Tiền Giang: Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động xuất bản

Thực hiện Chỉ thị 42 ngày 25-8-2004 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản (gọi tắt là Chỉ thị 42), ngày 30-11-2004, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị triển khai, quán triệt Chỉ thị 42 đến cán bộ chủ chốt của tỉnh.

Sau hội nghị triển khai ở cấp tỉnh, cấp ủy huyện và tương đương, các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể, sát thực tế để triển khai, quán triệt, thực hiện và tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân.

NÂNG CAO NHẬN THỨC

Ngày 30-11-2004, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Thông tri 24 để lãnh đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị 42. Sau 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 42, ngày 20-12-2007, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X có Thông báo kết luận 122 về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản, tiếp tục khẳng định các nội dung vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài trong chỉ đạo công tác xuất bản.

Thực hiện Thông báo kết luận 122 của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng tiếp tục triển khai, quán triệt trong các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp và cán bộ, đảng viên trong tỉnh.

Bản tin Thông báo nội bộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Bản tin Thông báo nội bộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Đồng thời, ngày 22-3-2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Công văn 1065 về việc triển khai, thực hiện Kết luận 23 ngày 22-11-2017 của Ban Bí thư về tăng cường chỉ đạo, quản lý, phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác quản lý hoạt động xuất bản trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 292 ngày 21-3-2005 về việc thực hiện Thông tri 24 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Kế hoạch 143 ngày 21-7-2015 về triển khai Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 để chỉ đạo, điều hành thực hiện.

Ngoài ra, thực hiện Quyết định 284 ngày 24-2-2014, Quyết định 1862 ngày 4-11-2021 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Sách Việt Nam với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và được sự hưởng ứng tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân.

Trong thời gian qua, Tiền Giang đã cấp 2.472 giấy phép xuất bản, nhận đọc lưu chiểu 2.334 tài liệu không kinh doanh; cấp 9 giấy xác nhận đăng ký sử dụng máy photocopy màu, 17 giấy phép hoạt động in (đã thu hồi Giấy phép hoạt động in của 3 công ty do ngưng hoạt động, giải thể), 1 giấy phép tổ chức triển lãm, hội chợ xuất bản phẩm, 1 giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh; xác nhận 55 tờ khai đăng ký hoạt động cơ sở in, 2 cơ sở hoạt động phát hành xuất bản phẩm.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương xin phép xuất bản đều thành lập Ban Biên tập, người chịu trách nhiệm xuất bản theo quy định của pháp luật. Công tác quản lý, cấp phép xuất bản đảm bảo đúng trình tự quy định, chưa có trường hợp vi phạm pháp luật về xuất bản; thực hiện đúng các quy định và thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa đảm bảo thời gian trả kết quả; kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu đúng quy định của Luật Xuất bản.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 20 tờ tin lưu hành nội bộ của các sở, ngành, đoàn thể xuất bản bản tin, kỷ yếu, lịch sử cách mạng qua các thời kỳ và một số tờ tin của các cơ quan, ban, ngành xuất bản không định kỳ.

Về lĩnh vực xuất bản, các hoạt động xuất bản ở địa phương chủ yếu là xuất bản tài liệu không kinh doanh của các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp. Hoạt động xuất bản bám sát nhiệm vụ chính trị, phục vụ kịp thời, đầy đủ những sự kiện thời sự chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh, của đất nước; đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người đọc.

Các ấn phẩm lớn của tỉnh được xuất bản thông qua Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân, Công ty cổ phần In Tiền Giang như: Địa chí Tiền Giang tập 1, 2; Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tiền Giang tập 1, 2, 3; Chân dung Bà mẹ Việt Nam anh hùng tập 1, 2; Quá trình hình thành và phát triển vùng giải phóng 20/7…

Ngoài ra, các cấp ủy Đảng, các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh xuất bản 94 tài liệu nghiên cứu, lịch sử như: Kỷ yếu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Kỷ yếu Đảng bộ các huyện, thành, thị qua các thời kỳ; Lịch sử Kiểm tra Đảng của Đảng bộ tỉnh Tiền Giang (1930 - 2020); Lịch sử Tổ chức Xây dựng Đảng của Đảng bộ tỉnh Tiền Giang (1930 - 2020); Lịch sử Đảng bộ TP. Mỹ Tho giai đoạn 1927 - 2005, Đặc san TP. Mỹ Tho trên đường phát triển; Lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân các xã, phường, thị trấn từ năm 1930 - 2005… Một số trường học liên kết với các nhà xuất bản ngoài tỉnh xuất bản các tài liệu nghiên cứu, tài liệu phục vụ trong công tác giảng dạy.

Về lĩnh vực in xuất bản phẩm, tỉnh có 14 cơ sở được cấp giấy phép hoạt động in, 400 cơ sở in, photocopy tư nhân hoạt động với quy mô nhỏ. Các cơ sở in, photocopy chấp hành tốt quy định trong việc in xuất bản phẩm; đóng góp hiệu quả trong công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân trên các lĩnh vực đời sống xã hội.

Về lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm, trên địa bàn tỉnh có 100 cơ sở, cửa hàng kinh doanh xuất bản phẩm, trong đó, có 7 cơ sở lượng sách phát hành khá lớn. Ngoài ra, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang được cấp giấy xác nhận đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm theo quy định; các cơ sở còn lại đa số hoạt động với quy mô nhỏ (cửa hàng, điểm kinh doanh sách - văn hóa phẩm tư nhân, hộ kinh doanh gia đình).

Các cơ sở phát hành thực hiện tốt các quy định về phát hành xuất bản phẩm, phát hành nhiều ấn phẩm có giá trị cao về khoa học, công nghệ, văn hóa, nghệ thuật…, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người đọc, góp phần thúc đẩy văn hóa đọc phát triển.

TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, NÂNG CHẤT

Những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác xuất bản được các cấp, các ngành quan tâm. Cụ thể là đã cử 38 lượt cán bộ tham dự các lớp tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin trong xuất bản; phòng, chống in lậu, xuất bản tài liệu không kinh doanh; bồi dưỡng kiến thức pháp luật về xuất bản, in và phát hành; nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động in, công tác quản lý Internet công cộng...

Thông qua công tác bồi dưỡng, tập huấn hoạt động xuất bản ở các cơ quan, đơn vị, hoạt động xuất bản từng bước đi vào nền nếp, hạn chế sai sót, nâng cao hiệu quả thông tin.

Qua nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị 42, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, cơ quan chủ quản quản lý xuất bản đã nhận thức rõ hơn về vị trí, vai trò, nhiệm vụ, tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản.

Các ấn phẩm xuất bản của các tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể là tài liệu quan trọng, lập luận chặt chẽ, có sức thuyết phục cao giúp cho cấp ủy, chính quyền tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, phản bác những luận điệu xuyên tạc của các phần tử xấu lợi dụng xuất bản phẩm để tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước.

Đội liên ngành phòng, chống in lậu tỉnh đã tổ chức 367 cuộc thanh tra, kiểm tra; qua đó, đã phát hiện 13 vụ sai phạm, thiếu sót của các cơ sở hoạt động in, phát hành xuất bản phẩm; lập biên bản và xử phạt hành chính 63,5 triệu đồng, tịch thu 1.752 bloc lịch không tem, tạm giữ 10.837 bloc lịch dán tem giả và chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xử lý.

Ngoài ra, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Chi cục Dân số tỉnh kiểm tra các đơn vị phát hành tài liệu có liên quan đến chọn lựa giới tính thai nhi, đã tịch thu 11 quyển sách (các quyển sách đã có quyết định thu hồi của nhà xuất bản).

Công tác quản lý nhà nước về xuất bản được tăng cường và phát huy hiệu quả. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm được thực hiện thường xuyên; kịp thời phát hiện, khắc phục những sai sót trong xuất bản, góp phần ngăn chặn những ấn phẩm độc hại lưu hành trên thị trường.

Thời gian tới, những xu thế mới trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, sự phát triển vượt bậc của công nghệ lưu trữ, truyền dẫn âm thanh, hình ảnh và mô hình truyền thông đa phương tiện cho phép ra đời nhiều sản phẩm báo chí chất lượng cao, từ các bài thể loại dài, dung lượng lớn (longform) đến các bài phân tích chuyên sâu, từ các sản phẩm thực tế ảo đến những ứng dụng tin nhắn có hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI) để tương tác với độc giả.

Sự cạnh tranh mạnh mẽ của các loại hình báo chí, xuất bản truyền thống với các loại hình hiện đại, như mạng xã hội, sách điện tử (ebook), các ứng dụng sách điện tử trên điện thoại thông minh... dẫn đến báo in sụt giảm doanh thu, báo điện tử phải cạnh tranh với mạng xã hội, hoạt động xuất bản gặp nhiều khó khăn. Do đó, đòi hỏi xuất bản phải đổi mới, nâng cao chất lượng nhằm thích ứng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin - truyền thông.

Đồng thời, cần có chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ xuất bản đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Việc quan tâm đổi mới mô hình nhà xuất bản cùng với hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan nhằm bảo đảm đời sống, thu nhập cho lực lượng lao động trong lĩnh vực xuất bản là cần thiết, góp phần đổi mới, nâng cao hoạt động của xuất bản; khuyến khích cán bộ, người làm công tác xuất bản yên tâm công tác, không ngừng trau dồi, đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng lực tác nghiệp, phát huy được vai trò nòng cốt trong công tác tư tưởng.

TẤN QUÂN

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202407/tien-giang-doi-moi-nang-cao-chat-luong-hoat-dong-xuat-ban-1014926/
Zalo