Tiên phong lan tỏa hình tượng bộ đội Cụ Hồ

Chiến tranh đã đi qua 50 năm, nhưng hình tượng bộ đội Cụ Hồ vẫn sừng sững trong các tác phẩm văn học nghệ thuật, nhắc nhở lòng tự hào và biết ơn những người lính đã cống hiến vì độc lập, tự do, vì sự phát triển phồn vinh của Tổ quốc.

Mẫu hình nhân vật tiêu biểu

“Văn hóa, văn học nghệ thuật giai đoạn qua đã tinh lọc, lưu giữ, trao truyền những nét căn bản nhất, tiêu biểu nhất về phẩm chất, hình ảnh, hình tượng bộ đội Cụ Hồ trong các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả cũng như trong thời bình xây dựng, phát triển đất nước”. Nhận định của Trung tướng Trương Thiên Tô, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tại Hội nghị Tổng kết hoạt động trọng điểm về văn hóa, văn học nghệ thuật, báo chí quân đội giai đoạn 2021 - 2025, đã khơi mở góc nhìn về vai trò của văn học, nghệ thuật với việc lan tỏa hình tượng bộ đội Cụ Hồ.

Hình tượng bộ đội Cụ Hồ được khắc họa qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Khi đất nước thống nhất, đây tiếp tục là mạch chủ đạo kết tinh nhiều yếu tố, từ tài năng, tâm huyết của đội ngũ sáng tác đến công tác quảng bá, tuyên truyền, lan tỏa các tác phẩm tới công chúng. Hình tượng bộ đội Cụ Hồ thực sự trở thành di sản mang đặc trưng, bản sắc của văn hóa quân sự Việt Nam.

 Cảnh trong vở chèo "Đại đội trưởng của tôi" do Nhà hát chèo Quân đội dàn dựng

Cảnh trong vở chèo "Đại đội trưởng của tôi" do Nhà hát chèo Quân đội dàn dựng

Nói như Thiếu tướng Nguyễn Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam: “Hình tượng bộ đội Cụ Hồ là nguồn cảm hứng mạnh mẽ của văn nghệ sĩ, xuất hiện đậm nét trong sáng tác ở tất cả thể loại và tiếp tục chuyển hóa thành cảm hứng cho toàn thể nhân dân. Hiếm có hình tượng nào có thể trở thành hình mẫu cho tất cả hoạt động, không chỉ là lực lượng sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, sẵn sàng giúp dân mà còn là đội quân xây dựng…”.

"Bộ đội Cụ Hồ" hàm chứa không chỉ khí phách, số phận của một giai đoạn, một thời đại, mà còn cả phẩm tính truyền thống cốt lõi người Việt với các đặc điểm căn bản: trí tuệ, lòng quả cảm, sự trung tín và lối ứng xử tình nghĩa. Bộ đội Cụ Hồ đã trở thành nhân vật tiêu biểu và đứng vào hệ thống mẫu hình nhân vật tiêu biểu nhất của lịch sử xã hội Việt Nam từ trước tới nay. Đại tá, nhà văn Bình Phương, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, khẳng định: từ nửa cuối thế kỷ XX đến nửa đầu thế kỷ XXI, bộ đội Cụ Hồ là nhân vật trung tâm thành công nhất của văn học Việt Nam.

“Văn học viết về chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang không chỉ dừng lại ở các nhà văn trực tiếp tham gia, trực tiếp trải qua mà có cả lớp nhà văn không qua chiến tranh. Như thế, việc viết về chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang không dừng lại là trả nợ ký ức, chỉ phản ánh, trình bày trải nghiệm thực tế của người trong cuộc, mà tiến xa hơn, trở thành đề tài hiển nhiên được mọi thế hệ nhà văn quan tâm”, nhà văn Bình Phương phân tích.

Thông qua áng văn thơ, tác phẩm sân khấu, nhạc họa… tạc vào lòng dân hình tượng bất hủ về người lính, nhân lên giá trị, phẩm chất cao đẹp của chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Theo Đại tá Mạc Thùy Dương, Giám đốc Thư viện Quân đội: “Văn học nghệ thuật làm nổi bật lý tưởng cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để chính cán bộ chiến sĩ, những người trong hàng ngũ quân đội cảm nhận được mình trong đó, để tự hào, thêm động lực phấn đấu, phát huy giá trị, phẩm chất bộ đội Cụ Hồ”.

Tiếp tục hun đúc và bồi đắp

Đại tá, NSƯT Lê Thị Mai Phương, Giám đốc Nhà hát Kịch nói Quân đội cho biết, 5 năm qua, các đơn vị sân khấu Quân đội, trong đó có Nhà hát Kịch nói Quân đội, Nhà hát Chèo Quân đội... đã tiếp nhận hàng trăm tác phẩm chuyên nghiệp và không chuyên về đề tài chiến tranh cách mạng, về hình tượng bộ đội Cụ Hồ, cho thấy đây là mảng đề tài có sức hút rất lớn đối với các tác giả sân khấu và một số đơn vị nghệ thuật cả hai miền Nam - Bắc. Thế nhưng, hiện nay, với yêu cầu, nhiệm vụ mới, vai trò, vị trí của lực lượng vũ trang cũng như hình ảnh và phẩm chất của bộ đội Cụ Hồ đã có những biến chuyển, đòi hỏi cảm quan nghệ thuật mới phù hợp hơn để khắc họa chính xác.

Phải làm gì và làm như thế nào để có nhiều tác phẩm đặc sắc hơn nữa để tri ân, ngợi ca, tôn vinh, lan tỏa những phẩm chất tốt đẹp của người lính Cụ Hồ trong thời kỳ mới? "Chúng ta vẫn biết có bột mới gột nên hồ, có kịch bản tốt thì sẽ có vở diễn hay. Thời gian tới, cùng với những cơ chế khuyến khích phát triển văn học nghệ thuật đề tài chiến tranh, cách mạng, hy vọng sẽ thu hút nhiều hơn nữa các tác giả, đặc biệt là tác giả trẻ trong và ngoài Quân đội đi sâu về chủ đề hậu chiến, về người lính hôm nay. Để từ đây, ngày càng có nhiều tác phẩm thuộc đề tài này với góc nhìn mới, ở nhiều khía cạnh khác nhau nhưng vẫn đầy ắp tính nhân văn, tinh thần dân tộc”, Đại tá, NSƯT Lê Thị Mai Phương bày tỏ.

Hình tượng bộ đội Cụ Hồ vẫn đang là một trong những nhân vật trung tâm của văn học nghệ thuật nhưng ở ý thức nghệ thuật khác, cởi mở, đa chiều, phù hợp với tinh thần thời đại mới. Hun đúc, bồi đắp hình tượng này cũng chính là đóng góp vào sự phát triển của văn hóa Việt Nam nói chung. Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam: “Hình tượng bộ đội Cụ Hồ không chỉ là kết tinh phẩm chất cao quý của người lính mà còn là biểu tượng của lòng yêu nước, chủ nghĩa nhân văn cao cả, tình đoàn kết, gắn bó keo sơn quân - dân, khát vọng độc lập, tự do. Đây chính là cánh đồng đề tài rộng lớn, nguồn cảm hứng bất tận để các thế hệ văn nghệ sĩ sáng tạo, cho ra đời nhiều tác phẩm gắn với truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, ghi dấu ấn sâu đậm trong nền văn hóa Việt Nam”.

Hải Đường

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tien-phong-lan-toa-hinh-tuong-bo-doi-cu-ho-post410390.html
Zalo