Tiền Giang: Xuất khẩu tiếp tục đà tăng trưởng

Nhìn tổng thể, kim ngạch xuất khẩu thời gian gần đây của tỉnh Tiền Giang có tín hiệu tích cực khi tiếp tục đà tăng trưởng. Tuy nhiên, một số nhóm ngành hàng chủ lực đang có dấu hiệu chững lại.

Do tác động của nhiều yếu tố, nhóm ngành hàng thủy sản hay rau quả xuất khẩu có dấu hiệu chậm hơn thời điểm cùng kỳ năm trước. Một trong những nguyên nhân chính là tác động của thị trường bên ngoài. Chẳng hạn, rau quả, nhất là sầu riêng chịu tác động từ việc thị trường Trung Quốc tăng cường kiểm tra chất lượng hàng xuất khẩu; trong khi đó thủy sản chịu ảnh hưởng từ yếu tố địa chính trị các nước…

Tuy nhiên, khi phân tích sâu vào từng thị trường, từng nhóm ngành hàng, đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng cơ hội xuất khẩu tới đây vẫn có nhiều điểm sáng. Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tại Khu công nghiệp Mỹ Tho nhận định, năm 2024 và những tháng đầu năm 2025 vừa qua, mặc dù chịu tác động của nhiều yếu tố nhưng dự báo tình hình thế giới bắt đầu ổn định, thị trường ấm lên cùng với chính sách hỗ trợ của nhà nước. Chưa kể nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản hiện còn lớn, nhất là thị trường Trung Quốc. Điều này tạo nên niềm tin cho các doanh nghiệp.

Dư địa xuất khẩu thủy sản vẫn còn lớn.

Dư địa xuất khẩu thủy sản vẫn còn lớn.

“Công ty tiếp tục đầu tư mở rộng nhà máy sản phẩm đóng hộp, với giá trị đầu tư khoảng 500 tỷ đồng, để đón đầu tình hình phục hồi kinh tế thông qua việc chuẩn bị tung ra thị trường sản phẩm mới nhằm tăng doanh thu hoạt động. Với đà như hiện nay, công ty cũng tính toán đặt ra chỉ tiêu doanh thu khoảng 3.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu khoảng 100 triệu USD, tiếp tục tăng công suất khoảng 30% khi dự án mới đi vào hoạt động” - ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc GODACO cho biết.

Nhìn nhận ở một khía cạnh khác, kim ngạch xuất khẩu của Tiền Giang những tháng đầu năm 2025 vẫn tiếp tục đà tăng trưởng; trong đó có sự đóng góp tích cực từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đại diện Công ty Want Want Việt Nam cho biết, công ty đã đầu tư hoàn thành giai đoạn I tại Tiền Giang và đi vào sản xuất. Hiện nay, ngoài việc bán hàng và sản xuất OEM tại Việt Nam, sản phẩm của công ty cũng đang dần nhận được các đơn hàng xuất khẩu từ châu Âu và Hoa Kỳ nên năng suất hoạt động của nhà máy đang dần được tăng lên.

“Chúng tôi tin tưởng vào thị trường việt Nam và tiếp tục đầu tư khoảng 30 triệu USD bổ sung cho dây chuyền sản xuất đồ uống, bánh gạo, kẹo và sẽ đưa vào vận hành trong năm 2025. Ước tính giá trị sản lượng năm 2025 có thể đạt 40 triệu USD, tăng 60% so với năm 2024”- ông Thẩm Hồng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Want Want Việt Nam cho biết.

Trên bình diện tổng thể, giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý I-2025 của Tiền Giang đạt 1,4 tỷ USD, đạt 20% kế hoạch, tăng 1,5% so cùng kỳ; trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm hơn 88% trên tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Phân tích thêm về cơ cấu ngành hàng xuất khẩu đối với các mặt hàng chủ lực của tỉnh Tiền Giang, cho thấy: Thủy sản đạt 35.887 tấn và đạt 86,8 triệu USD, giảm 1% về lượng và giảm 1,4% về trị giá; hàng rau quả đạt 7.868 tấn và đạt 18,7 triệu USD, giảm hơn 26% về lượng và giảm hơn 22% về giá trị.

Tuy nhiên, nhóm hàng công nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu hàng hóa của tỉnh, như: Kim loại thường khác và sản phẩm (kể cả đồng) đạt khoảng 384 triệu USD, tăng 5,8%; sản phẩm từ chất dẻo đạt khoảng 207 triệu USD, tăng hơn 16%...

Tiền Giang đang đặt ra mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 7 tỷ USD trong năm 2025.

Tiền Giang đang đặt ra mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 7 tỷ USD trong năm 2025.

Tiền Giang đặt ra mục tiêu xuất khẩu năm 2025 đạt khoảng 7 tỷ USD, tăng 7,41% so năm 2024. Đây là mục tiêu không dễ đạt được. Vì thế, ngành Công thương tỉnh Tiền Giang đã và đang triển khai hiệu quả đồng bộ nhiều giải pháp. Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi cho biết, để đạt được mục tiêu đề ra, ngành Công thương sẽ thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, như: Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của tỉnh, như: kim loại thường (gồm ống đồng), sản phẩm từ sắt thép, giày dép các loại, may mặc, túi xách, thủy sản, gạo… Đồng thời, ngành Công thương tỉnh Tiền Giang sẽ hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu, đổi mới công nghệ, áp dụng quy trình sản xuất hiện đại để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông, thủy sản để tăng giá trị gia tăng.

Bên cạnh đó, ngành Công thương tỉnh Tiền Giang sẽ hỗ trợ mở rộng thị trường xuất khẩu và tận dụng FTA: Tiếp tục triển khai, phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và các FTA đã ký kết nói riêng, đặc biệt là cơ hội và thách thức từ các FTA để doanh nghiệp nắm rõ các quy định, rào cản thương mại, từ đó tận dụng tối đa các điều kiện thuận lợi về tiếp cận thị trường và lộ trình cắt giảm thuế quan của các đối tác để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường đã ký FTA…

TT

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202503/tien-giang-xuat-khau-tiep-tuc-da-tang-truong-1038358/
Zalo