Tiền Giang chủ động tích nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp

Hiện nay, bước vào mùa khô hạn, nước mặn bắt đầu gia tăng, do đó chính quyền, ngành chức năng và người dân tỉnh Tiền Giang bắt tay vào công tác phòng, chống thiên tai để bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, dự báo, xâm nhập mặn mùa khô năm 2024 - 2025 trên địa bàn tỉnh sẽ xấp xỉ với mùa khô 2023 - 2024, có những thời điểm sẽ cao hơn và còn phụ thuộc vào yếu tố của gió.

Mô hình trồng hoa kiểng Tết tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đầy đủ nguồn nước ngọt

Mô hình trồng hoa kiểng Tết tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đầy đủ nguồn nước ngọt

Trước tiên ngành nông nghiệp địa phương đang thực hiện các giải pháp để bảo vệ được diện tích hơn 20.000 ha lúa Đông Xuân ở các huyện phía Đông của tỉnh là Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông và thành phố Gò Công. Ngoài các giải pháp khai thông dòng chảy, làm thủy lợi nội đồng, kể từ ngày hôm nay (25/12) trở đi, công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Tiền Giang sẽ tiến hành vận hành công trình thủy lợi nhồi tích trữ nước trong vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công, nhằm đảm bảo đủ nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, hạn chế bơm chuyền nhiều cấp, thiếu nước vào cuối vụ và nguồn nước phục vụ cho nhu cầu dân sinh trong mùa khô này.

Nhà vườn trồng cây sầu riêng tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang chủ động ứng phó khi khô hạn kéo dài

Nhà vườn trồng cây sầu riêng tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang chủ động ứng phó khi khô hạn kéo dài

Trong quá trình vận hành tích trữ nước, mực nước trên các tuyến kinh trục chính sẽ dao động ở mức cao. Dự kiến, mực nước dao động ở mức +0,45 m đến + 0,55 m (tại khu vực TP. Gò Công và huyện Gò Công Đông). Trong thời gian này, các cống sẽ hạn chế xả nước, chỉ thực hiện xả nước khi độ mặn phía đồng tại cống lớn hơn 1g/l hoặc bị ô nhiễm. Riêng cống Bảo Định, Gò Cát (tại thành phố Mỹ Tho) vận hành theo hướng ngăn triều cường và trữ nước ngọt để tăng cường lượng nước cho vườn cây ăn trái, hoa màu, hoa kiểng ở thành phố Mỹ Tho, huyện Châu Thành và huyện Chợ Gạo.

Các hệ thống cống đập trên địa bàn Tiền Giang tăng cường mở cửa để tích trữ nước ngọt

Các hệ thống cống đập trên địa bàn Tiền Giang tăng cường mở cửa để tích trữ nước ngọt

Đặc biệt, đối với vùng trồng hàng nghìn ha cây sầu riêng ven sông Tiền ở huyện Châu Thành, Cai Lậy thì 7 cống ngăn mặn, trữ ngọt ven sông Tiền đã xây dựng hoàn thành đưa vào vận hành gồm: cống Cái Sơn, Mù U, Hai Tân, Cây Cồng (huyện Cai Lậy), cống Phú Phong, Rạch Gầm và cống âu kênh Nguyễn Tấn Thành (huyện Châu Thành) tăng cường mở cửa để lấy nước ngọt tối đa. Nhà vườn chủ động nạo vét mương vườn, theo dõi diễn biến mặn có phương án ứng phó.

Cống âu kênh Nguyễn Tấn Thành vừa đưa vào khai thác kịp thời ứng phó khi nước mặn xâm nhập sâu

Cống âu kênh Nguyễn Tấn Thành vừa đưa vào khai thác kịp thời ứng phó khi nước mặn xâm nhập sâu

Ông Ngô Tấn Lâm, chủ 1 ha vườn cây sầu riêng ở ấp Bình Thanh, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết: “Hạn mặn năm nay có thể không nhiều, nếu nước mặn đến đây thì mình cũng làm như các năm trước là mua nước ngọt bơm vào vườn cho ngập liếp. Quan trọng nhất là vườn phải được đê bao khép kín, nước mặn rút từ dưới lên sẽ thấm vào đất, cây sầu riêng càng lớn thì rễ càng dài, nước mặn hút lên cây sẽ chết”.

Chu Trinh/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tien-giang-chu-dong-tich-nuoc-ngot-phuc-vu-san-xuat-nong-nghiep-post1144389.vov
Zalo