Tiền Giang: Chuyển đổi để thích ứng với biến đổi khí hậu
Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, đặc biệt là tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn, tỉnh Tiền Giang đã triển khai Đề án Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng tại các huyện phía Đông (gọi tắt là Đề án). Sau gần 10 năm triển khai, Đề án đã mang lại những kết quả vượt mong đợi, tạo chuyển biến tích cực trên cả ba mặt: Kinh tế, xã hội và môi trường.
Tính đến năm 2024, tổng diện tích cắt vụ lúa thu đông đạt 10.664 ha, vượt 129,3% so với kế hoạch. Trong đó, có 9.981 ha đất để trống, 682 ha luân canh màu. Cùng với đó, diện tích đất lúa chuyển đổi sang cây trồng khác cũng đạt 7.468 ha, vượt kế hoạch 29,3%. Đặc biệt, huyện Tân Phú Đông đã chuyển đổi hoàn toàn, không còn sản xuất lúa - minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của Đề án.
Đề án đã mang lại hiệu quả kinh tế nổi bật. Theo thống kê, nông dân cắt vụ trồng rau ăn lá mang lại lợi nhuận lên đến 453,7 triệu đồng/ha/năm, gấp 7,3 lần so với trồng lúa. Cây bưởi da xanh đạt 274,7 triệu đồng/ha/năm (gấp 4,4 lần), mít đạt hơn 233 triệu đồng/ha/năm, thanh long ruột đỏ 215,4 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, Mô hình luân canh lúa - rau - rau cho lợi nhuận 174,2 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 2,8 lần lúa 3 vụ.
Bên cạnh lợi ích kinh tế, cắt vụ giúp bảo vệ mùa màng khỏi xâm nhập mặn. Từ năm 2018 đến nay, việc giảm 1 vụ lúa/năm đã giúp Tiền Giang tránh được thiệt hại ước tính khoảng 3.000 tỷ đồng. Đồng thời, tỉnh tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ phục hồi sau thiên tai, đồng thời giảm áp lực về tài nguyên nước tưới.

Việc thực hiện cắt vụ, chuyển đổi cây trồng giúp người dân các huyện phía Đông của tỉnh Tiền Giang nâng cao thu nhập nhiều lần so với trồng lúa.
Đề án cũng thúc đẩy phát triển sản xuất an toàn, công nghệ cao. Tính đến nay, có 49 cơ sở đạt chứng nhận GAP với diện tích 686 ha, sản lượng đạt hơn 25.000 tấn/năm. Các mô hình tưới tiết kiệm, sản xuất hữu cơ, ứng dụng công nghệ số, cơ giới hóa được nhân rộng khắp vùng dự án, đặc biệt trong trồng lúa, thanh long, bưởi, rau màu.
Từ góc độ xã hội, Đề án đã giúp hình thành các vùng chuyên canh tập trung, nâng cao kỹ thuật cho nông dân thông qua hơn 4.400 cuộc tập huấn, đào tạo gần 134.000 lượt người. Song song đó, 37 hợp tác xã nông nghiệp mới được thành lập, tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản hiệu quả.
Đồng chí Phạm Văn Trọng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đánh giá rất cao kết quả của Đề án do ngành Nông nghiệp đề xuất và tham mưu thực hiện, trong đó không thể thiếu vai trò của các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương cấp huyện, xã, sự ủng hộ của người dân trong vùng Đề án, sự tham gia tích cực của Mặt trân Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể liên quan trong vận động người dân tham gia Đề án. Đề án mang lại hiệu quả cao, cả về mặt kinh tế, xã hội, môi trường được phần lớn người dân đồng thuận, trong đó chuyển đổi trồng cây ăn trái hoặc rau màu trên đất lúa cho hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa từ 2,4 - 10,3 lần, canh tác luân canh lúa - màu với lợi nhuận trung bình 142 triệu đồng/ha, cao gấp 2,8 lần so với chuyên canh cây lúa.
Đề án cũng đã giúp tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho cư dân nông thôn, trình độ sản xuất của nông dân trong vùng Đề án được cải thiện. Hạ tầng kỹ phục vụ sản xuất được đầu tư, nâng cấp, phục vụ sản xuất; hoạt động cắt vụ và chuyển đổi sang cây trồng cạn đã giúp giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật,…
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tiền Giang, từ năm 2025 trở đi, tỉnh Tiền Giang xác định sẽ tiếp tục duy trì linh hoạt diện tích cắt vụ theo từng năm, trên cơ sở theo dõi sát tình hình hạn, mặn và điều kiện thủy lợi cụ thể. Các vùng đã hình thành sản xuất lúa 2 vụ tại huyện Gò Công Đông, TP. Gò Công sẽ tiếp tục giữ ổn định quy mô, đảm bảo an toàn sản xuất và bảo vệ tài nguyên nước. Đồng thời, các khu vực còn sản xuất 3 vụ vẫn được khuyến khích duy trì khi đảm bảo nguồn nước, song cũng được xem xét để điều chỉnh mùa vụ khi cần thiết.
Song song đó, việc chuyển đổi cây trồng sẽ không dừng lại mà tiếp tục mở rộng theo hướng có chọn lọc, bám sát nhu cầu thị trường và điều kiện thổ nhưỡng từng vùng. Những loại cây trồng đã mang lại hiệu quả kinh tế như rau màu, bưởi, mít, thanh long... sẽ được khuyến khích nhân rộng, hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn hơn. Tỉnh cũng đặt mục tiêu xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ để hỗ trợ cho sản xuất - từ hệ thống đê bao, cống đập, trạm bơm, đến điện, giao thông nội đồng và các nhà sơ chế, bảo quản sau thu hoạch.
Trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp đang chịu ảnh hưởng ngày càng rõ của thời tiết cực đoan, Tiền Giang sẽ đặc biệt chú trọng tới việc ứng dụng khoa học công nghệ, từ công nghệ tưới tự động, nhà màng, cho đến mô hình sản xuất hữu cơ, VietGAP và chuyển đổi số. Mục tiêu là vừa tăng giá trị nông sản, vừa bảo vệ môi trường và tài nguyên đất, nước.
Bên cạnh đó, Tiền Giang cũng sẽ đẩy mạnh các mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp; đồng thời, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường cho nông sản chuyển đổi. Các hợp tác xã sẽ được nâng cao năng lực quản trị, từng bước hình thành chuỗi giá trị bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ, giảm thiểu khâu trung gian, đảm bảo lợi ích cho người sản xuất.