Tiến độ dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô chưa đáp ứng yêu cầu
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội kiểm tra tình hình thi công dự án tại công trường thi công cầu vượt đường sắt tại xã Kim Hoa (huyện Mê Linh) vào hôm nay (13/6).
Mặt bằng vẫn cản tiến độ
Báo cáo đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Chí Cường - Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội, tiến độ triển khai dự án thành phần 2.1 đầu tư xây dựng hệ thống đường song hành (đường đô thị) đáp ứng yêu cầu.
Song, với phạm vi cần xử lý nền đất yếu, đơn vị thi công chưa được bàn giao mặt bằng, nên rất khó khăn trong việc đảm bảo hoàn thành công tác đắp gia tải của các đoạn xử lý đất yếu trước mùa mưa năm nay.
Về tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), ông Cường cho biết, phần đất nông nghiệp cơ bản đáp ứng tiến độ, trừ phạm vi phải xử lý nền đất yếu chưa GPMB.
"Chúng tôi đánh giá công tác GPMB với đất ở, tái định cư và di chuyển công trình ngầm nổi chưa đáp ứng theo tiến độ chỉ đạo. Trong đó, trên toàn tuyến, các quận, huyện đã GPMB được 774,26ha, đạt 97,86%, đã di chuyển được 10.104 ngôi mộ, còn lại 242 ngôi mộ.
Thành phố đã hoàn thành toàn bộ 13 khu tái định cư và một số địa phương đã phê duyệt giá đất đầu đi - đầu đến, thực hiện tái định cư cho các hộ dân", ông Cường cho hay.
Dù vậy, theo ông Cường đến nay các địa phương cũng chưa hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu để di chuyển công trình ngầm, nổi. Việc này dẫn đến không thể áp dụng được cơ chế đặc thù về chỉ định thầu của dự án theo Nghị quyết số 56 Quốc hội.
Về công tác di chuyển điện cao thế, đến nay, Ban Quản lý dự án chưa triển khai việc di chuyển các tuyến cáp điện, đấu nối đóng điện đáp ứng tiến độ.
Riêng với dự án thành phần 3 đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP), thành phố đang phối hợp với các bộ, ngành hoàn thành thủ tục để có thể đấu thầu, lựa chọn nhà thầu trong tháng 6.
Không để chậm tiến độ
Tại buổi kiểm tra dự án trọng điểm, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và nỗ lực GPMB, thi công đường vành đai 4 của các đơn vị, địa phương với khối lượng công việc rất lớn. Mặc dù vậy, ông Dũng đánh giá kết quả đến nay chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương đều phải tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ, đã quyết liệt rồi, phải quyết liệt hơn nữa.
Bí thư Hà Nội lưu ý các đơn vị, địa phương tiếp tục bám sát tinh thần bảo đảm nơi ở mới phải bằng và hơn nơi ở cũ cho người dân sau khi GPMB khu đất ở.
"Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Ban Tổ chức Thành ủy phải vào cuộc kiểm tra công tác GPMB với đất ở. Các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy theo dõi các quận, huyện nơi đường vành đai 4 đi qua phải bám sát địa bàn, thường xuyên kiểm tra, giám sát, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho dự án", Bí thư Thành ủy chỉ đạo.
Cùng đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các địa phương tập trung GPMB dứt điểm 242 ngôi mộ còn lại để bảo đảm tiến độ thi công đường song hành.
Đồng thời, các đơn vị tiếp tục giải quyết các vướng mắc về chế độ, xác định xong đầu đi, đầu đến đối với các trường hợp đất ở, tinh thần là bảo đảm thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân. Sở, ngành phải chủ động vào cuộc, tháo gỡ vướng mắc.
Ông Dũng cũng đề nghị các đơn vị tiếp tục đẩy nhanh các phần việc, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng tháo gỡ khó khăn GPMB các công trình ngầm, nổi, nhất là đường dây 500kV, phấn đấu xong trong quý III năm nay.
Đối với đường song hành, ông lưu ý tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công vì nguyên vật liệu cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu, bảo đảm hoàn thành đoạn Sóc Sơn - Mê Linh trong tháng 12 năm nay, và xong các đoạn còn lại như nhà thầu cam kết vào quý III/2025.
Với dự án thành phần 3 đường cao tốc, Bí thư Hà Nội đề nghị các cơ quan thành phố đẩy nhanh các thủ tục cần thiết để tách dự án thành phần 3 cây cầu (2 cầu qua sông Hồng, 1 cầu qua sông Đuống) ra, để khi đường song hành hoàn thành có thể kết nối lưu thông và sử dụng được ngay.
Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia, có tổng chiều dài 112,8km (gồm 58,2km qua địa phận Hà Nội, còn lại là 9,7km tuyến nối với cao tốc Hà Nội - Hạ Long và phần đi qua các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh). Sơ bộ tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng, tổng khối lượng giải phóng mặt bằng khoảng 1.386ha, trên tuyến xây dựng 3 cầu lớn vượt sông Hồng, sông Đuống và 8 nút giao khác.
Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên. Riêng tại Hà Nội, vành đai 4 đi qua 7 quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông.