Tiếng nói bình đẳng giới từ các đội cồng chiêng nữ

Từ chỗ tham gia lễ hội chỉ với vai trò múa xoang, phụ nữ Bahnar, Jrai ở Gia Lai nay đã tự tin cất lên tiếng chiêng linh thiêng trong các nghi lễ cộng đồng. Sự ra đời và phát triển của hàng chục đội, nhóm, câu lạc bộ cồng chiêng nữ không chỉ góp phần gìn giữ di sản văn hóa Tây Nguyên, mà còn tạo ra những thay đổi tích cực trong nhận thức về vai trò của phụ nữ trong đời sống cộng đồng.

 Ảnh minh họa: Báo Gia Lai

Ảnh minh họa: Báo Gia Lai

CHIÊNG NỮ: SỰ ĐỔI THAY CỦA NHẬN THỨC

Trong không gian văn hóa Tây Nguyên, cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ, mà còn là linh hồn của cộng đồng - nơi kết nối con người với thần linh qua âm vang đại ngàn. Đối với người Bahnar, Jrai, tiếng chiêng thiêng liêng từ bao đời nay vốn chỉ được gióng lên từ đôi tay của những người đàn ông khỏe mạnh - những người được coi là đại diện cho sức mạnh, uy quyền trong làng.

Theo quan niệm truyền thống, "phụ nữ không đánh chiêng" bởi họ được mặc định sẽ đóng vai trò "hậu cần" trong nghi lễ, như chuẩn bị lễ vật, múa xoang, hỗ trợ chồng con. Cồng chiêng - biểu tượng thiêng liêng nhất - được coi là "lãnh địa" dành riêng cho nam giới. Thế nhưng, cùng với sự lan tỏa của các chương trình thúc đẩy bình đẳng giới và bảo tồn di sản văn hóa, đặc biệt là trong khuôn khổ Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, một làn gió mới đã đến: phụ nữ - thay vì đứng ngoài, nay chính là người gióng lên tiếng chiêng của làng.

Không ít người dân ban đầu ngạc nhiên, thậm chí hoài nghi, khi thấy những người phụ nữ - trước đây chỉ quen với nhịp múa xoang - lại cầm chiêng bước ra giữa sân. Nhưng với sự kiên trì tập luyện, tinh thần gìn giữ bản sắc và tình yêu với âm thanh truyền thống, họ không chỉ học được kỹ thuật, mà còn truyền cảm xúc vào từng nhịp gõ, mang đến một sắc thái mềm mại, sâu lắng và đầy nữ tính cho tiếng chiêng Tây Nguyên.

Việc phụ nữ đánh chiêng không làm mất đi sự linh thiêng, mà ngược lại, mở rộng không gian văn hóa cồng chiêng trở thành di sản chung của cả cộng đồng. Đó không chỉ là một thay đổi trong hoạt động văn hóa, mà còn là một chuyển biến về mặt tư duy: Từ định kiến giới đến sự công nhận bình đẳng về vai trò và năng lực.

Đội Cồng chiêng nữ làng Leng (xã Tơ Tung, huyện Kbang, Gia Lai) góp phần gìn giữ và phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng - Ảnh: Ngọc Thu

Đội Cồng chiêng nữ làng Leng (xã Tơ Tung, huyện Kbang, Gia Lai) góp phần gìn giữ và phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng - Ảnh: Ngọc Thu

TIẾNG NÓI CỦA BÌNH ĐẲNG GIỚI

Năm 2014, đội cồng chiêng nữ đầu tiên ở tỉnh Gia Lai được thành lập - một dấu mốc đầy ý nghĩa. 60 người phụ nữ Bahnar khi ấy là những người tiên phong, lần đầu tiên cầm chiêng, gõ nhịp lễ hội - điều mà bao thế hệ trước chưa từng nghĩ tới. Từ đội chiêng ban đầu, một phong trào đã lan tỏa.

Theo Hội LHPN tỉnh Gia Lai, tính đến năm 2024, toàn tỉnh Gia Lai đã hình thành 33 câu lạc bộ, đội cồng chiêng nữ với hơn 1.600 thành viên. Riêng trong vùng thực hiện Dự án 8 - thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết với phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số, đã có 18 câu lạc bộ đi vào hoạt động, thu hút 680 hội viên phụ nữ tham gia.

Thời gian đầu khi mới làm quen với điệu chiêng, nhịp trống, chị em không khỏi bỡ ngỡ, nhưng nhờ sự hướng dẫn tận tình của các nghệ nhân cùng với sự đam mê, chăm chỉ luyện tập, các thành viên trong câu lạc bộ có sự tiến bộ rõ rệt. Kỹ thuật đánh chiêng, trình diễn chiêng được chị em thực hiện khá thuần thục.

Để duy trì việc sinh hoạt câu lạc bộ cồng chiêng nữ, các thành viên trong câu lạc bộ đã phải nỗ lực rất nhiều trong việc sắp xếp việc gia đình, tranh thủ những lúc nhàn rỗi hoặc trong các buổi sinh hoạt Hội, chị em trong câu lạc bộ cùng nhau luyện tập. Không chỉ học đánh chiêng, các câu lạc bộ còn trở thành nơi gắn kết chị em trong làng, chia sẻ với nhau cách nuôi dạy con, giữ gìn nếp nhà, phát triển kinh tế gia đình. Ở đó, tiếng chiêng hòa cùng tiếng nói chuyện rôm rả mỗi buổi sinh hoạt, trở thành nhịp chung của cộng đồng và sự gắn bó giới nữ. Nhằm duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả của mô hình này, các cấp Hội tỉnh Gia Lai đã tổ chức nhiều hoạt động để các đội "Cồng chiêng nữ" được giao lưu, học hỏi lẫn nhau và biểu diễn vào những dịp trong làng có đám cưới, ngày hội Đại đoàn kết toàn dân, mừng năm mới, các lễ hội truyền thống của làng.

Không còn chỉ là một hoạt động văn hóa mang tính biểu diễn, các câu lạc bộ cồng chiêng nữ tại Gia Lai đang dần trở thành những "không gian giới" tích cực, nơi phụ nữ được cất lên tiếng nói của mình bằng chính nhịp chiêng đại ngàn.

Sự tham gia của phụ nữ trong các nghi lễ, ngày hội - vốn trước kia chỉ dành cho nam giới - đang thay đổi cái nhìn truyền thống về vai trò của giới trong cộng đồng người Bahnar, Jrai. Cồng chiêng nữ không chỉ được đánh lên ở sân làng, mà còn vang vọng tại những sự kiện lớn như Lễ hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, Festival cồng chiêng Tây Nguyên, chương trình "Cồng chiêng cuối tuần - Thưởng thức và trải nghiệm" tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku)… Đây là những không gian vừa giàu bản sắc vừa hiện đại, đưa tiếng chiêng của phụ nữ đến gần hơn với công chúng.

Thành quả ấy gắn liền với hiệu quả cụ thể của Dự án 8 trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025. Với cách làm sáng tạo, lồng ghép mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới vào bảo tồn văn hóa, mô hình "cồng chiêng nữ" tại Gia Lai đang được đánh giá là một trong những điểm sáng, không chỉ giữ gìn văn hóa truyền thống mà còn khơi mở không gian công cộng cho phụ nữ dân tộc thiểu số thể hiện vai trò chủ động, tự tin.

Hành trình của tiếng chiêng nữ hôm nay không chỉ là một hành trình văn hóa mà là hành trình của sự thay đổi: thay đổi nhận thức, thay đổi vai trò giới, thay đổi cả niềm tin về một tương lai của phụ nữ dân tộc thiểu số nơi đây.

BV

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tieng-noi-binh-dang-gioi-tu-cac-doi-cong-chieng-nu-2025050716033663.htm
Zalo