Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh: Cần tạo lập 'niềm tin chiến lược' với Hoa Kỳ

Sự phụ thuộc theo nghĩa đan xen, cân bằng lợi ích của các quốc gia, các đối tác nổi bật đã giữ cho Việt Nam vị thế đặc biệt và quan trọng.

Tuần Việt Nam giới thiệu phần đầu cuộc thảo luận với TS. Vũ Thành Tự Anh, Giảng viên cao cấp, trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam về những lưu ý chính sách trong bối cảnh những thay đổi lớn đang diễn ra trên thế giới.

Ông Vũ Thành Tự Anh nói:

Chưa bao giờ Việt Nam trải qua biến động bên trong và bên ngoài lớn như thế thời gian vừa qua. Ở trong nước, chúng ta đã hoàn thiện một loạt lãnh đạo chủ chốt và thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của Đảng, Chính phủ và Quốc hội theo hướng hợp nhất, tập quyền. Đợt cải cách bộ mày lần này diễn ra rất quyết liệt, nhanh gọn, có lộ trình rõ ràng, chưa từng có tiền lệ trong mấy chục năm nay.

Ở bên ngoài, Việt Nam cũng đối mặt với tình thế nhiều cơ hội nhưng cũng đầy rủi ro.

Ông Vũ Thành Tự Anh: Ba trụ cột đối ngoại là ngoại giao, thương mại và an ninh là cực kỳ quan trọng. Ảnh: VietNamNet

Ông Vũ Thành Tự Anh: Ba trụ cột đối ngoại là ngoại giao, thương mại và an ninh là cực kỳ quan trọng. Ảnh: VietNamNet

Cơ hội là gì? Việt Nam ở vị trí địa chiến lược, một lợi thế trời cho, là tâm điểm của thế giới. Ví dụ về mặt thương mại, Việt Nam phụ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc và xuất khẩu sang Mỹ ở mức độ ngày càng tăng. Năm 2024, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt hơn 144 tỷ USD, còn Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt gần 120 tỷ USD. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phụ thuộc ngày càng sâu vào công nghệ và vốn FDI của nước ngoài.

Chính sự phụ thuộc theo nghĩa là đan xen, cân bằng lợi ích của các quốc gia, các đối tác nổi bật đó đã giữ cho Việt Nam chúng ta vị thế đặc biệt và quan trọng.

Vấn đề là cơ hội luôn luôn đi đôi với rủi ro và từ cơ hội chuyển sang rủi ro chỉ là một làn ranh mỏng manh. Từ thực tế đó, cơ hội và tiền đồ của nước ta phụ thuộc rất lớn vào các chính sách đối ngoại trên ba phương diện: ngoại giao; kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế và an ninh. Ba khía cạnh này phải là kiềng ba chân đồng hành với nhau. Tôi cho rằng, chưa bao giờ đối ngoại trở nên quan trọng như bây giờ.

Tạo lập 'niềm tin chiến lược'

Ông có thể phân tích thêm về góc độ quan hệ giữa Việt Nam với Hoa Kỳ, đối tác chiến lược toàn diện của nước ta?

Ông Vũ Thành Tự Anh: Có rất nhiều điều đáng quan tâm, nhưng tôi xin nêu một vài điểm.

Tháng 9 năm ngoái, khi Tổng thống Mỹ Biden sang, chúng ta ai cũng nói về cơ hội phát triển bán dẫn và AI. Chính sách của Biden là offshoring (hướng ngoại) và là cơ hội cho đất nước Việt Nam.

Nhưng bây giờ Tổng thống Trump sẽ tập trung vào chính sách reshoring (tập trung phát triển trong nước), ngược lại với ông Biden, và cơ hội sẽ về Mỹ hết. Những chính sách về chuyển đổi xanh, chuyển giao công nghệ đều tập trung về Mỹ.

Vậy cơ hội của chúng ta có còn rõ ràng nữa hay không? Không ai dám chắc. Những gì chúng ta đang hy vọng, đang đặt niềm tin là những động cơ và động lực tăng trưởng mới thì lại gặp rủi ro như vậy.

Nếu Việt Nam lại bị đưa vào danh sách thao túng tiền tệ, như nhiệm kì trước đây của ông Trump đã từng làm, thì mọi cơ hội của chúng ta lại có thể bị chuyển thành rủi ro.

Xuất khẩu là trụ cột chính nên nếu bị quy chụp là thao túng tiền tệ, rồi không được công nhận là kinh tế thị trường, lập tức Việt Nam sẽ bất lợi Ông Vũ Thành Tự Anh

Vì thế tôi mới nói, ba trụ cột đối ngoại là ngoại giao; thương mại và an ninh là cực kỳ quan trọng. Nếu các trụ cột này mà không vững, thì rất nhiều thứ chúng ta chuẩn bị dù công phu đến bao nhiêu đi chăng nữa ở bên trong cũng chưa chắc đã thành công được.

Làm sao giải được bài toán vô cùng quan trọng với nền kinh tế Việt Nam ít nhất là trong 4 - 5 năm tới? Thật tiếc là tôi chưa thấy nhiều thảo luận về vấn đề này.

Minh bạch xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ

Chúng ta cần làm gì và như thế nào để được công nhận quy chế kinh tế thị trường mà hiện nay vẫn đang được treo đó?

Ông Vũ Thành Tự Anh: Tôi quan sát thấy, trong tất cả cuộc gặp cao cấp của lãnh đạo Việt Nam với lãnh đạo Hoa Kỳ, phía Việt Nam đều đề nghị Hoa Kỳ công nhận cơ chế thị trường cho Việt Nam. Để đạt được điều đó, theo tôi, chúng ta phải có những động thái từ phía chúng ta.

Tạo lập khung khổ cạnh tranh bình đẳng, minh bạch cho các doanh nghiệp sẽ là bằng chứng Việt Nam cải cách theo kinh tế thị trường. Ảnh: Hoàng Hà

Tạo lập khung khổ cạnh tranh bình đẳng, minh bạch cho các doanh nghiệp sẽ là bằng chứng Việt Nam cải cách theo kinh tế thị trường. Ảnh: Hoàng Hà

Một trong những rủi ro là việc trung chuyển hàng hóa. Thực tế, thời điểm cuối năm 2024 là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng khoảng hơn 29%. Tốc độ nhập khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam tăng hơn 24%. Mỹ chỉ cần làm việc rất đơn giản là lấy mã HS so doanh nghiệp này nhập từ Trung Quốc sang Việt Nam, so doanh nghiệp kia xuất từ Việt Nam sang Mỹ là họ thấy ngay.

Thế nên lúc đấy Việt Nam phải làm gì? Việt Nam sẽ phải rất cởi mở và chủ động. Việt Nam cần thể hiện rõ trong chuyện này là sẽ trừng phạt các công ty thực hiện các hoạt động đó. Chúng ta cần phối hợp với họ điều tra tất cả các trường hợp có nghi vấn và xử lí các doanh nghiệp điển hình.

Nghĩa là, Việt Nam ứng xử minh bạch và rạch ròi. Cho nên, chúng ta cần chứng minh rõ ràng rằng, đây không phải là chính sách của quốc gia, mà đây chỉ là chuyện của một vài doanh nghiệp nhưng gây tổn hại cho cả nền kinh tế.

Xuất khẩu là trụ cột chính. Chỉ cần bị quy chụp là thao túng tiền tệ, không được công nhận là kinh tế thị trường, lập tức chúng ta sẽ bất lợi.

Liên quan đến quy chế kinh tế thị trường, những cải cách bên trong nào cần được lưu ý, thưa ông?

Ông Vũ Thành Tự Anh: Chúng ta cần chứng minh cho Mỹ thấy chính sách tiền tệ minh bạch, chẳng hạn, tỉ giá phải cho phép thay đổi, có lên, có xuống theo quy luật thị trường, theo cung cầu. Tất nhiên, điều đó đi đôi với rủi ro mất ngoại hối nhưng Việt Nam phải chấp nhận cuộc chơi đấy.

Chúng ta phải tạo niềm tin là chúng ta chủ động, sẵn sàng hợp tác và minh bạch với chính quyền của Tổng thống Trump. Ông Vũ Thành Tự Anh

Hiện nay, năng lực kĩ trị của Ngân hàng Nhà nước khá hơn trước nhiều. Tôi đã làm việc nhiều lần với nhiều lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước và thấy, sau nhiều kinh nghiệm quản lý, họ đã rút ra được rất nhiều bài học quý giá.

Năng lực kỹ trị tốt hơn trước rất đáng kể đã giúp giữ kinh tế vĩ mô ổn định. Nhưng đây là cuộc chơi mới, chúng ta phải phải chấp nhận và chủ động chơi. Chúng ta phải nâng tầm của mình lên để chơi một cái chuẩn mực chung của thế giới và lúc đó mình có thể ngẩng cao đầu để tạo lập niềm tin.

Một khía cạnh nữa là cải cách doanh nghiệp nhà nước, mà theo tôi, một một mũi tên bắn hai đích. SCIC đã được tuyên bố giải thể. Bản thân các tập đoàn nhà nước đã vượt quá xa tầm quản lý của SCIC và chính SCIC là trở ngại chứ không phải là động lực, hay chất xúc tác cho họ phát triển.

Tôi đã thảo luận với đại diện của EVN, PVN và nhiều tập đoàn lớn khác. SCIC là vòng kim cô siết quá chặt. Vì thế, bằng việc giải thể SCIC, chúng ta chứng minh với Hoa Kỳ là, Chính phủ tăng quyền tự chủ cho các tập đoàn nhà nước và họ chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh.

Tức là, chúng ta phải tạo lập khung khổ cạnh tranh, bình đẳng, minh bạch cho các doanh nghiệp thì dễ thuyết phục được Hoa Kỳ là chúng ta có hành động, có bằng chứng cải cách theo kinh tế thị trường.

Chúng ta phải tạo niềm tin đối với Chính phủ mới của Mỹ là chúng ta chủ động, sẵn sàng hợp tác và minh bạch với chính quyền của Tổng thống Trump với những nhân sự hoàn toàn mới.

Ông nhìn nhận thế nào về Trung Quốc, quốc gia trở thành đối tác thương mại và đầu tư ngày càng lớn?

Ông Vũ Thành Tự Anh: Trung Quốc phát triển thần kì trong 15 năm với tốc độ phát triển hơn hai con số, từ đó họ cất cánh lên được. Nhờ sự phát triển đó họ đã làm chủ được nhiều công nghệ như sản xuất chip, đường sắt cao tốc,… Họ có nội lực thực sự.

Khi sang Bắc Kinh, Trung Quốc vào năm 2001, tôi hỏi lãnh đạo của Trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Bắc Kinh, các ông đầu tư cho nghiên cứu và phát triển của trường là bao nhiêu. Ông ấy cho biết là khoảng độ 500 triệu USD một năm. Vừa rồi, tôi quay lại trường đó và hỏi câu hỏi tương tự. Họ cho biết đã dành tới 2 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển của trường,...

Đứng về mặt địa chiến lược, Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục là đối tác thương mại và đầu tư quan trọng. Các hoạt động đầu tư, thương mại sang Việt Nam sẽ theo đà mấy năm nay, mà nền tảng bán hàng giá rẻ Temu là một ví dụ. Tuy nhiên, đây là lời cảnh báo khi họ đang dư thừa.

Thanh toán cũng là vấn đề đáng quan tâm, trong đó chúng ta cần lưu ý là không làm điều gì đi ngược lại với lợi ích cốt lõi của Mỹ trong khu vực và trên toàn cầu.

Hơn nữa, Việt Nam đã và đang tham gia nhiều định chế quốc tế khác nhau trên quan điểm nhất quán lâu nay là cổ vũ cho một thế giới đa phương, đa cực. Chúng ta cũng cần nói rõ thông điệp, là Việt Nam không làm tổn hại đến lợi ích cốt lõi của một ai.

Như ông đã thấy, Việt Nam đã có một vị thế rất khác khi trở thành đối tác chiến lược của nhiều quốc gia; chúng ta đã hòa bình, phát triển, có trách nhiệm với cộng đồng thế giới. Đây là một lợi thế…

Ông Vũ Thành Tự Anh: Từ những xung đột ở những điểm nóng trên thế giới ngày nay như Ukraine, Israel… và những bài học từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước, thế giới luôn mong muốn Việt Nam phát triển và ổn định vì lợi ích toàn cầu. Họ mong muốn Việt Nam lớn mạnh, độc lập, tự cường.

Tuy nhiên, Việt Nam phải chứng minh cho họ thấy là chúng ta thực sự xây dựng niềm tin chiến lược. Đây là lúc cần phải có niềm tin chiến lược.

Tư Giang

Lan Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tien-si-vu-thanh-tu-anh-can-tao-lap-niem-tin-chien-luoc-voi-hoa-ky-2369056.html
Zalo