Tiền Giang: Bước tiến quan trọng sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 38 của Ban Bí thư về Bảo hiểm y tế

Sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 38 ngày 7-9-2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về 'Đẩy mạnh công tác Bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới' (gọi tắt Chỉ thị 38), tỉnh Tiền Giang đã tạo bước tiến quan trọng trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức, đoàn thể và người dân về BHYT, quyền lợi của người tham gia BHYT. Qua đó, góp phần tăng tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh, vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.

ĐẨY MẠNH TUYÊN TRUYỀN

Thực hiện Chỉ thị 38, ngày 21-10-2009, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy đã ban hành Thông tri 28 để chỉ đạo các cấp ủy đảng đẩy mạnh thực hiện công tác BHYT trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, tiếp thu Nghị quyết 21 ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Bảo hiểm xã hội (BHXH), BHYT giai đoạn 2012 - 2020, ngày 3-4-2013, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động 38 để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị và ban hành Công văn 1832 ngày 27-12-2019 để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh.

Đoàn kiểm tra, khảo sát của Ban Tuyên giáo Trung ương khảo sát thực tế một số khoa, phòng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang.

Đoàn kiểm tra, khảo sát của Ban Tuyên giáo Trung ương khảo sát thực tế một số khoa, phòng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang.

Trên cơ sở đó, các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương các cấp tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, xác định tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHYT; các cấp ủy đảng và chính quyền các cấp đã quán triệt, phổ biến sâu rộng Chỉ thị 38 đến các chi bộ, đảng bộ cơ sở, các sở, ban, ngành, đoàn thể, công chức, viên chức, người lao động...

Bên cạnh đó, hằng năm, BHXH tỉnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tổ chức Hội thi an toàn, vệ sinh lao động, tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT đến các đơn vị sử dụng lao động. Phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các hội, đoàn thể, các tổ chức dịch vụ thu, UBND xã, phường, thị trấn tổ chức hội nghị thông tin, truyền thông, phổ biến chính sách pháp luật về BHYT, trung bình 1.200 cuộc/năm...

Đồng thời đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, cụ thể: BHXH tỉnh ký kết Chương trình phối hợp tuyên truyền chính sách BHYT với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, hằng tháng thực hiện đăng tin, bài trên tờ Thông tin nội bộ, Thông tin thời sự; phối hợp với Báo Ấp Bắc đăng báo in, báo điện tử định kỳ vào thứ tư hằng tuần; phối hợp Báo Pháp Luật Việt Nam định kỳ đăng 3 tin, bài/tháng; phối hợp Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh phát sóng các tin, bài, phóng sự, mở chuyên mục truyền hình “đưa chính sách BHXH, BHYT vào cuộc sống” phát định kỳ hằng tháng...

BTV Tỉnh ủy luôn quan tâm lãnh đạo công tác phát triển BHYT, đã phát huy được vai trò của 2 ngành là ngành Y tế và BHXH tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo các cấp ủy đưa việc phát triển người tham gia BHYT vào chỉ tiêu nghị quyết hằng năm, về phía Nhà nước thì UBND các cấp đưa vào chỉ tiêu thi đua hằng năm để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Ngoài ra, đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, MTTQ và các đoàn thể đóng vai trò nòng cốt trong công tác vận động nhân dân tham gia BHYT. Vừa qua, tại cuộc họp tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 38, trên cơ sở đánh giá những mặt đạt được và những mặt chưa đạt được, BTV Tỉnh ủy giao cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức một cuộc điều tra xã hội trên phạm vi toàn tỉnh về sự hài lòng của người dân đối với chất lượng KCB BHYT. Theo đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thực hiện 2 phương pháp điều tra trực tiếp bằng bảng hỏi với 2.500 bảng hỏi; đồng thời điều tra qua mạng Internet để nghe ý kiến nhân dân, qua đó rút ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn để tham mưu cho cấp ủy, lãnh đạo thời gian tới. Hiện đang trong giai đoạn thu hồi phiếu, tổng kết để làm báo cáo dự báo trong thời gian sắp tới”

ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ, TRƯỞNG BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY CHÂU THỊ MỸ PHƯƠNG

Ngoài ra, còn thực hiện các hình thức truyền thông khác như: Truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở; truyền thông qua các sản phẩm truyền thông như: tờ gấp, inforgraphic, phóng sự truyền hình…; truyền thông cao điểm nhân các ngày lễ, kỷ niệm của đất nước, của tỉnh, đặc biệt là ngày Thành lập Ngành BHXH Việt Nam (16-2), ngày BHYT Việt Nam (1-7); thực hiện truyền thông qua Cổng thông tin điện tử BHXH tỉnh (trung bình có trên 350 tin, bài được đăng trên cổng, hiện có 2,67 triệu lượt người truy cập); từ năm 2022, đẩy mạnh truyền thông qua các trang mạng xã hội Zalo, Facebook của công chức, viên chức BHXH tỉnh.

Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ngành Y tế tỉnh nhà cũng đã không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB), phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu KCB của người dân, trong đó có bệnh nhân có thẻ BHYT. Qua đó, số người tham gia BHYT ngày càng tăng qua các năm.

Giám đốc BHXH tỉnh Tiền Giang Võ Khánh Bình cho biết: Nếu năm 2009 có 646.783 người tham gia BHYT, đạt 39% dân số thì đến năm 2018 có 1.470.696 người tham gia BHYT, đạt 83%, vượt 1,7% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao theo Quyết định 1167. Đến tháng 5-2024, có 1.690.855 người tham gia BHYT, đạt 94,4%, vượt 0,65% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 546. Qua 15 năm thực hiện Chỉ thị 38, nhiều chế độ, chính sách về BHYT đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng có lợi cho người tham gia, riêng Tiền Giang tính đến cuối năm 2023 có 2 nhóm người tham gia chiếm tỷ lệ cao là: Nhóm người được ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng (chiếm 45,03% bao phủ BHYT) và nhóm người tham gia BHYT hộ gia đình (chiếm 37,24% bao phủ BHYT)...

NỖ LỰC DUY TRÌ TỶ LỆ THAM GIA BHYT

Mới đây, trong buổi làm việc với tỉnh Tiền Giang của Đoàn kiểm tra, khảo sát của Ban Tuyên giáo Trung ương về kết quả thực hiện Chỉ thị 38, phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá cao những kết quả đạt được của tỉnh Tiền Giang trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị 38 trong 15 năm qua. Qua những số liệu cho thấy, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang, các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác BHYT tại Tiền Giang.

Tuy nhiên, theo phân tích của lãnh đạo tỉnh cho thấy, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác BHYT của Tiền Giang vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc phổ biến, quán triệt, tuyên truyền các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHYT chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao; sự phối hợp giữa ngành Y tế và BHXH tỉnh có lúc vẫn chưa thống nhất trong đảm bảo quyền lợi cho những người có thẻ BHYT; chất lượng KCB BHYT mặc dù đã có những chuyển biến rất rõ nét, nhưng vẫn cần được tiếp tục cải tiến để đáp ứng với sự hài lòng của người bệnh, đặc biệt là tại tuyến cơ sở; công tác giám định và thanh quyết toán chi phí KCB BHYT còn chậm; còn có tình trạng doanh nghiệp chậm đóng hoặc chiếm dụng, không trích đóng BHYT ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác BHYT trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị, Tiền Giang cần tập trung triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Một là, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Tiền Giang tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về BHYT, BHXH và an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; các cấp ủy, chính quyền cần tiếp tục đưa các chỉ tiêu về BHYT vào các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh và tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch về công tác BHYT và BHXH.

Hai là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, sự cần thiết và tầm quan trọng của BHYT trong nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe nhân dân và chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là những đối tượng thiếu tính bền vững, những đối tượng chính sách, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình, học sinh, sinh viên.

Ba là, tăng cường phối hợp giữa các địa phương, ban, ngành, đoàn thể trong công tác BHYT, phát huy vai trò tham mưu của Sở Y tế, BHXH tỉnh cho UBND tỉnh trong công tác quản lý nhà nước về BHYT, triển khai các giải pháp phát triển bao phủ BHYT, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tồn đọng trong công tác BHYT. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về BHYT, trốn đóng, để nợ đọng đóng BHYT và lạm dụng, trục lợi BHYT.
Bốn là, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại cơ sở KCB.

Năm là, nâng cao chất lượng KCB, trong đó có KCB BHYT, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc KCB và giám định BHYT, đổi mới tác phong, lề lối làm việc, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh và hưởng lợi từ BHYT.

Sáu là, tăng cường các giải pháp quản lý quỹ BHYT, thực hiện việc thu - chi cân đối kinh phí theo đúng quy định.

THU HOÀI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202407/tien-giang-buoc-tien-quan-trong-sau-15-nam-thuc-hien-chi-thi-38-cua-ban-bi-thu-ve-bao-hiem-y-te-1015937/
Zalo