Tiến tới dừng hình thức xuất khẩu tiểu ngạch rau quả sang Trung Quốc

Các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của Trung Quốc ngày càng nghiêm ngặt, đòi hỏi doanh nghiệp xuất khẩu rau quả Việt Nam phải cập nhật và đáp ứng nếu muốn đưa sản phẩm vào thị trường Trung Quốc.

Đây là những nội dung hội thảo "Xúc tiến thương mại xuất khẩu chính ngạch sản phẩm rau quả sang thị trường Trung Quốc", do Bộ Công Thương tổ chức chiều 12-11.

Các diễn giả chia sẻ cơ hội và thách thức khi xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: L.Giang

Các diễn giả chia sẻ cơ hội và thách thức khi xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: L.Giang

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, rau quả Việt Nam xuất sang thị trường Trung Quốc phải cạnh tranh với rau quả Thái Lan, Malaysia, Philippines, Campuchia, Australia … vừa chịu áp lực từ sản phẩm cùng loại sản xuất trong nước.

Các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của Trung Quốc ngày càng nghiêm ngặt. Quy định về vệ sinh thực vật, kiểm dịch động vật khá phức tạp và mất thời gian. Rau quả xuất khẩu của Việt Nam phải có mã số vùng trồng do Hải Quan Trung Quốc (GACC) cấp. Các cơ sở chế biến, đóng gói cũng phải đăng ký mã số sau khi kiểm tra nghiêm ngặt.

Bên cạnh đó, việc xây dựng kênh phân phối cũng là một thách thức. Đa số rau quả Việt Nam được bán cho thương lái nhỏ lẻ, tập trung ở biên giới nên chưa thâm nhập sâu vào thị trường Trung Quốc.

Dù vậy, thị trường Trung Quốc có dân số 1,4 tỷ người, nhu cầu tiêu thụ trái cây nhiệt đới mà Việt Nam có lợi thế rất lớn. Việt Nam có khoảng 1,2 triệu ha trồng cây ăn quả, tổng sản lượng trên 14 triệu tấn/năm. 11 loại trái cây đặc sản được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc như: Sầu riêng, mít, thanh long, chuối, xoài, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, măng cụt, chanh dây.

Sản phẩm rau quả chế biến được giới thiệu tại hội thảo. Ảnh: L.Giang

Sản phẩm rau quả chế biến được giới thiệu tại hội thảo. Ảnh: L.Giang

Trong tổng kim ngạch rau quả xuất khẩu của Việt Nam năm 2023 là 5,6 tỷ USD, thị trường Trung Quốc có kim ngạch 3,63 tỷ USD, chiếm gần 65%. Năm 2024, dự kiến kim ngạch rau quả xuất khẩu của Việt Nam khoảng 7,5 tỷ USD, riêng Trung Quốc đạt trên 5 tỷ USD, chiếm khoảng 70% .

Hơn thế, Việt Nam – Trung Quốc có chung nhiều FTA giúp giảm thuế. Các cửa khẩu biên giới rất gần các chợ đầu mối Trung Quốc. Nhiều cảng biển gần nhau nên thời gian vận chuyển rút ngắn, chi phí logistics ít hơn so các nước khác.

Ông Nguyễn Trung Kiên đại diện Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, trong định hướng hợp tác của Bộ Công Thương với các cơ quan, địa phương của Trung Quốc, Bộ sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường cho các loại nông - thủy sản Việt Nam; nâng cao hiệu suất thông quan tại cửa khẩu, lối mở, cặp chợ biên giới; hoàn thiện cơ sở hạ tầng cửa khẩu; phân luồng hàng hóa thông minh.

Hai bên cũng tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, tham dự hội chợ, triển lãm giữa hai bên.

Trung Quốc là thị trường có tiêu chuẩn cao, khắt khe, do đó doanh nghiệp cần chuyển nhanh sang hình thức thương mại chính quy, sản xuất, xuất khẩu mặt hàng chất lượng cao, tiến tới dừng hình thức xuất khẩu tiểu ngạch.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh lịch sản xuất, xuất khẩu để tránh trùng thời vụ với hàng nội địa Trung Quốc.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đa dạng hóa sản phẩm, tập trung chế biến sâu; phối hợp với thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, doanh nghiệp Trung Quốc để mở rộng phân phối sản phẩm tại các siêu thị lớn, xây dựng chuỗi cung ứng bên trong nước này.

Lam Giang

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tien-toi-dung-hinh-thuc-xuat-khau-tieu-ngach-rau-qua-sang-trung-quoc-684288.html
Zalo