Tiện ích lan tỏa từ chuyển đổi số
HNN - Chuyển đổi số được xác định là một trong những trụ cột chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý và phục vụ người dân. Huế được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong triển khai chuyển đổi số toàn diện, đặc biệt trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, đô thị thông minh và trong bộ máy công sở.

Xuất trình căn cước công dân từ điện thoại di động có cài đặt ứng dụng VNeID tại cơ sở y tế giúp người dân được giải quyết thủ tục nhanh chóng, chính xác
Học sinh hứng thú, nhà trường dễ quản
Tại Trường THCS Trần Phú (quận Thuận Hóa), một tiết học tiếng Anh của cô và trò lớp 7/6 trở nên sinh động và cuốn hút hơn nhờ việc ứng dụng công nghệ vào giảng dạy. Trên màn hình tivi lớn là những bài giảng được minh họa bằng hình ảnh, video và trò chơi tương tác. Học sinh Nguyễn Minh Anh cho biết: "Học qua hình ảnh, video trực quan giúp em dễ hiểu, ghi nhớ từ vựng, ngữ pháp nhanh hơn. Chúng em cũng tự tin hơn khi được vừa học vừa chơi mà rất hiệu quả".
Không riêng Trường THCS Trần Phú mà hầu hết các trường học trên địa bàn đã ứng dụng công nghệ, phần mềm như PowerPoint, Canva, phần mềm học trực tuyến google meet, zoom và các công cụ kiểm tra đánh giá tự động vào giảng dạy. Giáo viên các môn như: ngữ văn, lịch sử, địa lý… đã đưa hình ảnh trực quan, video sát với chủ đề bài giảng, sáng tạo trò chơi bằng những câu hỏi trắc nghiệm, sơ đồ tư duy số giúp học sinh hào hứng tiếp thu kiến thức nhanh hơn, nhớ bài lâu hơn.
Thầy Trần Hữu Thắng, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú cho biết, khoảng từ năm 2020, nhà trường đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tận dụng các nền tảng số vào giảng dạy, quản lý, qua đó đã tạo thuận lợi và nâng cao chất lượng dạy và học. Học sinh không chỉ tiếp thu kiến thức tốt hơn mà còn phát triển năng lực sáng tạo, làm video clip tham gia một số cuộc thi.
Ở cấp quản lý, ngành giáo dục thành phố đã số hóa dữ liệu quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu học sinh, giáo viên liên thông từ mầm non đến THPT. Qua đó, đã cung cấp nhiều tiện ích cho từ giáo viên, cán bộ quản lý đến học sinh, phụ huynh. Đây là những nền tảng tiến tới thực hiện dịch vụ công ngành giáo dục như đăng ký học, chuyển trường, chuyển cấp..., giúp học sinh, phụ huynh khỏi mất thời gian đi lại. Đến nay, hơn 590 trường học, với hơn 273.000 học sinh và 22.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên đã được định danh số, mở ra mô hình giáo dục linh hoạt, tương tác, phục vụ công dân số trong tương lai.
Một điểm sáng nữa là ứng dụng Hue-S giúp kết nối chặt chẽ giữa nhà trường - giáo viên - phụ huynh. Từ thông báo, điểm số, đơn xin nghỉ học... của học sinh đều được xử lý nhanh gọn trên nền tảng số.
Là người luôn theo sát tiến trình chuyển đổi số trên địa bàn, ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho rằng, ngành giáo dục được đánh giá là một trong những ngành ứng dụng công nghệ số, thực hành chuyển đổi số mang nhiều dấu ấn đột phá nhất. Huế còn được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn là một trong 5 địa phương thí điểm đi đầu trong chuyển đổi số của toàn ngành giáo dục.
Đến nay, ngành giáo dục đã chuyển các hoạt động kết nối 100% phụ huynh, học sinh, giáo viên và nhà trường lên không gian số thông qua Hue-S, góp phần thay đổi và tăng tương tác giữa các bên. "Rõ ràng, chuyển đổi số trong ngành giáo dục đã có những dấu ấn tích cực, đóng góp không chỉ vào phát triển chính quyền số mà còn thúc đẩy kinh tế số và xã hội số phát triển", ông Nguyễn Xuân Sơn đánh giá.

Ứng dụng công nghệ số vào bài giảng giúp học sinh dễ hiểu, tiếp thu nhanh và tăng tương tác
Ích bác sĩ, lợi bệnh nhân
Đến Bệnh viện Mắt Huế để thăm khám, chỉ sau động tác xuất trình số thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VNeID (định danh quốc gia) trên điện thoại thông minh, chưa đầy 3 phút sau, chị N.T.T. đã được nhân viên y tế cập nhật các thông tin, chuyển đến khoa điều trị mà không cần phải điền, khai giấy tay như trước.
Bà Nguyễn Thị Như Ý, Trưởng phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ - Điều dưỡng Bệnh viện Mắt Huế cho biết, từ cuối năm 2023, đơn vị triển khai đồng bộ tiếp đón bệnh nhân qua CCCD hoặc VNeID đã cập nhật mã số bảo hiểm y tế; thanh toán không dùng tiền mặt; khai báo lưu trú trên phần mềm ASM và gửi dữ liệu khám, chữa bệnh của người bệnh bảo hiểm y tế liên thông vào hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử (HSSKĐT) nhằm hoàn thiện dữ liệu, tích hợp sổ sức khỏe điện tử trên VNeID.
Nhờ ứng dụng các nền tảng công nghệ tiện ích đã giúp nhiều cơ sở khám, chữa bệnh tiếp đón, giải quyết thủ tục cho người dân nhanh chóng, thuận tiện. Việc đa dạng các hình thức thanh toán viện phí còn tạo thuận lợi cho nhân viên y tế và người bệnh. Các bệnh viện còn tiến hành số hóa toàn bộ chỉ định và kết quả xét nghiệm, trả được kết quả trên hệ thống phần mềm; quản lý tốt kho dược, vật tư, hóa chất bằng các phần mềm công nghệ số.
Nhờ áp dụng các phần mềm quản lý và hồ sơ sức khỏe điện tử (HSSKĐT), các bệnh viện ở Huế đã số hóa hầu hết quy trình từ tiếp nhận, điều trị đến thanh toán, giúp người bệnh tiết kiệm thời gian và giảm phiền hà.
Theo đại diện Sở Y tế, ngành đang tập trung chuyển đổi số ở 3 lĩnh vực trọng tâm: Khám, chữa bệnh thông minh; chăm sóc sức khỏe thông minh và quản trị bệnh viện thông minh. Đồng thời, toàn ngành cũng đang hướng đến 2 nhóm hoạt động mục tiêu: Nhóm chuyển đổi số để giảm phiền hà và than phiền của người dân và nhóm xây dựng y tế thông minh để tạo thêm tiện ích và tăng sự hài lòng của người dân.
Hiện nay, các bệnh viện trên địa bàn đang thực hiện kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu y tế liên quan với sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID. Thông qua hệ thống HSSKĐT và VNeID, người bệnh, bác sĩ và thân nhân có thể dễ dàng tra cứu quá trình khám, chữa bệnh, kê đơn, chăm sóc sức khỏe để có hướng điều trị kịp thời, hiệu quả. Các dữ liệu này cũng giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn, quản lý hồ sơ bệnh án một cách khoa học và bảo mật.
Một trong những thành tựu về số hóa trong chăm sóc sức khỏe toàn dân của ngành y tế đó là triển khai khám bệnh từ xa qua phần mềm "Bác sĩ cho mọi nhà". Hiện đã có 743 cán bộ y tế được cấp tài khoản, hơn 185.900 tài khoản người dân được tạo và gần 6.000 người đã sử dụng dịch vụ. Đây là mô hình có tiềm năng lớn trong việc tiếp cận chăm sóc sức khỏe người dân nhanh và tốt hơn, nhất là tại vùng sâu, vùng xa.

Các dịch vụ công và dịch vụ tiện ích đem lại sự tiện lợi, an toàn cho người dân
Xây dựng nền công sở minh bạch, gần dân
Chuyển đổi số tiếp tục là một nội dung được đặc biệt quan tâm và thảo luận sâu rộng tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đang diễn ra. Ở Huế, chuyển đổi số đang hiện diện, len lỏi trong nhiều ngành, lĩnh vực và trong cuộc sống hằng ngày, làm thay đổi diện mạo các công sở, mở đường cho việc xây dựng chính quyền số và đô thị thông minh. Không còn là khẩu hiệu, quá trình số hóa hoạt động hành chính đã và đang tạo ra những thay đổi thiết thực trong mối quan hệ giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp.
Ông Giáp Văn Hòa, đại diện một doanh nghiệp vận tải trên địa bàn thành phố cho biết, trước đây, mỗi lần đi xin giấy phép kinh doanh hay nộp hồ sơ thuế, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần, mất rất nhiều thời gian, công sức. Giờ có dịch vụ công trực tuyến và nền tảng Hue-S, ông có thể nộp hồ sơ, tra cứu kết quả và nhận phản hồi ở bất cứ đâu qua ứng dụng được cài trên di động. Mọi thứ được giải quyết minh bạch, nhanh chóng và tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
Chị Nguyễn Thị Phương (Phường Đúc, quận Thuận Hóa) cũng không còn ngần ngại mỗi khi cần làm thủ tục giấy tờ hành chính. "Giờ mọi thứ được cập nhật trên ứng dụng VNeID nên ở bất cứ đâu, tôi vẫn có thể thực hiện một số thủ tục hành chính như "thông báo lưu trú", "đăng ký xe lần đầu", kiến nghị phản ánh hiện trường... mà chỉ cần vài thao tác nhanh gọn", chị Phương chia sẻ.
Các nền tảng số như Hue-S, VNeID, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, dữ liệu mở, bản đồ số, nền tảng học trực tuyến, báo cáo số, trợ lý ảo... không chỉ là những công cụ kỹ thuật, mà đã trở thành "hạ tầng mềm" giúp người dân, doanh nghiệp tương tác thuận tiện với chính quyền, giúp các cơ quan quản lý vận hành hiệu quả hơn, minh bạch hơn.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở KH&CN cho biết, đến nay, 100% sở, ban, ngành của thành phố đã triển khai nền tảng số hóa trong xử lý công việc, từ văn bản, lịch công tác, báo cáo cho đến tiếp nhận và trả lời phản ánh hiện trường. Đặc biệt, thành phố đang chuẩn bị chuyển toàn bộ hoạt động quản lý hành chính nhà nước lên không gian số từ tháng 7/2025.
"Với sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và nỗ lực kiến tạo, hình thành chính quyền số minh bạch, hiệu quả, nơi mà người dân và cộng đồng doanh nghiệp là đối tượng được phục vụ, là trung tâm, thì Huế hội đủ điều kiện để tham gia vào kỷ nguyên số, tự tin bắt kịp thời đại mới", ông Sơn nói.