Tiền đọng, dự án không thông

Tỉnh Bắc Giang đã và đang dành nguồn lực đầu tư nhiều dự án để phát triển KT-XH, trong đó một số dự án sử dụng đến đất rừng, phải thực hiện trồng rừng thay thế. Tuy vậy, việc này hiện gặp khó khăn, làm chậm tiến độ dự án.

3 năm gần đây, toàn tỉnh có hàng chục dự án được thực hiện liên quan đến đất rừng, phải chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện phương án trồng rừng thay thế. Theo Thông tư số 22/2023/TT-BNNPTNT, ngày 15/12/2023 của Bộ Nông nghiệp và PTNT sửa đổi bổ sung điều 2 Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT, ngày 30/12/2022 quy định, trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

Thực hiện quy định, các chủ đầu tư dự án liên quan đến đất rừng đã tuân thủ phương án được duyệt, nộp tiền về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh do không tự tổ chức trồng với diện tích gần 550 ha, tương ứng với số tiền phải nộp là gần 50 tỷ đồng. UBND tỉnh đã phân bổ nguồn tiền để thực hiện trồng, chăm sóc rừng, tập trung ở các huyện: Sơn Động, Lục Nam, Lục Ngạn, Yên Thế, bằng các giống cây chính như vối thuốc, thông, lim xanh... Diện tích rừng trồng thay thế đều sinh trưởng, phát triển tốt do kỹ thuật, chất lượng giống bảo đảm, góp phần tăng độ che phủ rừng.

Hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh Bắc Giang không còn diện tích để thực hiện trồng rừng thay thế nên các đơn vị tập trung hướng dẫn các hộ dân thực hiện chăm sóc những khu rừng đã trồng. Đồng thời hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng. Điều này cũng gây khó khăn cho đơn vị thực hiện dự án liên quan đến thu hồi đất rừng.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, đối với các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất rừng và chuyển mục đích sử dụng rừng, sau khi giải phóng mặt bằng phải thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế mới được giao đất, thi công dự án. Vì hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Giang không còn diện tích để trồng rừng thay thế, phải báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp cho các tỉnh khác làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ triển khai các công trình, dự án. Điển hình là trong thực hiện các dự án giao thông như: Đầu tư tuyến đường kết nối từ đường tỉnh 295 đến quốc lộ 37, huyện Lạng Giang; cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 291 trên địa bàn huyện Sơn Động. Vì chậm trồng rừng thay thế nên tiến độ giải ngân hai dự án trên không đạt kế hoạch đề ra.

Trồng rừng thay thế nhằm mục tiêu bảo vệ rừng và duy trì, tăng độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Khi các chủ đầu tư đều chấp hành nộp tiền để trồng rừng thay thế theo quy định mà không bố trí được địa điểm, khu vực để trồng rừng, lại cản trở tiến độ thực hiện các dự án thì sẽ lãng phí nguồn lực. Để gỡ vướng về nội dung này, tiết kiệm thời gian, đẩy nhanh tiến độ dự án, có ý kiến đề xuất có thể chuyển một phần kinh phí phù hợp từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam để phân bổ trồng rừng thay thế ở các địa phương khác, bảo đảm đủ diện tích phải trồng do thu hồi đất. Như thế sẽ khắc phục được tình trạng tiền đọng mà dự án không thông.

Trường Sơn

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/tien-dong-du-an-khong-thong-074242-postid409094.bbg
Zalo