Tiếng lòng nhân lễ Vu lan

Tình cờ vào MP3, gặp giọng ca Thu Vàng, hát bài Bông hồng cho mẹ, nhạc Võ Tá Hân, phổ thơ Đỗ Hồng Ngọc. Cái gì trong lời hát mà khi réo rắt vang lên cũng như khi trầm buồn lắng xuống lại lôi cuốn ngồi nghe, nghe đi rồi nghe lại mấy lần. Tôi chép lời bài ca, thì ra một bài ngũ ngôn tứ tuyệt: 'Con cài bông hoa trắng/ Dành cho mẹ đóa hồng/ Mẹ nhớ gài lên ngực/ Ngoại chờ bên kia sông'. Chỉ thế thôi, 20 từ thuần Việt, chắc đọc lên ai cũng có thể hiểu.

Đang ngẫm nghĩ bài thơ, chợt nhìn lên tờ lịch, thời gian bước vào tháng 7, tháng của mùa Vu Lan, dịp cháu con báo hiếu, ngày lễ truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, ơn đức với tổ tiên, ông bà cha mẹ. Ngày lễ có sức sống văn hóa cao đẹp hàng ngàn năm qua trong đời sống tâm linh của người Việt Nam. Không gian tháng ngày này, đọc bài thơ của Đỗ Hồng Ngọc, bắt gặp ở đó tấm lòng, nét đẹp tình cảm thiêng liêng về mẹ được gói gọn trong 20 từ. Nói bài thơ đọc lên ai cũng hiểu, nhưng hiểu đến đâu với 20 từ ấy là cả một quãng đường dài tùy theo cảm thức của từng đối tượng.

Bông hồng cho mẹ của Đỗ Hồng Ngọc mở ra nhiều chiều phân vùng tinh tế đến với tha nhân, giản đơn mà vô cùng ảo diệu, có thể xem đó là lời đưa tiễn, là tiếng khóc biệt ly, nhưng không có từ ly biệt, không từ đưa tiễn, hay từ miêu tả tiếng khóc trong 4 động từ ở 4 câu thơ gắn cùng chủ thể: Con cài, dành cho, mẹ nhớ cài, ngoại chờ. Mấy từ đơn giản thế thôi mà chứa đựng cả một phạm trù rộng lớn nằm trong khổ đế của cõi nhân sinh. Hình ảnh hoa hồng là biểu tượng mang thông điệp của tình yêu thương. Ở đây, là tình yêu thương của người con dành cho mẹ.

Câu khởi nhà thơ viết: “Con cài bông hoa trắng”. Quan niệm dân gian, màu trắng mang vẻ đẹp thuần khiết, thể hiện đức hạnh cao quý, khiêm tốn và trang nghiêm, mang đến cho người nhìn cảm giác của sự thánh thiện. Nhưng màu hoa hồng trắng còn là màu tang tóc, biểu trưng cho cái chết, mất mát, đau thương. Nghi thức cài hoa hồng trắng dịp lễ Vu Lan là dành cho những người con không còn mẹ. Ở đây “con cài bông hoa trắng” là một thông điệp về nỗi niềm tâm trạng dành cho người ở lại, nhận lấy về phần mình sự khổ đau thương nhớ, để riêng “Dành cho mẹ đóa hồng”. Đọc câu thừa này lại gợi lên một nghịch lý, khó hiểu, hoa hồng màu hồng là biểu tượng tình yêu bất diệt, vĩnh cửu và trong sáng, cũng trong dịp lễ Vu Lan thiêng liêng ấy những ai còn mẹ mới cài lên ngực áo đóa hoa hồng để nhắc nhở rằng mình vẫn còn mẹ còn cha, còn đang được sống trong bầu trời yêu thương của đấng sinh thành. Ở đây người con lại dành đóa hoa hồng cho người đã khuất.

Sang câu chuyển – thứ câu 3, người đọc cứ ngỡ sẽ nhận được sự giải thích về nghịch lý giữa câu khởi và câu thừa, nhưng không phải vậy, nhà thơ tiếp tục khẳng định cho hành xử của người con, để rồi bản ngã thăng hoa lẫn vào thế giới ảo diệu, vượt qua thực tại gửi lời đến người đang hiện hữu ở thế giới bên kia, không khác người đang ở cõi phàm trần: “Mẹ nhớ cài lên ngực”. Trong cảm thức người con mẹ vẫn tồn tại, không hoàn toàn tan biến. Nhưng đến câu hợp ý thơ đột ngột chuyển hướng tạo sự bất ngờ: “Ngoại chờ bên kia sông”. Tất cả những gì chừng như nghịch lý bên trên đến đây được tháo gỡ để bộc lộ nội dung tư tưởng then chốt, tạo tình huống làm cho người đọc sửng sốt, cảm xúc như vỡ òa ra. Hóa ra người con nhắc mẹ cài hoa hồng lên ngực là để đi gặp ngoại. Trong cảm thức người con về sự ra đi của mẹ không có sự chia ly mà đó là cuộc hội ngộ, nhắc mẹ cài hoa hồng là gửi thông điệp để tha nhân biết rằng mẹ vẫn đang còn mẹ, mẹ về với ngoại, ngoại đi trước, đứng chờ mẹ ở phía bên kia sông. Nỗi đau dường như được xua tan về một cảm nhận trước lẽ vô thường của tạo hóa. Có thấu cảm với nỗi đau trong sự mất mát lớn lao của đời người mới có cái nhìn, mới có cách nói, động viên, vỗ về, biến sự chia ly trở thành đoàn tụ, để cõi lòng người sống của những ai mất mẹ được an nhiên, thanh tịnh với bao bươn chải gian nan trong cõi phàm trần.

Cấu tứ bài thơ cho thấy tài lực của một cây bút già dặn, thấu đáo về thi pháp thơ Đường, đặc biệt thể tứ tuyệt, để dụng công rất tài hoa làm cho câu cuối – câu hợp, chắp cánh toàn bộ nội dung tư tưởng, tình cảm thoát khỏi bến mê bay lên, vượt qua khổ đế giúp cho tâm khảm an nhiên trong cõi ta bà. Cảm ơn nhà thơ đã đem đến với tha nhân trong mùa Vu Lan lời cảm hứng tri ngộ, rất ân tình, thăm thẳm triết lý nhân văn.

VÕ NGUYÊN

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/tieng-long-nhan-le-vu-lan-122996.html
Zalo