký kết hợp đồng”.

Đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị cân nhắc bỏ điều kiện hợp đồng dự án xác định thuộc trách nhiệm chi trả của cơ quan ký kết hợp đồng”, để đảm bảo trường hợp dự án PPP nào đó nếu nằm trong một trong 3 trường hợp nêu trên đều được chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

Nếu đưa cụm từ hợp đồng dự án xác định thuộc trách nhiệm chi trả của cơ quan ký kết hợp đồng” vào, thì đối với các hợp đồng dự án PPP, đảm bảo nằm trong một trong 3 trường hợp nêu trên, mà không có cụm từ này, nghĩa là sẽ không thuộc diện được chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

Trong khi bản chất vấn đề, theo đại biểu, cơ bản 3 trường hợp nêu trên đều là các trường hợp xảy ra trong trường hợp bất khả kháng, không mong muốn, vì đảm bảo yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật nhà nước, hoặc do hoàn cảnh thanh đổi theo quy định của pháp luật về dân sự. "Do vậy, đề nghị cân nhắc bỏ điều kiện này để tháo gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Dự thảo luật cũng sửa đổi điểm d khoản 1 Điều 69 theo hướng: bổ sung thêm trường hợp sử dụng Vốn nhà nước được sử dụng cho các mục đích: “d) Chi trả phần giảm doanh thu; chi phí bồi thường, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn”.

Tuy nhiên, đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị cân nhắc bổ sung thêm trường hợp đối với các dự án đã đưa vào khai thác, cần bổ sung vốn nhà nước để đảm bảo hiệu quả phương án tài chính. "Đặc biệt là các dự án đã định lượng được những khó khăn, vướng mắc. Bởi vì, các dự án đã đưa vào khai thác, phát sinh vướng mắc, khó khăn do những nguyên nhân, xuất phát một số bất cập từ cơ chế, chính sách, sau một thời gian thực hiện, phương án tài chính bị thay đổi, thời gian thực hiện kéo dài", đại biểu nhấn mạnh.

Đối với các dự án BOT ký hợp đồng trước thời điểm Luật PPP hiện hành, phát sinh vướng mắc, đang triển khai thực tiễn tại một số địa phương, đại biểu Lưu Bá Mạc đề xuất cân nhắc cụ thể hóa thành một quy định tại dự thảo Luật sửa đổi lần này. Hoặc có thể cân nhắc phương án Bộ Giao thông Vận tải báo cáo, trình, để Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền theo hướng nghiên cứu xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp một cách tối đa có thể, tương tự như phương án đề xuất đối với các dự án BT chuyển tiếp.

Đại biểu Lưu Bá Mạc cũng bày tỏ thống nhất với nội dung dự thảo Luật đã bổ sung quy định cho phép áp dụng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia một số dự án PPP được vượt mức 50% lên tối đa 70% và đã bổ sung thêm cả trường hợp dự án được thực hiện tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, hoặc đặc biệt khó khăn.

"Hi vọng, với những quy định được sửa đổi, bổ sung này, các dự án PPP đang và sẽ triển khai trong thời gian thời sẽ thuận lợi, hạn chế được những vướng mắc, bất cập phát sinh như thời gian qua", đại biểu Lưu Bá Mạc nói.

Thay vì quá tập trung kiểm soát chênh lệch giá trị đất, nên chú trọng đơn giản hóa, tháo gỡ các thủ tục pháp lý

Nêu quan điểm về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), ĐBQH Nguyễn Như So (Bắc Ninh) chỉ rõ, việc "hồi sinh" hình thức hợp đồng BT vào dự thảo Luật lần này là một bước đi rất quan trọng, và cũng đòi hỏi phải đánh giá kỹ lưỡng mọi khía cạnh để đảm bảo sự ổn định của chính sách.

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Như So (Bắc Ninh) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Như So (Bắc Ninh) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

"Chúng ta cần một chính sách đủ ổn định và có tầm nhìn dài hạn. Một chính sách mà chỉ thay đổi trong vòng 2-3 năm sẽ khiến các doanh nghiệp e ngại đầu tư vì họ không có đủ thời gian để thích ứng và yên tâm phát triển. Do đó, trong lần sửa đổi này, cần đặc biệt chú trọng đến việc cân bằng lợi ích giữa doanh nghiệp và nhà nước".

Nhấn mạnh điều này, đại biểu phân tích, khi một doanh nghiệp quyết định đầu tư một khoản tiền vô cùng lớn để thực hiện dự án BT (xây dựng - chuyển giao), họ không chỉ đóng góp hạ tầng cho xã hội mà còn đặt cược vào sự phát triển lâu dài của địa phương. Tuy nhiên, sự công nhận giá trị doanh nghiệp bỏ ra thường bị xem nhẹ.

Đại biểu cũng cho rằng, hiện nay, chúng ta đang e ngại vấn đề chênh lệch giá trị quỹ đất thực tế tại thời điểm giao so với dự kiến trong hợp đồng. Tuy nhiên, phải nhấn mạnh việc các doanh nghiệp ứng trước một số vốn khổng lồ và chịu những chi phí phát sinh không ngừng trong suốt quá trình triển khai dự án, là điều không dễ dàng. Những thủ tục hành chính, việc giải phóng mặt bằng phức tạp, kéo dài có khi lên tới hàng chục năm, khiến cho chi phí vốn đội lên, trong khi các lợi ích từ dự án vẫn chưa thể sinh lời.

"Vậy có thiếu công bằng hay không nếu chúng ta chỉ nhìn vào giá trị đất đai được giao mà không tính đến những khó khăn và tổn thất về vốn của doanh nghiệp? Nếu không đảm bảo quyền lợi và sự ổn định của doanh nghiệp, liệu chúng ta có thể kỳ vọng thu hút được các nhà đầu tư khác vào phát triển hạ tầng một cách bền vững hay không?".

Đặt câu hỏi trên, đại biểu Nguyễn Như So đề nghị, trong dự thảo Luật lần này, thay vì quá tập trung vào kiểm soát sự chênh lệch giá trị đất - một yếu tố khó lường và luôn biến động theo thị trường - nên chú trọng vào việc đơn giản hóa và tháo gỡ các thủ tục pháp lý.

Việc cải thiện thủ tục hành chính không chỉ giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng về thời gian và chi phí mà còn đảm bảo tiến độ dự án, tạo ra giá trị thực sự cho cả hai bên. "Đó mới là cách tiếp cận hài hòa, thực tế và có hiệu quả, nhằm đảm bảo lợi ích lâu dài, đồng thời thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp vào sự nghiệp phát triển đất nước", đại biểu Nguyễn Như So khẳng định.

Phạm Thúy

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tiep-can-hai-hoa-bao-dam-loi-ich-lau-dai-nha-nuoc-va-doanh-nghiep-post394832.html
Zalo