Tiến tới Đại hội XIV của Đảng: Nhiều ý kiến tâm huyết góp ý vào Dự thảo Báo cáo chính trị
Ngày 14/4, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương đã tổ chức hội nghị góp ý kiến xây dựng Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hải Dương Nguyễn Đức Tuấn phát biểu tại hội nghị.
Tại hội nghị, đối với dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, ông Nguyễn Đức Tuấn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín đất nước qua 40 năm đổi mới; quan điểm, mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn mới; cấu trúc và nội dung định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2026 - 2030.
Với Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, ông Nguyễn Đức Tuấn đề nghị các đại biểu góp ý về sự thay đổi lớn trong bối cảnh mới, đơn vị hành chính mới, khi thực hiện chủ trương sáp nhập của Trung ương; cập nhật, điều chỉnh các phân tích dự báo gắn với không gian phát triển mới, đặc điểm vùng kinh tế động lực và hành lang kinh tế ven biển Bắc Bộ; các mô hình hợp tác, điều phối, chia sẻ nguồn lực, phân vùng chức năng giữa các khu vực trong đơn vị sáp nhập.
Trong nhiệm kỳ 2025 - 2030, các đại biểu góp ý cho mục tiêu phát triển riêng tỉnh sang mục tiêu phát triển chung sau khi sáp nhập đơn vị hành chính mới và vùng; phân vai chiến lược cho khu vực Hải Dương trong tổng thể phát triển đơn vị hành chính mới, phát triển vùng; giải pháp xây dựng hình ảnh/thương hiệu địa phương, phát triển lĩnh vực y tế, giáo dục, nhà ở, môi trường; những mô hình, sáng kiến bảo tồn di sản, phát triển đời sống văn hóa mới trong vùng đô thị lớn…
Góp ý vào Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, ông Lê Đình Khanh, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế - xã hội của MTTQ Việt Nam tỉnh đề nghị bỏ tiêu đề điểm 2 mục XIII vì nội dung trong mục này nằm trong điểm 1, không nên tách riêng. Nên thêm mục 2 về sự phối hợp giữa các cơ quan tư pháp và tính độc lập tương đối của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử bảo đảm thượng tôn pháp luật, xây dựng và bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Đề nghị gộp điểm 1, 2, 3 của mục XIV thành một điểm với tiêu đề “Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và đạo đức”.
Về nội dung cụ thể trong Dự thảo báo cáo chính trị, ông Lê Đình Khanh đề nghị nâng mức phấn đấu tuổi thọ bình quân đến năm 2030 đạt 77 tuổi thay vì 75 tuổi; bỏ cụm từ "tổ chức bộ máy" ở đoạn cuối điểm 1 mục III (trang 20) vì đoạn 2 trong điểm 1 đã đề cập; đoạn cuối điểm 6 mục XIV (trang 40) nên thêm: Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn tư tưởng cục bộ, lợi dụng thân quen, tiêu cực chạy chức, chạy quyền, lợi dụng chính sách luân chuyển cán bộ…
Về Báo cáo thi hành Điều lệ Đảng, theo ông, việc hướng dẫn thi hành Điều lệ cần cụ thể chi tiết và nên ban hành sớm sau mỗi kỳ Đại hội. Nhất là về hình thức và thời hiệu kỷ luật; bố trí công tác cho cán bộ, đảng viên sau khi bị kỷ luật cũng như trách nhiệm liên đới của lãnh đạo, cấp ủy quản lý đảng viên khi đảng viên vị phạm bị kỷ luật…
Các đại biểu còn góp ý cần điều chỉnh, xem xét tính thống nhất đồng bộ giữa báo cáo chính trị và các báo cáo chuyên đề. Các văn kiện cần thể hiện tính chiến lược; tầm nhìn và định hướng để phát triển đất nước thời gian tới. Các văn kiện cần làm rõ thêm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác xây dựng pháp luật, sửa đổi Hiến pháp.
Các văn kiện cần đánh giá nguy cơ từ bên ngoài tác động đến tình hình phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng đối với tương lai, vận mệnh của đất nước; cần nêu rõ những hạn chế, bất cập, những chỉ tiêu phát triển kinh tế không đạt được và cần có hướng khắc phục hiệu quả; cần có giải pháp để phát triển kinh tế tư nhân; xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao và cơ chế để tuyển dụng, sử dụng nhân tài. Các đại biểu cũng đề nghị các văn kiện cần có giải pháp tăng cường kiểm tra giám sát vốn đầu tư công, các dự án trọng điểm quốc gia; quản lý tài nguyên, khoáng sản; quản lý, sử dụng tài sản của các cơ quan đơn vị sau sáp nhập…
Với Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, ông Trần Minh Đức, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hải Dương đề nghị văn kiện cần xác rõ mục tiêu xây dựng thành phố mới trở thành trung tâm kinh tế biển năng động, kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ logistics, du lịch và kinh tế biển. Cần có quy hoạch tổng thể, tầm nhìn dài hạn cho sự phát triển của thành phố mới, đảm bảo tính kết nối giữa các khu vực hiện có của Hải Dương và Hải Phòng, chú trọng đến phát triển hạ tầng giao thông, đô thị xanh, thông minh và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đại diện Liên minh Hợp tác xã cũng đề nghị văn kiện cần đề cập đến chính sách đặc biệt để bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của cả hai địa phương, tạo dựng bản sắc văn hóa riêng của thành phố mới; phát triển hệ thống y tế hiện đại; đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong vận động quần chúng, lắng nghe ý kiến của nhân dân, tạo sự đồng thuận và tham gia tích cực của người dân vào quá trình xây dựng và phát triển thành phố mới.
Một số ý kiến cũng đề nghị văn kiện của tỉnh cần có định hướng để phát huy tiềm năng thế mạnh của các địa phương; quản lý, sử dụng các công trình lớn sau khi sáp nhập tỉnh và bỏ chính quyền cấp huyện. Dự thảo các văn kiện cũng cần đảm bảo yếu tố địa chính trị, đầu tư, phát triển kinh tế, định hướng công tác nhân sự…
Kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương Nguyễn Đức Tuấn khẳng định sẽ đã tiếp thu các ý kiến đóng góp để gửi tới Tiểu ban Văn kiện; việc lấy ý kiến vào các Dự thảo Báo cáo chính trị nhằm phát huy dân chủ, tập hợp trí tuệ cao nhất của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương nói riêng và cả nước nói chung trong giai đoạn mới. Ông Nguyễn Đức Tuấn cũng đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu các văn kiện và đóng góp thêm nhiều ý kiến tâm huyết cho Tiểu ban Văn kiện của Đại hội…