Tiền chảy vào đâu khi nhà băng vẫn khát vốn?

Xu hướng tăng lãi suất huy động của các ngân hàng vẫn đang tiếp diễn từ nửa cuối tháng 3 đến nay. Cùng lúc, một số ngân hàng bắt đầu phát hành quy mô lớn ở kênh chứng chỉ tiền gửi, kênh trái phiếu doanh nghiệp.

Ảnh minh họa.

Cấp tập huy động từ nhiều kênh

Tháng 5, các nhà băng lại tiếp tục tất bật tăng lãi suất. Ngày 16-5, ABBank tăng lãi suất huy động kỳ hạn tiền gửi 6 tháng đối với sản phẩm tiền gửi trực tuyến, với mức tăng 0,1%. Trước đó ABBank cũng vừa điều chỉnh tăng têm 0,3%/năm tại kỳ hạn 6 tháng tiền gửi trực tuyến.

Tương tự, lãi suất tiền gửi tại NH Xây dựng (CBBank) cũng đã có 2 lần đồng loạt tăng lãi suất huy động tất cả kỳ hạn trong nửa đầu tháng 5, kỳ hạn 6 tháng lên mức 5,15%/năm, kỳ hạn 12 tháng 5,3%/năm và kỳ hạn từ 13 tháng trở lên đến 5,55%/năm.

Thống kê từ đầu tháng 5, hầu hết các NH đều đồng loạt tăng lãi suất huy động. Trong tháng 4, có 2 NH trong nhóm Big 4 là BIDV và VietinBank cũng tham gia đường đua tăng lãi suất, lần lượt điều chỉnh tăng lãi suất huy động các kỳ hạn 1-9 tháng thêm 0,1-0,2%/năm.

Mới đây, PVcomBank trở thành một hiện tượng gây chú ý khi triển khai chứng chỉ tiền gửi dành cho cá nhân kỳ hạn 85 tháng, với mức lãi suất cố định 8%/năm với hạn mức 3.000 tỷ đồng. PVcomBank thực hiện trả lãi trước định kỳ hàng tháng cho khách hàng.

Theo báo cáo của FiinRatings, thị trường trái phiếu (TPDN) riêng lẻ trong tháng 4 ghi nhận giá trị phát hành lớn nhất từ đầu năm, với 13 đợt phát hành mới tổng giá trị đạt 13.900 tỷ đồng, tăng 29,1% so với tháng trước, và tương đương 5,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh nhóm ngành bất động sản, các NH cũng tăng mạnh hoạt động huy động vốn từ kênh TP. Cụ thể, 2 ngành này chiếm lần lượt 56% và 43% tổng giá trị phát hành trong tháng 4.

Trong nhóm ngành NH, Techcombank phát hành 1 lô TP với tổng giá trị đạt 3.000 tỷ đồng, có kỳ hạn 3 năm và lãi suất 3,7%/năm. MSB phát hành 2 lô TP với tổng giá trị đạt 2.800 tỷ đồng, có kỳ hạn 3 năm và lãi suất 3,9%/năm. MBBank phát hành 6 lô TP với tổng giá trị đạt 2.000 tỷ đồng, đều có kỳ hạn trên 5 năm và lãi suất từ 6,2-6,8%/năm.

Giữ chân người gửi tiền

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến 25-3, huy động vốn (gồm dân cư và tổ chức) của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với đầu năm, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng gần 1,2%. Đặc biệt, tiền gửi của dân lần đầu tiên giảm trong hơn 2 năm qua.

Tiền gửi đã suy giảm trong bối cảnh lãi suất thấp, dòng tiền có xu hướng chảy sang các kênh đầu tư sinh lợi tốt hơn như chứng khoán hay bất động sản. Đặc biệt gần đây, giá vàng lại tăng mạnh lên vùng giá 90 triệu đồng/lượng, và giá vàng thế giới cũng chưa dừng tăng trước các lo ngại bất ổn địa chính trị, đã kích thích dòng tiền chảy từ kênh tiền gửi sang kênh vàng.

Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng đã xuất hiện tín hiệu tăng nhanh. Trước đó NHNN công bố tăng trưởng tín dụng đến ngày 25-3 là 0,26%, nhưng đến ngày 10-4 tăng trưởng tín dụng đã đạt trên 1%. Do vậy muốn có nguồn tiền các NH buộc phải quay lại tìm giải pháp huy động vốn.

Mặt khác, điều hành của NHNN cũng khiến thanh khoản hệ thống NH gần đây bớt dư thừa. Chẳng hạn mặt bằng thấp của lãi suất là nguyên nhân chính và chủ yếu khiến áp lực tỷ giá luôn thường trực khi chỉ số USD Index vẫn duy trì ở mức cao.

Do vậy, NHNN đã hút ròng khoảng 58.000 tỷ đồng ra khỏi hệ thống trong thời gian từ ngày 1-4 đến ngày 3-5 qua kênh nghiệp vụ thị trường mở (OMO), nhằm thu hẹp mức chênh lệch lãi suất USD-VNĐ, giảm áp lực tỷ giá. Điều này đã tác động lên thanh khoản của các NH.

Đồng thời, lãi suất liên NH đã tăng rất mạnh trong thời gian ngắn. Ngày 28-3, lãi suất kỳ hạn qua đêm chỉ ở mức 0,31%/năm, 1 tuần 1,7%/năm, 2 tuần 1,97%/năm, 1 tháng 3,16%/năm, 3 tháng 3,82%/năm, 6 tháng 4,2%/năm và 9 tháng 5,16%. Tuy nhiên từ tháng 4 đến nay, lãi suất cho vay trên thị trường liên NH vọt lên trên 4%/năm.

Tại ngày 14-5, lãi suất cho vay qua đêm là 4,22%/năm, 1 tuần 4,36%/năm, 2 tuần và 1 tháng là 4,48%/năm, 3 tháng 5,02%/năm, 6 tháng 5,3%/năm, 9 tháng 5,64%/năm. Theo đó, các mức lãi suất cho vay trên thị trường liên NH (thị trường 2) đều cao hơn lãi suất huy động trên thị trường dân cư và tổ chức kinh tế (thị trường 1).

Trong bối cảnh như vậy, các NH sẽ phải tìm giải pháp để tránh thiếu hụt thanh khoản. Mới đây, NHNN cũng chính thức công bố dự thảo về việc gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN, quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn đến cuối năm 2024.

Theo đó, nhiều khoản nợ sẽ tiếp tục được giữ nguyên nhóm nợ thêm 6 tháng nữa, để doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn mới, nên nhu cầu vốn để cho vay dự kiến sẽ khởi sắc hơn trong thời gian tới. Tại đại hội cổ đông năm 2024, lãnh đạo nhiều NH cũng cho biết, lãi suất huy động khó có thể duy trì như những tháng đầu năm. Xu hướng tăng đã và sẽ tiếp tục diễn ra từ nay đến cuối năm cùng với tiến độ phục hồi của nền kinh tế cũng như của tín dụng.

Ngoài ra, một áp lực khác khiến NH phải tăng cường hút vốn bằng cách huy động qua kênh TP, để bù đắp lượng TP mua lại sẽ đáo hạn vào năm sau cũng như bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn, khi tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đã giảm xuống mức 30%. Nói cách khác, sau một thời gian thờ ơ với tiền gửi, nay ngành NH đang có tín hiệu bước vào giai đoạn phải cạnh tranh với các kênh đầu tư khác để hút tiền quay trở lại.

Tuy nhiên, tăng lãi suất để hút lượng tiền gửi từ dân cư có bơm vào nền kinh tế hay không, vẫn cần có thời gian để chứng minh tăng trưởng nền kinh tế sau quý II sẽ như thế nào? Doanh nghiệp sản xuất có đơn hàng hay không, có còn kêu ca vay vốn từ NH sẽ ra sao?

Hiện tại áp lực tỷ giá chưa giảm nhiều, dự báo trong giai đoạn tiếp theo, NHNN vẫn sẽ tiếp tục các bước điều chỉnh linh hoạt, theo sát diễn biến thị trường và công cụ lãi suất sẽ được sử dụng nhằm ổn định tỷ giá.

CÁT TƯỜNG

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/tien-chay-vao-dau-khi-nha-bang-van-khat-von-post114168.html
Zalo