Tiềm năng du lịch huyện vùng biên cần được 'đánh thức'

Dựa trên những tiềm năng, lợi thế đặc thù, du lịch đang được xác định là một trong những mục tiêu trọng tâm trong chiến lược xây dựng và phát triển của huyện Mường Lát. Tuy nhiên, trên con đường hiện thực hóa mục tiêu này, huyện Mường Lát còn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.

Tiềm năng du lịch từ hệ thống hang động ở huyện Mường Lát. (Trong ảnh: Hang Da Báo, ở bản Poọng, xã Tam Chung).

Tiềm năng du lịch từ hệ thống hang động ở huyện Mường Lát. (Trong ảnh: Hang Da Báo, ở bản Poọng, xã Tam Chung).

Huyện Mường Lát với hơn 100km đường biên giới, là nơi hội tụ nhiều địa danh nổi tiếng, như Cổng Trời, bản Sài Khao, bia tưởng niệm đoàn quân Tây Tiến, đền Tư Mã Hai Đào... Vùng đất này còn được thiên nhiên ưu đãi với hệ sinh thái phong phú, gồm những hang động kỳ thú, thác nước hùng vĩ, rừng nguyên sinh bạt ngàn và những thửa ruộng bậc thang uốn lượn tạo nên vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng. Điểm nổi bật của huyện Mường Lát còn nằm ở sự đa dạng văn hóa của các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú... với những phong tục, tập quán truyền thống được gìn giữ nguyên vẹn qua thời gian, tạo thành kho tàng văn hóa sống động cho phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm và khám phá.

Chúng tôi đến xã Tam Chung - địa phương nằm bên bờ sông Mã, sở hữu nhiều dư địa để phát triển du lịch cộng đồng và du lịch trải nghiệm. Ông Lò Văn Liệu, Chủ tịch UBND xã Tam Chung, cho biết: Thực hiện Kế hoạch số 152/KH-UBND ngày 2/8/2023 của UBND huyện Mường Lát về triển khai Đề án Phát triển du lịch huyện Mường Lát, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, từ nguồn ngân sách Nhà nước, nguồn xã hội hóa và tài trợ từ các tổ chức, UBND xã Tam Chung đang tập trung nguồn lực đầu tư vào một số hạng mục hạ tầng nhằm phát triển du lịch cộng đồng. Trong đó, ưu tiên xây dựng bãi đỗ xe đạt chuẩn phục vụ khách du lịch; lắp đặt cổng chào, biển hiệu chỉ dẫn, bảng nội quy và thông tin du lịch; trang thiết bị thu gom rác thải; vận động người dân xây dựng nhà tắm, nhà vệ sinh đạt chuẩn; sửa chữa nhà cửa phục vụ dịch vụ du lịch; xây dựng quầy trưng bày và bán các sản phẩm đặc sản địa phương...

Để sớm khai thác những tiềm năng du lịch huyện Mường Lát, ngày 18/5/2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1673/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Phát triển du lịch huyện Mường Lát đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu đặt ra là xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân, tạo “đòn bẩy” xóa đói giảm nghèo bền vững. Theo định hướng, huyện sẽ tập trung phát triển ba nhóm sản phẩm du lịch chủ lực, gồm: du lịch cộng đồng gắn với đời sống văn hóa truyền thống ở các bản làng giáp biên giới; du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh liên kết với các điểm đến có giá trị khám phá và trải nghiệm, như bản Sài Khao, bia tưởng niệm đoàn quân Tây Tiến, đền Tư Mã Hai Đào, thiền viện Đại Hóa...; du lịch sinh thái và mạo hiểm tại các khu vực giàu tài nguyên tự nhiên. Trong giai đoạn 2023-2025, mục tiêu thu hút du khách nội tỉnh, đồng thời mở rộng kết nối với các trung tâm du lịch trong nước như Hà Nội và các tỉnh Tây Bắc. Bên cạnh đó, Mường Lát cũng hướng đến khai thác thị trường khách quốc tế từ Lào thông qua Cửa khẩu Quốc gia Tén Tằn.

Mặc dù định hướng phát triển đã rõ ràng và tiềm năng du lịch là khá phong phú, nhưng kết quả đạt được cho đến nay lại chưa tương xứng. Nguyên nhân chủ yếu là do hạn chế về nguồn lực đầu tư, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, dịch vụ du lịch còn manh mún, thiếu các sản phẩm đặc trưng. Bên cạnh đó, công tác quảng bá hình ảnh địa phương còn chưa được chú trọng đúng mức, hoạt động truyền thông và xúc tiến du lịch chưa hiệu quả. Hợp tác phát triển du lịch trong tỉnh cũng như xuyên biên giới với các huyện Viêng Xay, Sốp Bâu (Lào) gặp khó khăn do thiếu cơ chế phối hợp.

Ông Lò Văn Tuấn, Phó trưởng Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Mường Lát, chia sẻ: Mường Lát có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, đặc biệt là các điểm đến mang đậm bản sắc văn hóa và dấu ấn lịch sử. Qua kiểm kê tại các xã, thị trấn trên toàn huyện, đã ghi nhận 8 di sản văn hóa vật thể (di tích thắng cảnh hang Chùng, hang Cú ở xã Tam Chung; thác Pù Toong ở xã Pù Nhi; bia tưởng niệm đoàn quân Tây Tiến ở xã Mường Lý; di tích lịch sử đền thờ Tư Mã Hai Đào...) và 53 di sản văn hóa phi vật thể (tiêu biểu như lễ cầu mùa, lễ cấp sắc của người Dao, lễ Xên Mường của người Thái...). Tuy nhiên, để biến tiềm năng thành lợi thế khai thác, Mường Lát rất cần sự đồng hành từ các cấp, ngành và sự vào cuộc của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò của phát triển du lịch bền vững. Song song với đó là việc tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng làm du lịch cho người dân và cán bộ cơ sở; đồng thời, đẩy mạnh công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng biên. Ngoài sự nỗ lực nội tại, Mường Lát kỳ vọng sẽ có thêm sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, cùng chính sách hỗ trợ kịp thời từ Trung ương và tỉnh Thanh Hóa. Khi những “nút thắt” được tháo gỡ, tiềm năng du lịch huyện Mường Lát kỳ vọng sẽ được “đánh thức”, trở thành điểm sáng du lịch của miền Tây xứ Thanh.

Bài và ảnh: Đình Giang

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/tiem-nang-du-lich-huyen-vung-bien-can-duoc-danh-thuc-36700.htm
Zalo