Tiếng nói Việt Nam - người bạn tâm tình không thể thiếu!

Trong bối cảnh các loại hình truyền thông phát triển đa dạng và mạnh mẽ, song với người dân Tây Bắc, Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn luôn có chỗ đứng đặc biệt. Không chỉ với đồng bào vùng sâu, vùng cao, mà ngay cả với nhiều người đang sinh sống, làm việc tại thành phố, tiếng nói Việt Nam vẫn luôn là người bạn tâm tình, thân thiết không thể thiếu.

Hơn 80 năm tuổi đời, ông Tòng Văn Hịa, dân tộc Thái, ở bản Mòng (xã Hua La, Sơn La) không còn nhớ mình nghe Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) bắt đầu từ khi nào, chỉ biết từ khi biết theo ông bà, cha mẹ đi làm nương, làm ruộng, Đài TNVN đã như người bạn thân thiết không thể thiếu. Trong chiếc túi thổ cẩm ông đeo bên người mỗi khi ra khỏi nhà, kể cả khi đi lên nương, xuống chợ, hay đi thăm bạn bè…luôn có chiếc radio.

Chiếc đài như người bạn thân thiết không thể thiếu với ông Tòng Văn Hịa

Chiếc đài như người bạn thân thiết không thể thiếu với ông Tòng Văn Hịa

Ông Hịa cho biết, ông yêu thích Đài TNVN bởi sự tiện lợi, hữu ích; ở mọi lúc, mọi nơi, đang làm bất cứ việc gì, ông đều có thể cập nhật mọi thông tin trong và ngoài nước. Đặc biệt, việc được nghe các chương trình bằng chính tiếng mẹ đẻ của mình, cùng sự phong phú, đổi mới từng ngày của chương trình khiến ông và bà con rất thích thú.

"Bây giờ có nhiều Đài, nhiều kênh để bà con tiếp nhận thông tin. Trước đây như ở Sơn La thì có Đài PT- TH Sơn La, nhưng Đài TNVN thì thông tin rộng rãi hơn, từ các khu vực trong nước đến nước ngoài, cứ nghe Đài là nắm được hết. Đài TNVN còn phát tiếng Thái, tiếng Mông và nhiều thứ tiếng dân tộc cho bà con nghe nữa, thực sự bà con rất thích, rất dễ nghe, dễ hiểu và gần gũi", ông Hịa chia sẻ.

Ông Hịa yêu thích Đài TNVN bởi sự tiện lợi, hữu ích, có thể nghe ở mọi lúc, mọi nơi, khi đang làm bất cứ việc gì

Ông Hịa yêu thích Đài TNVN bởi sự tiện lợi, hữu ích, có thể nghe ở mọi lúc, mọi nơi, khi đang làm bất cứ việc gì

Với Nguyễn Thái Hà, sinh ra và lớn lên ở thành phố Sơn La; hiện đang công tác tại một đơn vị trực thuộc Tỉnh ủy Sơn La thì ngay từ thủa nhỏ, chiếc radio của gia đình phát các chương trình quen thuộc của Đài Tiếng nói Việt Nam đã luôn được coi là người thầy, người bạn thân thiết.

Thái Hà chia sẻ, thế hệ đầu 8x như Hà, phương tiện thông tin giải trí chủ yếu chỉ là chiếc đài và chiếc ti vi đen trắng. Riêng ti vi thì phải nhà khá giả mới có, vì thế, radio mới thực sự là “bạn” tâm tình của mỗi gia đình. Hà nghe đài nhiều đến nỗi, chỉ cần nghe âm thanh, nhạc hiệu của các chương trình, không cần nhìn đồng hồ cũng biết là mấy giờ… Đến nay, với sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin và mạng xã hội, mỗi người đều có thể tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng. Song với Hà, Đài TNVN vẫn là sự lựa chọn tối ưu.

Chiếc radio là người bạn thân thiết khi Nguyễn Thái Hà làm việc nhà

Chiếc radio là người bạn thân thiết khi Nguyễn Thái Hà làm việc nhà

"Có thể nói Đài TNVN cho chúng tôi rất nhiều bài học quý. Thông qua làn sóng Đài TNVN, chúng tôi nghe và hiểu biết hơn về thông tin thời sự trong nước và thế giới. Cùng với đó là các chương trình về giáo dục, về khoa học, về dân số; những câu chuyện cảnh giác, những chương trình bình luận quốc tế. Thậm chí có những chương trình dạy hát trên Đài TNVN, những kênh dành cho thiếu niên, thiếu nhi... đã giúp chúng tôi được giải trí, được học tập. Qua đó, giúp chúng tôi hiểu biết nhiều hơn. Đến bây giờ việc nghe Đài đã trở thành thói quen; Đài trở thành người bạn gần gũi, đặc biệt", Thái Hà cho hay.

Nhằm phát huy hiệu quả của Đài TNVN, việc đầu tư các trạm tiếp sóng phát thanh và mở rộng mô hình loa không dây tại các xã, bản luôn được các địa phương ở tỉnh Sơn La quan tâm.

Tại xã Chiềng Xôm, TP Sơn La, ngoài trạm phát sóng FM ở trụ sở xã, toàn bộ 10/10 bản của xã đều có loa truyền thanh. Chị Lèo Thị Muôn, công chức văn hóa xã cho biết, ngoài tiếp sóng các chương trình của Đài TNVN, hệ thống loa này còn cho thấy hiệu quả rõ rệt trong phòng chống dịch bệnh, hay khi cần thông báo nhanh các thông tin, sự kiện văn hóa, chính trị đến người dân.

"Loa truyền thanh của xã, bản tôi thấy rất hiệu quả, vì như được tương tác trực tiếp, như đang nói chuyện trực tiếp với nhau vậy. Người dân thì có thể vừa làm việc vừa nghe Đài, nói chung rất gần gũi. Rồi những thông tin bão lũ, hay những sự kiện nào đó, qua nghe Đài, người dân sẽ trực tiếp nắm bắt được dễ hơn", chị Muôn nói.

Tiếng loa truyền thanh đã trở thành tri kỷ, như cơm ăn, nước uống với đồng bào Sơn La - Tây Bắc

Tiếng loa truyền thanh đã trở thành tri kỷ, như cơm ăn, nước uống với đồng bào Sơn La - Tây Bắc

Bà Lò Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Xôm, TP Sơn La cũng cho biết: "Thời gian qua, xã Chiềng Xôm cũng đã phối hợp thực hiện tốt các chương trình của Đài TNVN. Thông qua các tin bài, với nội dung phong phú thì đã có tác động tích cực, trực tiếp tới ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân trong việc thực hiện các phong trào thi đua, góp phần cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phong trào phát triển KT-XH, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp đã đề ra".

Trải qua 79 năm thành lập, phát triển, làn sóng của Đài TNVN mỗi ngày vẫn vươn xa mạnh mẽ. Bằng những đột phá về ứng dụng công nghệ, nhằm thay đổi quyết liệt từ phát thanh truyền thống sang phát thanh kỹ thuật số; cùng sự chú trọng trong đào tạo đội ngũ, sự đổi mới nội dung trong các chương trình và các lợi thế trong việc tiếp nhận thông tin khi đang di chuyển … chắc chắn trong thời gian tiếp theo, Đài TNVN sẽ luôn là người bạn tâm tình, là tri kỷ với mỗi người dân Sơn La – Tây Bắc và mọi miền đất nước.

Thu Thùy/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tieng-noi-viet-nam-nguoi-ban-tam-tinh-khong-the-thieu-post1119326.vov
Zalo