Tiến độ xử lý hàng nghìn hồ sơ thuế ách tắc tại Tp.HCM
Theo Cục Thuế Tp.HCM, số lượng hồ sơ cũ mới là hơn 15.000 bộ và cơ quan thuế đã xử lý được hơn 6.000 bộ, hơn 9.000 bộ còn lại đang tích cực giải quyết.
Liên quan đến việc "ách tắc" hồ sơ tính toán nghĩa vụ tài chính, thuế đất cho người dân trên địa bàn Tp.HCM trong thời gian qua, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thuế Tp.HCM cho biết, hiện các cơ quan thuế trên địa bàn Tp.HCM đang tích cực xử lý hồ sơ thuế cho người dân.
Theo ông Dũng, sau khi Tp.HCM có văn bản "gỡ vướng", thống nhất vẫn áp dụng phương án tính tiền sử dụng đất theo quy định cũ, thì trong 1 tuần vừa qua, hàng nghìn bộ hồ sơ đã được giải quyết sớm.
Tổng Cục thuế Tp.HCM thông tin, trên toàn địa bàn Thành phố (trước thời điểm ngày 21/9 có văn bản gỡ vướng về thuế), lượng hồ sơ tồn đọng cả cũ và mới là hơn 15.800 bộ hồ sơ. Cục Thuế Tp.HCM đã có chỉ đạo các chi Cục Thuế kiểm tra, xử lý, khẩn trương giải quyết hồ sơ cho người dân, làm việc luôn cả ngày nghỉ (thứ Bảy, Chủ nhật).
Ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết, ngày đầu tiên khi có văn bản từ Tp.HCM, các cơ quan thuế xử lý được hơn 1.800 hồ sơ, đến ngày 26/9 giải quyết được hơn 2.700 bộ hồ sơ. Ngoài ra, trong các ngày như 23/9 và 26/9, lượng hồ sơ mới phát sinh tăng hơn gần 1.000 bộ. Tính đến cuối ngày 26/9, lượng hồ sơ đất đai còn khoảng 9.150 hồ sơ.
Lãnh đạo Cục Thuế Tp.HCM cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đôn đốc các Chi cục thuế nỗ lực để giải quyết nhanh nhất các hồ sơ tồn đọng.
Cơ quan thuế sẽ tiếp nhận và xử lý hồ sơ theo đúng quy trình pháp luật.
Như Người Đưa Tin đã đưa, trước đó, UBND Tp.HCM đã có văn bản thống nhất phương án giải quyết các hồ sơ thuế nhà đất còn tồn đọng.
Cụ thể, UBND Tp.HCM cho biết, trong thời gian chưa ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 02/2020 quy định bảng giá đất theo khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai năm 2024, Tp.HCM chấp thuận việc sử dụng bảng giá đất được ban hành theo Luật Đất đai năm 2013 như đã thực hiện trước ngày 1/8, để giải quyết nghĩa vụ tài chính, thuế về đất đai trong giai đoạn từ ngày 1/8 cho đến khi ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 02.
Lãnh đạo Tp.HCM giao Cục Thuế Tp.HCM khẩn trương, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện giải quyết các hồ sơ đất đai tồn đọng phát sinh từ ngày 1/8 khi tính thu nghĩa vụ tài chính, thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản và các khoản thu từ đất.
Liên quan đến việc ban hành bảng giá đất điều chỉnh tại Tp.HCM, mới đây, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM vừa ký báo cáo với HĐND Tp.HCM về công tác sửa đổi, bổ sung Quyết định số 02/2020 ngày 16/1/2020 của UBND Tp.HCM quy định về bảng giá đất trên địa bàn.
Dự kiến UBND Tp.HCM ban hành bảng giá đất điều chỉnh trước ngày 15/10.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đưa ra thông tin về phương án xây dựng bảng giá đất mới. Cụ thể phương án 1: Giữ nguyên, không điều chỉnh Bảng giá đất theo Quyết định 02 để áp dụng. Theo lãnh đạo Sở TN&MT Tp.HCM, việc Tp.HCM lấy bảng giá cũ áp dụng thì không được vì bảng giá quá thấp.
Phương án 2: Điều chỉnh Bảng giá đất theo Quyết định 02 theo cách lấy giá đất quy định tại Quyết định 02 nhân với hệ số điều chỉnh giá đất theo Quyết định 56/2023/QĐ-UBND (ngày 21/12/2023). Tuy nhiên, phương án này cũng có hạn chế là kết quả vẫn khá thấp so với giá đất thực tế trên địa bàn thành phố.
Phương án 3: Đối với giá đất các tuyến đường dự kiến bố trí tái định cư sẽ điều chỉnh theo giá đất thực tế; đối với giá đất các tuyến đường theo Quyết định 02 thì nhân với hệ số điều chỉnh giá đất theo Quyết định 56/2023/QĐ-UBND. Tuy nhiên, Sở TN&MT Tp.HCM cho biết phương án này cũng có hạn chế sẽ xảy ra trường hợp 2 giá trong một tuyến đường sát nhau.
Phương án 4 là thực hiện điều chỉnh bảng giá đất theo quy định pháp luật. Thực hiện điều chỉnh theo phương pháp đấu thầu, thuê tư vấn thực hiện thu thập toàn bộ giá hiện nay giao dịch thành trên địa bàn Tp.HCM và giá bồi thường đã được phê duyệt trong vòng 24 tháng. Như vậy, toàn bộ dữ liệu đấu thầu được tư vấn cân đối, phân tích, tổng hợp rồi thực hiện các phương án so sánh, khấu trừ để ra được bảng giá hiện nay đang lấy ý kiến.