Tiền Giang: Mặn đã xâm nhập tới TP. Mỹ Tho

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam, vào sáng ngày 28-12, mặn xâm nhập đến khu vực vườn hoa Lạc Hồng (TP. Mỹ Tho) với độ mặn đo được là 0,64g/l.

Nhiều diện tích lúa đông xuân tại các huyện phía Đông xuống giống sau ngày 20-12.

Nhiều diện tích lúa đông xuân tại các huyện phía Đông xuống giống sau ngày 20-12.

Cũng theo đồng chí Trần Hoàng Nhật Nam, trước đó, vào ngày 13-12-2024, mặn đã xuất hiện tại khu vực cống Xuân Hòa với độ mặn 0,43g/l, cao hơn các năm 2015, 2022, 2023 là 0,43g/l. Như vậy, xâm nhập mặn mùa khô 2024 - 2025 sớm hơn mùa khô 2023 - 2024 gần 25 ngày. Tình hình diễn biến mặn rất phức tạp, do đó, cần có giải pháp chủ động ứng phó.

Với diễn biến này, lo ngại nhất là các diện tích lúa gieo sạ sau ngày 20-12 tại vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công. Theo đó, từ ngày 20 đến ngày 27-12, toàn vùng xuống giống gần 1.700 ha và còn khoảng 810 ha đã và đang thu hoạch. Khả năng bà con nông dân sẽ tiếp tục xuống giống vụ đông xuân.

Nếu trong tháng 2 và 3-2025, diễn biến mặn phức tạp, không thể lấy được nước ngọt để bổ cấp cho vùng Ngọt hóa Gò Công thì diện tích xuống xuống này sẽ có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Theo Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Tiền Giang Võ Văn Thông, từ cuối tháng 12-2024 đến tháng 2-2025, tổng lượng dòng chảy từ sông Mê Kông về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) biến đổi chậm với xu thế giảm dần, ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 10% - 20%.

Từ tháng 3 đến tháng 4-2024, tổng lượng dòng chảy từ sông Mê Kông về ĐBSCL thấp hơn TBNN từ 5% - 15%. Đỉnh lũ tại các trạm trên dòng chính sông Mê Kông năm nay đạt mức mức cao, nhưng đến thời điểm này tiêu thoát rất nhanh.

Cụ thể, tại trạm Kratie - Campuchia là 8,14 m, thấp hơn TBNN 0,15 m; đặc biệt, mực nước Biển Hồ tại trạm Kompong Luong (Campuchia) là 3,63 m, thấp hơn TBNN cùng kỳ khoảng 0,39 m.

Từ tình hình trên, trong tháng 12-2024, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang xảy ra 2 đợt xâm nhập mặn vào ngày 13-12 và từ ngày 26 đến 28-12. Mặn xâm nhập rất nhanh, đột biến và bất thường. Nguyên nhân là giai đoạn này, gió mùa Đông Bắc hoạt động liên tục dẫn đến xâm nhập mặn nhanh và bất thường.

Dự báo, tình hình xâm nhập mặn mùa khô 2024 - 2025 ở mức cao hơn TBNN, tương đương mùa khô 2023 - 2024. Tuy nhiên, có những lúc xâm nhập mặn cao hơn mùa khô 2023 - 2024. Dự báo, trong 1, 2 ngày tới đây, xâm nhập mặn sẽ giảm theo triều.

Sau đó, đến đợt triều cường tiếp theo vào khoảng cuối tháng 1-2025, xâm nhập mặn sẽ tăng trở lại. Thời điểm đó, mặn có khả năng duy trì ở mức cao tại khu vực cống Xuân Hòa (huyện Chợ Gạo); sau đó sẽ tăng tiếp.

Dự báo, trên sông Tiền, chiều sâu ranh mặn 1g/l sẽ đến khu vực vàm kinh Nguyễn Tấn Thành đến Kim Sơn (huyện Châu Thành), cách cửa sông 50 - 60 km. Chiều sâu ranh mặn 4g/l dự báo cách cửa sông từ 40 - 48 km.

Trên nhánh sông Hàm Luông, xâm nhập mặn bắt đầu sớm hơn TBNN, biên mặn 4g/1 lấn sâu đến 53 - 58 km (thuộc xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre); biên mặn 1g/1 lấn sâu vào nội đồng cách cửa sông 68 - 72 km (thuộc xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) vào tháng 3-2025. Tại trạm Hòa Nghĩa cách cửa sông 72 km, cách sông Tiền 2 km (về thượng nguồn), độ mặn cao nhất từ 0,5 - 1g/l.

Y. P

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202412/tien-giang-man-da-xam-nhap-toi-tp-my-tho-1030689/
Zalo