'Tiếng chuông' cảnh tỉnh

Trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 2.136.205 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông trên đường bộ, đường sắt và đường thủy, phạt tiền 4.052 tỷ đồng; đồng thời tước hơn 407.000 giấy phép lái xe, tạm giữ hơn 715.000 phương tiện các loại.

Đáng chú ý, về vi phạm giao thông đường bộ, trên thực tế vẫn còn tồn tại một bộ phận không nhỏ lái xe, chủ doanh nghiệp, chủ phương tiện xem thường pháp luật hoặc hiểu biết chưa đầy đủ về pháp luật dẫn đến có các hành vi vi phạm gây nguy hiểm như: Phóng nhanh, vượt ẩu, đi sai làn, ngược chiều, chở quá khổ quá tải, lái xe quá thời gian quy định,… khi tham gia giao thông hay trong hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách. Điều đó cũng bộc lộ vấn đề quản lý người lái xe sau khi được sát hạch, cấp giấy phép lái xe còn bất cập, cơ quan chức năng chưa có các biện pháp quản lý hữu hiệu, nhất là quản lý việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người lái xe.

Trước tình trạng trên, mới đây, Bộ Công an trình dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe. Đáng chú ý, ngoài việc xử phạt hành chính, dự thảo quy định chi tiết việc trừ điểm giấy phép lái xe của lái xe khi vi phạm trật tự an toàn giao thông. Bộ Công an đề xuất 189 hành vi bị trừ điểm giấy phép lái xe, trong đó 28 hành vi, nhóm hành vi bị trừ hết 12 điểm của giấy phép lái xe. Việc trừ điểm giấy phép lái xe dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-1-2025.

Dự thảo trên đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc quy định trừ điểm giấy phép lái xe, vừa có tính chất răn đe vừa có tính chất giáo dục việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong đó, mỗi lần bị trừ điểm như giúp người lái xe nâng cao ý thức trách nhiệm, chấp hành pháp luật tốt hơn.

Việc trừ điểm, phục hồi điểm bằng lái xe là cách làm phù hợp nhằm hạn chế những bất cập trong quản lý, giám sát trật tự an toàn giao thông hiện nay. Với người đã được cấp giấy phép lái xe ô tô, quy định này khiến ai cũng phải cẩn thận suy tính kỹ với bảng điểm của mình. Vì vậy, họ chú ý hơn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không dám phóng nhanh, vượt ẩu... Điều này cũng đồng nghĩa việc đi lại sẽ an toàn hơn cho người tham gia giao thông.

Khi đưa ra đề xuất này, các cơ quan quản lý giám sát giao thông đều đã thấy rõ mục tiêu là góp phần giảm vi phạm cũng như tai nạn giao thông. Việc trừ điểm bằng lái xe sẽ tác động tới hành vi của người tham gia giao thông, giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe. Với những dữ liệu đã có cùng các điều kiện khả thi về khung pháp lý thì việc trừ, phục hồi điểm giấy phép lái xe không quá khó.

Để thực hiện hiệu quả việc trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, các cơ quan chức năng liên quan phải có sự phối hợp giữa các biện pháp xử lý vi phạm. Quá trình thực hiện, các cơ quan phải luôn theo dõi đánh giá để bổ sung, điều chỉnh kịp thời các quy định pháp luật, phối hợp tốt giữa các đơn vị chức năng và phát huy sức mạnh cả cộng đồng, nối mạng các hệ thống giám sát trên đường, cảm ứng camera radar WiFi định vị GPS... về một trung tâm đầu mối lưu trữ, xử lý.

Hy vọng rằng với sự hỗ trợ của công nghệ, việc triển khai quy định trừ điểm và phục hồi điểm giấy phép lái xe như "tiếng chuông" cảnh tỉnh nhằm hạn chế các vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, được người dân đồng thuận, ủng hộ, đồng hành với cơ quan chức năng.

Đình Hiệp

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tieng-chuong-canh-tinh-674179.html
Zalo