Tiến độ triển khai các trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc bắc-nam hiện ra sao?

Do khâu đền bù, giải phóng mặt bằng ở các trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc bắc-nam bị chậm, hàng loạt trạm dừng nghỉ đứng trước nguy cơ lỡ hẹn hoàn thành các hạng mục công trình dịch vụ thiết yếu nhằm phục vụ nhu cầu người dân lưu thông lại trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ sắp tới.

Nhà đầu tư tranh thủ thời gian triển khai các hạng mục thiết yếu như khu vệ sinh tại trạm dừng nghỉ tạm để kịp thời phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Nhà đầu tư tranh thủ thời gian triển khai các hạng mục thiết yếu như khu vệ sinh tại trạm dừng nghỉ tạm để kịp thời phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Theo báo cáo của Cục Đường cao tốc Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), trong số 8 trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc bắc-nam phía đông đã lựa chọn được nhà đầu tư, 2 trạm có mặt bằng đủ điều kiện thi công, 3 trạm có mặt bằng một phần và 3 trạm chưa có mặt bằng.

Tiến độ giải phóng mặt bằng chậm

Cụ thể, 2 trạm đã có mặt bằng đủ điều kiện thi công là trạm dừng nghỉ Mai Sơn-quốc lộ 45, hiện tại đã bàn giao mặt bằng 100% (thực hiện đền bù, bồi thường trước ngày 1/8/2024, khi Luật Đất đai có hiệu lực thi hành), đủ điều kiện về mặt bằng thi công và trạm dừng nghỉ Vĩnh Hảo-Phan Thiết (Km205+092), Ban Quản lý dự án 7 và nhà đầu tư đã chủ động trong công tác giải phóng mặt bằng.

Ba trạm dừng nghỉ đã giải phóng mặt bằng một phần gồm: Diễn Châu-Bãi Vọt giải phóng mặt bằng đạt 4,65/9,1ha (51,1%), Nghi Sơn-Diễn Châu 5,6/8,4ha (66,67%), dù đã bàn giao mặt bằng một phần nhưng vẫn chưa đủ điều kiện thi công do những hạng mục chủ yếu như đường ra vào trạm, nhà vệ sinh thuộc phần mặt bằng chưa được bàn giao.

Trạm Phan Thiết-Dầu Giây giải phóng mặt bằng 6,39/11,9ha (đạt 53,7%), điều kiện thuận lợi hơn khi phần mặt bằng bàn giao có thể triển khai xây dựng hạng mục nhà vệ sinh.

Còn lại 3 trạm chưa có mặt bằng gồm Nha Trang-Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa đang chỉ đạo các đơn vị tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn lập đơn giá đền bù bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo Luật Đất đai 2024 làm cơ sở áp giá, dự kiến đầu năm 2025 mới có kết quả); Cam Lâm-Vĩnh Hảo vẫn đang chờ tỉnh ban hành quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo Luật Đất đai 2024; Vĩnh Hảo-Phan Thiết (Km144+560) chưa bàn giao mặt bằng do có tranh chấp, chồng lấn ranh giữa người dân và tổ chức trên phạm vi giải phóng mặt bằng của dự án, có nguy cơ khiếu kiện kéo dài.

Huy động phương tiện san lấp mặt bằng trạm dừng nghỉ tạm.

Huy động phương tiện san lấp mặt bằng trạm dừng nghỉ tạm.

Với những trạm dừng nghỉ này, các chủ đầu tư Ban Quản lý dự án 7, 85, đường Hồ Chí Minh và nhà đầu tư PPP đang tiếp tục làm việc với địa phương để tìm giải pháp tháo gỡ trong bồi thường giải phóng mặt bằng.

Hiện tại, các trạm còn vướng nhiều thủ tục về pháp lý, có trạm có nguy cơ khiếu kiện kéo dài, không có chuyển biến. Qua quá trình làm việc tại hiện trường, Phó Cục trưởng Đường cao tốc Việt Nam Nguyễn Quang Giang đánh giá, tiến độ thực hiện trạm dừng nghỉ dọc tuyến bị chậm chủ yếu do công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng của địa phương triển khai rất chậm, gặp nhiều vướng mắc với nhiều nguyên nhân khác nhau.

Cụ thể, các tỉnh chậm trong việc ban hành quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành kể từ 1/8/2024; chậm ban hành các bảng giá đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng do chưa thống nhất được phương án bồi thường với người dân, doanh nghiệp; nhiều vị trí mặt bằng bị tranh chấp pháp lý, địa phương đang tìm cách tháo gỡ giải quyết,… nên các nhà đầu tư chỉ triển khai được các công tác nội nghiệp như thiết kế, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, chuẩn bị thủ tục lựa chọn nhà thầu,...

Mặc dù Bộ Giao thông vận tải đã có nhiều văn bản, công điện đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo đơn vị liên quan nỗ lực, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao sớm phần diện tích đủ điều kiện thi công đối với 8 trạm dừng nghỉ đã lựa chọn được nhà đầu tư, tuy nhiên, mới chỉ có 2/8 trạm được bàn giao mặt bằng trong tháng 10/2024, đủ điều kiện thi công.

“Do công tác giải phóng mặt bằng chậm nên việc đưa một số công trình dịch vụ công vào phục vụ người tham gia giao thông trước và trong dịp Tết Nguyên đán (25/1/2025) khó có thể đáp ứng.

Trong 8 trạm dừng nghỉ trên, việc phấn đấu đưa một số công trình dịch vụ công vào phục vụ người tham gia giao thông dịp Tết Nguyên đán, chỉ có trạm Vĩnh Hảo-Phan Thiết (Km205+092) và Phan Thiết-Dầu Giây (Km47+500) là khả thi, trạm Mai Sơn-Quốc lộ 45 do mới được bàn giao mặt bằng hồi tháng 10/2024 và các trạm chưa có mặt bằng còn lại, vẫn tiếp tục phải duy trì và bổ sung thêm trạm dừng nghỉ tạm” ông Giang thừa nhận.

Kiến nghị làm cây xăng "dã chiến" phục vụ nhân dân

Là nhà đầu tư 2 trạm dừng nghỉ có quy mô 5ha/trạm với tổng mức đầu tư 433 tỷ đồng trên cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết, đại diện Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ TTC Châu Thành cho biết, kinh phí giải phóng mặt bằng trạm dừng nghỉ lên tới 36 tỷ đồng.

Trong khi chờ kết quả lập phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng của địa phương, TTC Châu Thành đã ứng trước gần 12 tỷ đồng để chi trả cho các hộ dân nhằm có mặt bằng nhanh nhất để thi công trạm dừng nghỉ.

Nhà đầu tư TTC Châu Thành phấn đấu hoàn thành hạng mục công trình nhà vệ sinh trước Tết Nguyên đán để phục vụ người dân.

Nhà đầu tư TTC Châu Thành phấn đấu hoàn thành hạng mục công trình nhà vệ sinh trước Tết Nguyên đán để phục vụ người dân.

Tại trạm dừng nghỉ này, nhà đầu tư phấn đấu hoàn thành hạng mục công trình nhà vệ sinh trước Tết Nguyên đán để phục vụ người dân. Riêng trạm xăng (đang chờ thiết kế cơ sở và phê duyệt), dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng xe sẽ không kịp làm hoàn thành vào dịp Tết này.

“Nhà đầu tư đã kiến nghị các cơ quan chức năng cho phép làm cây xăng tạm để phục vụ nhu cầu các phương tiện lưu thông trên đường cao tốc nhưng phía Sở Công thương địa phương phản hồi xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, nên bắt buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định pháp luật cũng như quy chuẩn, quy định liên quan đến an toàn phòng chống cháy, nổ. Vì vậy, Sở Công thương và cơ quan công an không cấp phép nên không thể làm cây xăng tạm”, đại diện nhà đầu tư TTC Châu Thành chia sẻ.

Để phục vụ nhu cầu của chủ phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc bắc-nam trong khi chờ các trạm dừng nghỉ, theo ông Nguyễn Quang Giang, trước đó, các nhà đầu tư đã có đề xuất phương án làm các cây xăng tạm ở các trạm dừng nghỉ tạm.

“Do nhiều đoạn tuyến cao tốc bắc-nam dài cả trăm km, lại chưa kịp triển khai trạm dừng nghỉ, trong trường hợp ô-tô muốn đổ xăng dầu bắt buộc phải theo lối ra đấu nối với đường quốc lộ hoặc đường tỉnh địa phương, rất bất tiện và không thuận lợi cho người dân lưu thông trên các tuyến cao tốc bắc-nam”, ông Giang cho hay.

Chúng tôi cho rằng, trạm xăng dầu trên tuyến cao tốc là hạng mục thiết yếu, cần thiết triển khai đồng bộ với việc khai thác tuyến đường nhằm đáp ứng nhu cầu nhiên liệu của phương tiện lưu thông.

Trong tình huống thực tế hiện nay, khi trạm dừng nghỉ đạt tiêu chuẩn trên tuyến chưa kịp đưa vào hoạt động, phải duy trì trạm dừng nghỉ tạm để phục vụ nhu cầu của hành khách, rất cần cơ quan quản lý Nhà nước nghiên cứu xem xét, chấp thuận cho các đơn vị triển khai cây xăng “dã chiến” hoạt động song hành, với yêu cầu đáp ứng các quy định về an toàn phòng chống cháy nổ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện lưu thông trong dịp Tết Nguyên đán.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các trạm dừng nghỉ, Cục Đường cao tốc Việt Nam yêu cầu các Ban Quản lý dự án, nhà đầu tư/doanh nghiệp căn cứ điều kiện thực tế trên công trường xây dựng lại tiến độ chi tiết, tổng thể của dự án; khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, thực hiện các giải pháp thiết kế, thi công phù hợp để bảo đảm tiến độ dự án; tập trung nguồn lực, tăng cường thiết bị, nhân lực, vật tư, vật liệu nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu đạt mục tiêu hoàn thành cơ bản các công trình dịch vụ công thiết yếu trong thời gian sớm nhất.

Với 13 trạm dừng nghỉ gồm: Quốc lộ 45-Nghi Sơn, Hàm Nghi-Vũng Áng, Vũng Áng-Bùng, Bùng-Vạn Ninh, Vạn Ninh-Cam Lộ, Cam Lộ-La Sơn, Quảng Ngãi-Hoài Nhơn (trạm Km77+820 và trạm Km15+620), Hoài Nhơn-Quy Nhơn, Quy Nhơn-Chí Thạnh, Vân Phong-Nha Trang, Cần Thơ-Hậu Giang, Hậu Giang-Cà Mau, Cục Đường cao tốc Việt Nam cùng các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đang nỗ lực hết sức để rút ngắn tối đa thời gian trong công tác tổ chức lựa chọn nhà đầu tư (đánh giá hồ sơ dự thầu, thẩm định kết quả lựa chọn, đàm phán hợp đồng,...), dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 1/2025 trong trường hợp thuận lợi.

Để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc bắc-nam phía đông, Bộ Giao thông vận tải đề nghị các địa phương tập trung cao độ, tìm các giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao mặt bằng đủ điều kiện thi công trong tháng 12/2024 đối với 6 trạm dừng nghỉ đã lựa chọn nhà đầu tư và trong tháng 1/2025 đối với 13 trạm dừng nghỉ còn lại.

QUANG HƯNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tien-do-trien-khai-cac-tram-dung-nghi-tren-tuyen-cao-toc-bac-nam-hien-ra-sao-post851429.html
Zalo