Tiếng thì thầm dưới chân cầu Nhe
Cầu Nhe (Hà Tĩnh), kể từ 15/4/1968, không đơn thuần chỉ là một địa danh mà đã trở thành một vùng đất thiêng. Tháng Bảy, dưới chân cầu, sông vẫn thì thầm câu chuyện bi hùng một thuở cha ông...

Mố cầu Nhe cũ bên dòng sông Nhe vẫn được lưu giữ như một chứng nhân lịch sử.
Chiều tháng Bảy nắng mưa khoan nhặt. Sông Nhe ngầu đỏ màu phù sa. Gió từ Đồng Lộc thổi về cùng bao nhiêu "buổi ngày xưa" của lịch sử. Ở miền quê Hà Tĩnh này, mỗi khúc sông, mỗi gốc cây, mỗi ngọn cỏ đều giữ trong mình một câu chuyện đặc biệt. Tôi đã đứng lặng thật lâu dưới cây dâu xa xoan trĩu quả bên ngoài Khu tưởng niệm liệt sỹ cầu Nhe, ngắm nhìn mố cầu cũ. Nơi ấy giờ rêu đã lên xanh nhưng người ta không phá bỏ mà giữ lại nhịp cầu ấy như muốn giữ lại một phần lịch sử, như muốn giữ lại nơi lưu giữ những thì thầm đêm ngày của dòng sông...
– Mẹ ơi… nơi này đã từng có chiến tranh à? - Con gái tôi cất tiếng hỏi.
– Ừ con. Ở đây, có nhiều người đã nằm lại khi họ đang phơi phới niềm tin, mang tuổi xuân ra chiến trường… - Giọng tôi khẽ hẳn đi, như sợ làm náo động không khí tĩnh mịch nơi đây!

Thân nhân các liệt sỹ tại lễ tri ân đêm 16/7 vừa qua tại Khu lưu niệm cầu Nhe. Ảnh Phạm Trường
Bước vào khu lưu niệm, trong khói hương trầm bay, trong những lời kinh cầu của người thăm viếng, trong tôi cứ hiện lên thật rõ trang sử bi hùng năm nào. Ấy là ngày 15/4/1968, trong khoảng 12h45 đến 17h, hơn 9 tốp máy bay Mỹ liên tiếp trút bom xuống khu vực cầu Nhe, đúng vào đội hình của Trung đoàn 5 Yên Tử (gồm phần lớn chiến sĩ người Hải Phòng). Ngay tại chân cầu, 53 chiến sĩ đã ngã xuống. Đất đá tung lên, dòng Nhe nhuộm máu. Tiếng gọi đồng đội hòa trong tiếng ve ran giữa mùa hè Hà Tĩnh – tiếng gọi ấy như còn vương trên từng ngọn cỏ ven sông, để hôm nay, khi đến nơi này, tôi vẫn như còn nghe âm ba dội về...

Khu lưu niệm các liệt sỹ hy sinh tại cầu Nhe khang trang hơn sau khi được nâng cấp, tôn tạo năm 2023.
Những năm ấy, Hà Tĩnh như một dải đất lửa. Từ Kỳ Anh, Cẩm Xuyên đến Can Lộc, Đức Thọ, Hương Sơn… đâu đâu cũng in hằn dấu bom đạn. Những đoàn xe thồ, đoàn dân công hỏa tuyến nối dài trong đêm, những bến phà, kho xăng, trận địa pháo gồng mình giữa mưa bom bão đạn. Có làng chỉ còn lại những mái nhà cháy dở, có cánh đồng chưa kịp vào mùa đã loang lổ hố bom... Và, trận bom tại cầu Nhe ngày 15/4/1968 đã khắc sâu thêm nỗi đau chiến trận trên "túi bom" đường 15A...
Trong rất nhiều lần trở lại cầu Nhe, tôi đã được nghe kể về những giây phút bàng hoàng ấy. Trong đoàn quân ra trận ấy, có người may mắn sống sót nhưng 53 người mãi mãi nằm lại bên dòng sông Nhe. Ngay khi Mỹ ngừng ném bom, người dân quanh vùng đã bới từng vạt đất, tìm từng mẩu xương, từng kỷ vật.
– Họ còn trẻ lắm hả mẹ? – tiếng bé con cất lên cắt dòng suy nghĩ của tôi.
– Ừ… trẻ lắm. Họ giống như bao người yêu nước khác, đang phơi phới tuổi xuân, căng đầy hoài bão, vậy mà...
Tôi nghe giọng mình run run, như chính tiếng thì thầm của đất trời đang vọng lại.

Tháng Bảy, du khách thập phương đều tìm về dâng hương tưởng nhớ các liệt sỹ của Trung đoàn 5 Yên Tử (Hải Phòng).
Tôi đi qua 53 ngôi mộ, tới bên bức phù điêu, những tấm bia nhắc nhớ mà nghĩ về những nghĩa cử cao đẹp. Tháng Tư năm 2023, công trình Nâng cấp, cải tạo Khu tưởng niệm liệt sỹ cầu Nhe hoàn thành, đáp ứng lòng mong mỏi của thân nhân các liệt sỹ, của Nhân dân Hà Tĩnh và Hải Phòng. Công trình được Công ty TNHH Xăng dầu Giang Nam (thành phố Hải Phòng) phát tâm công đức với tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng để nâng cấp các hạng mục như: nhà bia, bức phù điêu, nhà soạn lễ, nhà thắp hương, cổng, hàng rào, chỉnh trang khu mộ, trồng cây xanh…

Các di tích nằm lặng lẽ bên dòng sông Nhe như một lời thì thầm, nhắc nhở các thế hệ cháu con về những hy sinh của thế hệ cha ông.
Năm ấy, trời Hà Tĩnh xanh trong mà lòng người đầy nghẹn ngào. Nhiều thân nhân đã đến với lòng biết ơn. Có người thốt ra lời, có người âm thầm nhưng tất cả đều hàm ơn nghĩa cử của Công ty Giang Nam, các tấm lòng thơm thảo và chính quyền địa phương cũng như bà con Hà Tĩnh. Họ biết ơn bởi từ ngày Nhà bia tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh tại cầu Nhe được xây dựng (2005) đến nay, đây là lần tu sửa, tôn tạo xứng tầm nhất, đặc biệt lại được khởi xướng bằng tấm lòng của một người con Hải Phòng làm việc tại Hà Tĩnh. Từ đây, người thân của họ chắc chắn sẽ ấm khói hương hơn trong những về - đi của thời gian...
Trời ngả về chiều, khu lưu niệm đông dần. Năm nào cũng vậy, cứ đến những ngày này, những bước chân tri ân muôn nẻo lại trở về. Tôi đứng giữa sân, một vài hạt mưa rơi xuống. Bất giác thấy xung quanh lặng đi. Tôi lặng nhìn họ, lặng nhìn những bông trang đỏ lặng lẽ dâng hương trong khu tưởng niệm và chợt nhớ một đôi mắt đã gặp năm nào - đôi mắt của người em một liệt sỹ - ầng ậc nước khi mân mê từng đường nét trên bức phù điêu.
Mới đây thôi, trong lễ tri ân các liệt sỹ, nhiều thân nhân cũng đã trở lại nơi này, cùng lắng nghe tiếng thầm thì của dòng Nhe, cùng rưng rưng xúc động về sự quan tâm ấm áp của chính quyền 2 tỉnh, của bà con Nhân dân Hà Tĩnh, nhất là xã Gia Hanh - nơi người thân của họ nằm lại.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Dương Tất Thắng, lãnh đạo Công ty TNHH Xăng dầu Giang Nam và một số đơn vị dâng hương tưởng nhớ 53 liệt sỹ hy sinh tại cầu Nhe. Ảnh Phạm Trường
Chúng tôi rời khu lưu niệm bằng cách đi về hướng Bắc, qua cây cầu mới. Ở đó, chúng tôi có thể nhìn xuống dòng Nhe, nhìn về mố cầu cũ kỹ, thấy cả làng mạc, xóm thôn. Tôi biết, nơi ấy, có những con người, ngày ngày lặng lẽ quét lá, âm thầm cầu nguyện; nơi ấy có những cô cậu học trò, thi thoảng ghé vào khu lưu niệm để được thấm nhuần những bài học lịch sử... Đi qua cây cầu mới, tôi như nghe thấy trong tiếng nước về xuôi, trong tiếng ve ngân, tiếng gió thoảng, có một lời nhắn gửi rất khẽ: “Đừng quên chúng tôi”...
Tôi nắm lấy bàn tay của con, lòng thầm thì: Cảm ơn các anh… - những người đã hóa thành đất, thành nước, thành "nhịp cầu" cho quê hương, đất nước mai sau...
Và tôi tin, ngay dưới chân cầu Nhe, có một tiếng thì thầm chưa bao giờ ngưng - tiếng thì thầm của lịch sử, vẫn lặng lẽ gieo vào lòng người những hạt mầm tri ân...