Tiên phong thực hiện Ðề án 06

Thực hiện Ðề án 'Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030' (Ðề án 06), tỉnh đã hoàn thành 35/37 nhiệm vụ đúng thời hạn quy định (đạt 94,6%), trong đó có 27 nhiệm vụ duy trì thực hiện thường xuyên; còn 2 nhiệm vụ đang thực hiện trong hạn.

Cà Mau là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước hoàn thành sớm việc kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh với Hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an, phục vụ chuyển đổi sang sử dụng VNeID làm tài khoản duy nhất trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công (DVC) trên môi trường điện tử kể từ ngày 1/7/2024; là địa phương đầu tiên và duy nhất trên cả nước chủ động triển khai đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh qua nền tảng đào tạo trực tuyến (MOOC); là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước hoàn thành sớm việc số hóa dữ liệu sổ hộ tịch lịch sử trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định số 87/2020/NÐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ... Ðặc biệt, từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh Cà Mau tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về vị trí xếp hạng theo Bộ Chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, cung cấp DVC trên Cổng DVC quốc gia.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi cho biết, năm 2025, Cà Mau phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra theo lộ trình Ðề án 06, trọng tâm là 100% TTHC đủ điều kiện được cung cấp DVC trực tuyến toàn trình; 100% người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng DVC trực tuyến đều được định danh và xác thực điện tử thông suốt; 100% kết quả giải quyết TTHC của cá nhân được lưu trữ điện tử với số định danh cá nhân là thông tin bắt buộc phục vụ kết nối, chia sẻ, tái sử dụng.

“Ðến nay, tỉnh đã hoàn thiện tái cấu trúc quy trình, đơn giản hóa hồ sơ đối với 907 TTHC, tự động điền thông tin được khai thác từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào biểu mẫu; điện tử hóa mẫu đơn, tờ khai; đảm bảo tỷ lệ cắt giảm tối thiểu 20% thông tin phải khai báo trên cơ sở tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa, không phải nhập lại thông tin”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi thông tin về cơ sở pháp lý thực hiện Ðề án 06 trên địa bàn.

Hạ tầng công nghệ, nhân lực, dữ liệu, bảo mật an ninh an toàn được đầu tư, đáp ứng nhu cầu phát triển trong thực hiện Ðề án 06.

Hạ tầng công nghệ, nhân lực, dữ liệu, bảo mật an ninh an toàn được đầu tư, đáp ứng nhu cầu phát triển trong thực hiện Ðề án 06.

Ðể có được kết quả, thành tựu nổi bật trên là do tỉnh đã tập trung chỉ đạo tháo gỡ các điểm nghẽn ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương về thực hiện Ðề án 06, nhất là về hạ tầng công nghệ, nhân lực, dữ liệu, bảo mật an ninh an toàn. Cụ thể, hiện tỉnh có 1 trung tâm tích hợp dữ liệu chính và 1 trung tâm tích hợp dữ liệu dự phòng (DC&DR) được tiếp tục đầu tư, nâng cấp hằng năm nhằm lưu trữ các hệ thống thông tin, dữ liệu dùng chung theo mô hình điện toán đám mây phục vụ chuyển đổi số của tỉnh (với năng lực lưu trữ lên đến 135 TB); thiết bị bảo mật đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống (tường lửa, phòng chống DDoS, tường lửa ứng dụng web...) và được Tổ chức Chứng nhận DAS đánh giá phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn ISO/IEC 27001:2013 về hệ thống quản lý an toàn thông tin. Hiện tỉnh có trên 74 hệ thống thông tin lưu trữ trên data center được đảm bảo an toàn thông tin và được sao lưu định kỳ thường xuyên (1 ngày/1 bản sao lưu). Một số hệ thống nổi bật: Cổng Thông tin điện tử tỉnh và các trang thông tin điện tử thành phần; Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh; Trục LGSP, SSO; Hệ thống Chính quyền điện tử tỉnh Cà Mau (CaMau-G); Hệ thống thông tin nguồn; Hệ thống mail và một số phần mềm ứng dụng của các sở, ban, ngành...

Đến nay, có 280.509 cán bộ, công chức, viên chức và người dân được đào tạo, tập huấn (bao gồm cả hình thức đào tạo trực tuyến và trực tiếp) trong thực hiện Đề án 06, đáp ứng nhu cầu của xã hội. (ảnh chụp Bộ phận Một cửa tại huyện U Minh)

Đến nay, có 280.509 cán bộ, công chức, viên chức và người dân được đào tạo, tập huấn (bao gồm cả hình thức đào tạo trực tuyến và trực tiếp) trong thực hiện Đề án 06, đáp ứng nhu cầu của xã hội. (ảnh chụp Bộ phận Một cửa tại huyện U Minh)

Với 6 nhóm nhiệm vụ tiếp tục thực hiện hiệu quả Ðề án 06 năm 2025 và những năm tiếp theo, Cà Mau đẩy mạnh triển khai sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 có giá trị tương đương như việc sử dụng thẻ căn cước gắn chip trong thực hiện TTHC và các giao dịch có yêu cầu xuất trình thẻ căn cước; không yêu cầu người dân xuất trình thẻ căn cước khi đã xuất trình thông tin căn cước điện tử trên VNeID. Triển khai hiệu quả việc ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các tiện ích của thẻ căn cước, định danh điện tử, ứng dụng VNeID trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, phục vụ chuyển đổi số và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Duy trì công tác rà soát, tạo lập, chuẩn hóa, làm sạch cơ sở dữ liệu chuyên ngành, dữ liệu các tổ chức chính trị - xã hội, các hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh, đảm bảo dữ liệu đúng, đủ, sạch, sống; phục vụ bổ sung, kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ thực hiện hiệu quả Ðề án 06.

Phát huy kết quả thực hiện Ðề án 06, UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành cung cấp các DVC theo Quyết định số 422/QÐ-TTg ngày 4/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện, đảm bảo đúng lộ trình; hoàn thành việc công bố danh mục TTHC đủ điều kiện thực hiện DVC trực tuyến toàn trình thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 27/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện; chỉ đạo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an có giải pháp phân quyền cho địa phương thống kê, theo dõi số liệu sổ sức khỏe điện tử được liên thông, tích hợp với ứng dụng VNeID để thuận tiện trong công tác chỉ đạo, điều hành./.

Trần Nguyên

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/tien-phong-thuc-hien-de-an-06-a37279.html
Zalo