Tiền Giang: Nạo vét lòng sông Soài Rạp hàng nghìn khối bùn đất đi về đâu?

Công trình nạo vét duy tu, cải tạo vùng nước hoạt động bến thủy nội địa của Công ty cổ phần Sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam tại sông Soài Rạp thủy phận xã Kiểng Phước (huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) có dấu hiệu vi phạm quy định của UBND tỉnh Tiền Giang về ' đầu ra' một lượng bùn cát.

Mới đây, đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa (Sở GTVT Tiền Giang), UBND xã Tân Trung (TP. Gò Công) đã có buổi làm việc với công ty TNHH MTV Đại Tân (xã Phước Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An- đơn vị thi công) và ông Nguyễn Văn Diệu (người dân xã Tân Trung, TP. Gò Công) để làm rõ vấn đề tổ chức tập kết lượng bùn đất tại bãi dự trữ khi tổ chức nạo vét vùng nước hoạt động bến thủy nội địa của Công ty cổ phần Sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam tại sông Soài Rạp thủy phận xã Kiểng Phước (huyện Gò Công Đông).

Công ty Đại Tân tổ chức nạo vét lòng sông Soài Rạp có dấu hiệu thiếu trung thực về "đầu ra" nguồn bùn cát đã nạo vét

Công ty Đại Tân tổ chức nạo vét lòng sông Soài Rạp có dấu hiệu thiếu trung thực về "đầu ra" nguồn bùn cát đã nạo vét

Theo đó, từ ngày 9-31/12/2024, công ty Đại Tân khi thực hiện công trình này có đăng ký và được cấp phép sử dụng 40 lượt phương tiện vận chuyển hơn 13.000 tấn vật chất (bùn đất) từ hiện trường đến bãi chứa tạm trên phần đất của ông Nguyễn Văn Diệu. Tuy nhiên trong quá trình thi công, doanh nghiệp này cho biết, chỉ sử dụng 2 lượt sà lan chở bùn đất về địa điểm trên. Qua kiểm tra thực tế của UBND xã Tân Trung cho thấy, Công ty Đại Tân có chuyển bùn đất về bãi chứa tạm nhưng không đúng, đủ theo công văn cấp phép và không xác định được khối lượng bùn đất mà doanh nghiệp này khai báo.

Như vậy hàng nghìn khối bùn đất từ công tác nạo vét duy tu, cải tạo vùng nước hoạt động bến thủy nội địa của Công ty cổ phần Sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam tại sông Soài Rạp chưa rõ đưa về đâu cần được các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang xác minh làm rõ. Bởi theo văn bản số 5313 của UBND tỉnh Tiền Giang ngày 23/8/2024;

Dự án nạo vét này phải bảo đảm an toàn giao thông, phải có giấy phép bến thủy nội địa; phải có giấy phép bến thủy nơi đổ chất nạo vét và được sự theo dõi, giám sát của các cơ quan chức năng. Việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng chất nạo vét phải đúng quy định của pháp luật và phải báo cáo Sở Tài Nguyên- MT, Sở Giao thông vận tải và UBND Thành phố Gò Công.

Bãi chứa bùn đất tạm trống vắng, lượng bùn đất đơn vị nạo vét chưa rõ đưa đến nơi đâu

Bãi chứa bùn đất tạm trống vắng, lượng bùn đất đơn vị nạo vét chưa rõ đưa đến nơi đâu

Như VOV thông tin: Vào tháng 8 năm 2024, UBND tỉnh Tiền Giang đã chấp thuận cho Công ty cổ phần Sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam tổ chức nạo vét duy tu, cải tạo vùng nước hoạt động bến thủy nội địa của doanh nghiệp này tại sông Soài Rạp thủy phận xã Kiểng Phước (huyện Gò Công Đông) nhằm phục vụ việc đưa phương tiện thủy vào thuận lợi để bốc xếp hàng hóa.

Theo đó, khối lượng chất nạo vét (bùn đất) doanh nghiệp đăng ký nạo vét khoảng 10.836 mét khối. Để thực hiện công trình này, doanh nghiệp xin nạo vét lòng sông và đơn vị thi công phải đáp ứng các điều kiện đúng quy định, nhất là phải có nơi tập kết chất nạo vét theo văn bản số 5313 của UBND tỉnh Tiền Giang ngày 23/8/2024.

Trước đó, dù phía công ty cổ phần Sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam (đơn vị xin nạo vét) và Công ty TNHH MTV Đại Tân (xã Phước Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An- đơn vị thi công) chưa có đủ các điều kiện theo quy định nhưng vẫn tự ý tổ chức nạo vét lòng sông Soài Rạp.

Lượng bùn đất lấy từ sông Soài Rạp, đơn vị thi công chở đến địa bàn khác mà không phải đưa về nơi dự trữ theo quy định. Các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang phải buộc doanh nghiệp Đại Tân dừng thi công để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ mới được nạo vét.

Nhật Trường/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tien-giang-nao-vet-long-song-soai-rap-hang-nghin-khoi-bun-dat-di-ve-dau-post1148833.vov
Zalo