Tiếng nói của trẻ em góp phần thay đổi thế giới

Vừa qua, Quốc hội Trẻ em Hàn Quốc đã tiến hành phiên họp lần thứ 19 tại tòa nhà Quốc hội. Với mục tiêu 'Thúc đẩy quyền tham gia chính trị của trẻ em', cơ chế này nhằm bảo đảm sự tham gia sớm của trẻ em vào các hoạt động chính trị, xã hội; góp phần thúc đẩy quyền và lợi ích của trẻ em, hướng cho trẻ em trở thành những công dân của một xã hội dân chủ lành mạnh.

Nơi trải nghiệm hoạt động lập pháp sống động nhất

Quốc hội Trẻ em Hàn Quốc là một trải nghiệm hoạt động lập pháp vô cùng sống động, giúp trẻ phát triển phẩm chất của công dân trong một nền dân chủ và khả năng trở thành những nhà lãnh đạo trong tương lai bằng cách tạo cơ hội cho trẻ trải nghiệm dân chủ thông qua quá trình nhận biết các vấn đề được cộng đồng quan tâm và chia sẻ ý kiến với cộng đồng.

Các nghị sĩ nhí tuyên thệ trước khi bắt đầu Phiên họp toàn thể của Quốc hội Trẻ em. Nguồn: child.assembly.go.kr

Các nghị sĩ nhí tuyên thệ trước khi bắt đầu Phiên họp toàn thể của Quốc hội Trẻ em. Nguồn: child.assembly.go.kr

Với mục đích tạo cơ hội cho trẻ trải nghiệm tính dân chủ bên ngoài lớp học và tìm hiểu vai trò của mình; phát triển phẩm chất và khả năng lãnh đạo với tư cách là công dân của một xã hội dân chủ lành mạnh; phát huy nhận thức đúng đắn về chính trị nghị viện và thực hiện Quốc hội cởi mở, mô hình “Quốc hội trẻ em” này sẽ là cơ hội để các em được lớn lên thành những công dân có trách nhiệm với đất nước và xã hội với những ước mơ và hy vọng.

Ngoài ra, cơ chế này thúc đẩy dư luận quan tâm đến việc bảo vệ quyền, lợi ích của trẻ em và các vấn đề địa phương thông qua hoạt động của Nhóm nghiên cứu Quốc hội trẻ em, được tổ chức tại một trường tiểu học ở mỗi thành phố, khu vực bầu cử, thực sự tạo ra các đề xuất chính sách về trẻ em, do chính trẻ em đưa ra, thông qua đối thoại, thỏa hiệp, thảo luận và tranh luận.

Cơ chế Quốc hội Trẻ em lần đầu tiên được giới thiệu tại Hàn Quốc vào năm 2005, với ý nghĩa là một trong những dự án kỷ niệm 30 năm Quốc hội chuyển đến đảo Yeouido ở Seoul.

Từ đó đến nay Quốc hội Trẻ em đã tổ chức 19 Phiên họp thường niên (năm 2020 không họp do đại dịch Covid-19). Các hoạt động của Quốc hội Trẻ em do Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc cùng với Trung tâm quốc gia về quyền trẻ em, Hội đồng các tổ chức trẻ em Hàn Quốc cùng Phòng Đào tạo lập pháp, cơ quan hỗ trợ sự tham gia của công dân vào Quốc hội, phối hợp tổ chức và tài trợ, bao gồm cả chi phí để các nghị sĩ nhí từ các khu vực bầu cử trên cả nước tề tựu về Seoul mỗi năm.

Tổ chức như mô hình Quốc hội

Quốc hội Trẻ em Hàn Quốc là mô hình độc đáo với việc lựa chọn các “nghị sĩ” từ các khu vực bầu cử như các nghị sĩ thực thụ. Hàn Quốc có 253 khu vực bầu cử. Mỗi khu vực bầu cử có một Nhóm Nghiên cứu Quốc hội trẻ em (CARG), nhóm này cử một Nghị sĩ thiếu nhi làm đại diện cho Quốc hội Trẻ em. Các nghị sĩ nhí thường học lớp 6 (khoảng 12 tuổi).

Tại mỗi khu vực bầu cử, một trường tiểu học, một trường đặc biệt và một trung tâm hỗ trợ thanh thiếu niên được chọn để vận hành CARG với sự hợp tác của Văn phòng Giáo dục địa phương và các nghị sĩ đại diện cho địa phương đó. Mỗi CARG bao gồm một giáo viên hướng dẫn và 10 học sinh, có tính đến sự cân bằng giới tính. Trên thực tế, phần lớn người tham gia đều đến từ các trường tiểu học. CARG thường được hình thành vào cuối tháng 4 và hoạt động trong khoảng ba tháng cho đến cuối tháng 7. Từ năm 2005 đến năm 2022, đã có 52.787 học sinh tiểu học tham gia CARG ở khu vực bầu cử.

Mỗi năm, Quốc hội Trẻ em tiến hành một phiên họp kéo dài 1 ngày tại trụ sở Quốc hội, với một nghị sĩ trẻ em từ mỗi khu vực trong số 253 khu vực bầu cử.

Buổi sáng dành cho phiên họp của các ủy ban thường trực, phiên họp toàn thể diễn ra vào buổi chiều. Các phiên họp của ủy ban được dành để trình bày và tranh luận về các đề xuất lập pháp do Ủy ban Kiểm tra lựa chọn. Sau đó, các nghị sĩ nhí sẽ bỏ phiếu để chọn ra bảy đề xuất lập pháp sẽ được chuyển tới phiên họp toàn thể và 5 câu hỏi chất vấn dành cho các bộ trưởng.

Phiên họp toàn thể của Quốc hội Trẻ em được tiến hành tại hội trường chính của Quốc hội, do Chủ tịch Quốc hội chủ trì. Các nghị sĩ nhí bắt đầu bằng việc tuyên thệ. Phiên họp toàn thể sẽ được bắt đầu bằng phiên chất vấn với năm câu hỏi dành cho Chính phủ, theo đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục thay mặt Chính phủ trả lời các câu hỏi. Sau đó, bảy nghị sĩ trẻ em sẽ đưa ra các đề xuất lập pháp được lựa chọn sẽ trình bày dự luật của mình, nhấn mạnh lý do, mục đích và sự cần thiết của dự luật được đề xuất. Quốc hội Trẻ em bỏ phiếu để lựa chọn những đề xuất lập pháp tốt nhất.

Xây dựng các đề xuất lập pháp

Các thành viên CARG xác định các vấn đề gần gũi, chẳng hạn như ở trường học và cộng đồng địa phương hoặc các vấn đề xã hội ở cấp quốc gia. Thông qua đối thoại, tranh luận và thỏa hiệp, trẻ tìm cách giải quyết vấn đề và chuẩn bị các giải pháp dưới hình thức các dự luật lập pháp.

Để hỗ trợ các hoạt động của CARG, Phòng Đào tạo Lập pháp đưa ra các hướng dẫn cho Quốc hội Trẻ em (chi tiết và thủ tục) và cho chính các hoạt động của CARG để bảo đảm thực hiện được suôn sẻ. Giáo viên hướng dẫn sẽ hỗ trợ thảo luận về các vấn đề mà nghị sĩ nhí nêu ra, sau đó là chuẩn bị các câu hỏi cho Chính phủ và các đề xuất lập pháp để giải quyết những vấn đề đó. Thông qua quá trình thảo luận, mỗi CARG lựa chọn một câu hỏi và một đề xuất để trình tại Quốc hội Trẻ em.

Các đệ trình từ CARG đều phải trải qua quá trình xem xét sơ bộ trong Quốc hội. Văn phòng Cố vấn Lập pháp, tổ chức trong Quốc hội hỗ trợ các sáng kiến lập pháp, sẽ xem xét liệu các nội dung do CARG đệ trình đã được phản ánh trong luật hiện hành hay chưa. Sau đó, Hội đồng thẩm định chuyên môn sẽ xem xét tính cần thiết, tính thực tiễn, tính độc đáo và rõ ràng của các đề xuất để chọn ra những đề xuất pháp luật hay nhất.

Tác động đến luật pháp và chính sách

Nghị quyết của mỗi Kỳ họp Quốc hội Trẻ em, những vấn đề chất vấn và những đề xuất pháp lý hay nhất sẽ được gửi đến các nghị sĩ và các Bộ liên quan để đánh giá nội dung và xác định xem có nên đưa chúng vào các đề án luật và chính sách hay không, đồng thời báo cáo kết quả lên Ủy ban Điều phối Chính sách Trẻ em để xây dựng một thế giới phù hợp với trẻ em.

Một số đề xuất của Quốc hội Trẻ em đã trở thành luật sau khi được trình lên quốc hội dưới hình thức các dự luật của nghị sĩ, chẳng hạn đề xuất về Luật “lắp nhà vệ sinh nhỏ cho trẻ em” quy định nếu trong nhà vệ sinh công cộng có từ 5 bồn cầu trở lên hoặc từ 3 bồn rửa mặt trở lên thì bắt buộc phải lắp đặt bồn cầu, chậu rửa mặt cho trẻ em. Hoặc một đạo luật khác “quy định giới hạn giờ chơi trò chơi trực tuyến dành cho thanh thiếu niên” buộc các bên cung cấp cấp quyền truy cập trò chơi trực tuyến cho trẻ em dưới 16 tuổi phải giới hạn thời gian cung cấp dịch vụ này.

Ngoài ra, một đề xuất lập pháp từ Hội đồng Trẻ em nhằm cấm gửi tin nhắn văn bản từ số điện thoại di động của người khác đã được đưa vào chính sách của Chính phủ với sự hợp tác của các nhà sản xuất điện thoại di động.

Trong số 14 chính sách liên quan đến “Nghị quyết Quốc hội Trẻ em lần thứ 18” được thông qua năm ngoái, có 13 chính sách đã và đang được thực hiện, cho thấy tỷ lệ thực hiện chính sách là 92,9%. Đặc biệt, Bộ Môi trường đã khai trương Trung tâm Giáo dục Môi trường Chungbuk ở Cheongju vào tháng 3.2022 để thực hiện nhiệm vụ “mở rộng cơ sở vật chất chuyên biệt phục vụ trải nghiệm giáo dục môi trường” được nêu trong nghị quyết của Hội đồng Trẻ em lần thứ 18. Bộ cũng công bố kế hoạch xây dựng các trung tâm trải nghiệm giáo dục môi trường sử dụng các trường học đã đóng cửa ở Seoul và Busan.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/tieng-noi-cua-tre-em-gop-phan-thay-doi-the-gioi-i342422/
Zalo