Tiền Giang: Quyết liệt kiềm giảm tai nạn giao thông

Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có dấu hiệu gia tăng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, số vụ tai nạn giao thông đã tăng 3 tiêu chí, trong đó các tuyến quốc lộ chiếm 31% và tuyến giao thông nông thôn chiếm 11%. Đặc biệt, xe mô tô là phương tiện chủ yếu gây ra tai nạn giao thông trong thời gian qua.Theo thống kê và phân tích số liệu, có một số vấn đề khó khăn, bất cập đang tác động đến trật tự, an toàn giao thông dẫn đến việc gia tăng tai nạn giao thông trong thời gian gần đây. Vấn đề đầu tiên cần nhắc đến chính là yếu tố con người. Văn hóa giao thông, ý thức tự giác chấp hành pháp luật và kỹ năng xử lý tình huống của người tham gia giao thông hiện còn hạn chế.

Tiền Giang quyết liệt triển khai các giải pháp kiềm giảm tai nạn giao thông.

Tiền Giang quyết liệt triển khai các giải pháp kiềm giảm tai nạn giao thông.

Theo số liệu, nguyên nhân do ý thức tham gia giao thông kém chiếm trên 50% tổng số vụ tai nạn giao thông. Điều này cho thấy, người tham gia giao thông chưa thực sự thực hiện nghiêm quy định về việc “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”.

Tiền Giang hiện đang là địa bàn trung chuyển quan trọng, kết nối giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam bộ. Lưu lượng phương tiện qua địa bàn rất lớn, nhất là tại cầu Rạch Miễu và khu vực một số cầu hẹp trên tuyến Quốc lộ 1, thường xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ, khiến cho tai nạn giao thông tăng cao.

Trong 7 tháng đầu năm 2024, Quốc lộ 1 đã ghi nhận 34 vụ tai nạn giao thông, chiếm 18,5% tổng số vụ. Đặc biệt, địa bàn có tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận đi qua, đã xảy ra 13 vụ tai nạn giao thông (chiếm 7,1% tổng số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh).

Mặc dù hạ tầng giao thông đã được quan tâm nâng cấp, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu tăng lên và khả năng lưu thông của phương tiện. Thực tế, có 28 vụ tai nạn giao thông (chiếm 15,3%) liên quan đến việc điều khiển phương tiện đi sai làn đường hay phần đường, điều này cho thấy rằng hạn chế trong hạ tầng giao thông là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến tai nạn giao thông.

Cùng với đó, việc tổ chức giao thông cũng gặp nhiều bất cập, như Quốc lộ 1 có dải phân cách cứng chia các làn đường nhưng chưa phân tách rõ ràng giữa xe ô tô và xe mô tô, dẫn đến nhiều vụ va chạm.

Các quy định xử lý vi phạm an toàn giao thông đã được điều chỉnh và bổ sung, nhưng thực tế vẫn chưa thực sự hiệu quả. Số lượng phương tiện vi phạm bị tạm giữ tăng, nhưng nhiều trường hợp vẫn bỏ mặc, không thực hiện nghĩa vụ nộp phạt, nhưng chế tài bắt buộc người vi phạm phải thực hiện hoặc xử lý chưa đảm bảo đồng bộ, chặt chẽ, đây là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu quả công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Do đó, cần có một khung pháp lý chặt chẽ hơn để đảm bảo hiệu quả xử lý vi phạm.

Bên cạnh đó, công tác quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp và công tác phối hợp của các ngành có liên quan trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ giải pháp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông chưa đồng bộ, hiệu quả; còn thiếu sót, chưa phân định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành liên quan; chưa chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm để răn đe, phòng ngừa sai phạm, tiêu cực trong quản lý nhà nước về giao thông, vẫn còn phát hiện, xử lý cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nồng độ cồn.

Từ thực trạng trên, việc nâng cao ý thức giao thông, giáo dục về an toàn giao thông, đặc biệt trong khung giờ cao điểm và cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao là rất cần thiết. Đồng thời, việc điều tra các nguyên nhân tai nạn giao thông tiếp tục rất quan trọng để tìm ra những giải pháp cụ thể và hiệu quả hơn trong việc đảm bảo an toàn giao thông cho tất cả mọi người.

H.NAM - T.T

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/an-toan-giao-thong/202408/tien-giang-quyet-liet-kiem-giam-tai-nan-giao-thong-1018637/
Zalo