Tiền cổ - dấu ấn thời đại xưa

Phú Yên, vùng đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa, không chỉ hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ của biển cả, núi non mà còn ẩn chứa những bí mật lịch sử được hé lộ qua những hiện vật quý giá, trong đó có tiền cổ.

Tiền cổ được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: THIÊN LÝ

Tiền cổ được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: THIÊN LÝ

Tiền cổ được tìm thấy trên đất Phú Yên, dù ít được công khai rộng rãi so với các di sản khác, nhưng lại chứa đựng những câu chuyện thú vị về quá trình giao thương, phát triển kinh tế và sự giao thoa văn hóa xuyên suốt chiều dài lịch sử của vùng đất này.

ẨN TRONG LÒNG ĐẤT

Đến thời điểm hiện nay, Phú Yên là một trong những địa phương phát hiện được một khối lượng tiền cổ kim loại nhiều nhất trong cả nước với hơn 1,4 tấn. Việc phát hiện tiền cổ diễn ra nhiều nhất vào những năm 2000-2004, rải rác ở các huyện.

Địa điểm phát hiện đầu tiên tại thôn Đông Phước, xã Hòa An, huyện Phú Hòa vào tháng 7/2000, với số lượng khoảng 250kg; kế đến là thôn Hà Giang, xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh vào tháng 3/2001, với 235kg. Tiếp theo là tại các xã Sơn Hà, Hòa Kiến, Hòa Định Đông, Hòa Phong, An Chấn... và cả trên đường Nguyễn Thái Học, ngay trung tâm TP Tuy Hòa.

Ông Nguyễn Hữu An, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Việc phát hiện tiền cổ tại các địa điểm trên thường diễn ra một cách tình cờ. Nhiều người dân trong quá trình làm ruộng, xây dựng nhà cửa hay khai quật các công trình cổ đã vô tình tìm thấy những đồng tiền cổ có niên đại khác nhau, từ tiền xu cho đến tiền giấy của các triều đại khác nhau được đựng trong những hũ sành, không trường hợp nào còn nguyên vẹn. Mặt khác, do nằm lâu ngày trong lòng đất nên phần lớn tiền cổ đã bị oxy hóa và kết dính thành khối, nhiều trường hợp không đọc được hiệu tiền.

Hiện trong số tiền cổ bảo tàng tiếp nhận được, thông qua xử lý và phân loại bước đầu, Bảo tàng tỉnh đã sưu tập được 161 hiệu tiền. Trong đó có 34 hiệu tiền của các triều đại phong kiến Việt Nam từ triều Lý đến triều Nguyễn; 68 hiệu tiền có xuất xứ từ Trung Quốc và 2 hiệu tiền của Triều Tiên là Hải Đông Thông Bảo và Triều Tiên Thông Bảo. Còn lại là các hiệu tiền không thể tra cứu và xác minh được xuất xứ, niên đại.

Học sinh chăm chú nghe thuyết minh về tiền cổ tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: THIÊN LÝ

Học sinh chăm chú nghe thuyết minh về tiền cổ tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: THIÊN LÝ

CHỨA ĐỰNG GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, VĂN HÓA ĐẶC TRƯNG

Tiền cổ trên đất Phú Yên đa dạng về chất liệu, hình thức. Tiền được đúc chủ yếu bằng hợp kim: đồng, kẽm, chì, thiếc..., trong đó đồng là nguyên liệu chính. Trên bề mặt mỗi đồng tiền có đúc nổi 4 chữ Hán, trong đó có 2 chữ là niên hiệu của vị hoàng đế thời kỳ đã đúc ra nó. Chữ biểu hiện trên mặt tiền phần lớn là dạng chữ chân, một số ít là chữ thảo, chữ triện. Cách đọc chữ trên mặt tiền đa phần là đọc dọc (theo thứ tự: trên, dưới, phải, trái), cũng có một số đọc dọc theo chiều kim đồng hồ (trên, phải, dưới, trái).

Bên cạnh đó còn có tiền giấy, phần lớn là tiền giấy của các triều đại phong kiến Việt Nam và cả tiền giấy từ các quốc gia khác.

Theo ông Nguyễn Hữu An, việc phát hiện một lượng lớn tiền cổ ở Phú Yên minh chứng cho sự giao lưu buôn bán sôi nổi của vùng đất này với bên ngoài. Hầu hết địa điểm phát hiện tiền cổ phân bố ở lưu vực sông Ba, con sông lớn nhất khu vực Nam Trung Bộ, là tuyến giao thông đặc biệt quan trọng nối thông với vùng Tây Nguyên. Điều này cho thấy đây là con đường giao thương nối liền vùng cao nguyên với vùng đồng bằng ven biển trong lịch sử.

Những nơi phát hiện được rất nhiều tiền cổ là những tụ điểm dân cư hình thành từ lâu đời gắn với hoạt động giao thương buôn bán dọc theo sông Ba. Trong đó, Đông Phước nằm gần cửa biển, có thể đã từng đóng vai trò là một thương cảng; còn Hà Giang nằm về phía thượng nguồn với vai trò như một vị trí trung chuyển hàng hóa quan trọng.

“Những đồng tiền cổ không chỉ là những vật phẩm mang giá trị vật chất, mà còn là những chứng tích lịch sử sống động, phản ánh quá trình hình thành và phát triển KT-XH của vùng đất này. Chúng là minh chứng cho sự giao lưu thương mại, sự ảnh hưởng của các nền văn hóa khác nhau và sự biến thiên của hệ thống tiền tệ qua các thời kỳ”, ông An nhấn mạnh.

Tham quan tiền cổ ở Bảo tàng tỉnh, chị Nguyễn Thị Cúc (phường 9, TP Tuy Hòa) bày tỏ: “Tôi rất ấn tượng với những hiện vật quý giá này. Thiết nghĩ, cùng với việc thu thập, bảo quản và trưng bày, Bảo tàng tỉnh cần tăng cường tuyên truyền để mọi người dân cùng chung tay bảo vệ di sản văn hóa đặc biệt này, góp phần làm giàu thêm kho tàng văn hóa của cả nước”.

“Tiền cổ nói chung và tiền cổ phát hiện ở Phú Yên nói riêng là di sản văn hóa chứa đựng nhiều ý nghĩa. Việc bảo tồn và nghiên cứu tiền cổ ở Phú Yên là vô cùng cần thiết, không chỉ phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, các hoạt động KT-XH của cả nước hay một vùng đất, mà còn góp phần giáo dục truyền thống, nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị lịch sử văn hóa của quê hương”, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nguyễn Hữu An nhấn mạnh.

Tiền cổ nói chung và tiền cổ phát hiện ở Phú Yên nói riêng là di sản văn hóa chứa đựng nhiều ý nghĩa. Việc bảo tồn và nghiên cứu tiền cổ ở Phú Yên là vô cùng cần thiết, không chỉ phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, các hoạt động KT-XH của cả nước hay một vùng đất, mà còn góp phần giáo dục truyền thống, nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị lịch sử văn hóa của quê hương.

Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nguyễn Hữu An

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/325193/tien-co-dau-an-thoi-dai-xua.html
Zalo