Tiêm mũi 3 vẫn nhiễm Omicron, vaccine Covid-19 còn hiệu quả?
Thế giới hiện đã ghi nhận không ít trường hợp nhiễm biến thể Omicron mới của virus SARS-CoV-2 dù đã được tiêm liều vaccine tăng cường ngừa Covid-19, đặt ra câu hỏi về hiệu quả của tiêm chủng trong cuộc chiến chống dịch lúc này.
Kháng thể không phải chốt chặn duy nhất
Theo một báo cáo của Trụ sở Kiểm soát Dịch bệnh Trung ương Hàn Quốc về các trường hợp nhiễm Covid có liên quan tới biến thể Omicron tại nước này, cũng như các phát hiện dịch tễ học liên quan được công bố hôm 19/12, 4/178 cá nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với biến thể Omicron dù đã được được tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ 3.
Trong khi đó, Cơ quan quản lý dân sự thành phố Mumbai (BMC), Ấn Độ, mới đây cũng đã phát hiện một nam giới 29 tuổi, từng du lịch đến Mỹ và đã được tiêm ngừa 3 mũi vaccine Pfizer, nhiễm virus chủng Omicron.
Mặc dù Pfizer và đối tác liên kết BioNTech đã tuyên bố rằng mũi tiêm vaccine thứ 3 ngừa Covid-19, còn được gọi là liều tăng cường, có thể tăng kháng thể gấp 25 lần và giúp vô hiệu hóa Omicron, nhiều chuyên gia về miễn dịch vẫn tỏ ra nghi ngờ về những tuyên bố này và có những giải thích đơn giản về cơ chế hoạt động thực sự của vaccine.
Tiến sĩ Syamal Roy, cựu Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm và Miễn dịch học, Viện Sinh học Hóa học Ấn Độ - nói với Outlookindia: "Các loại vaccine hiện hành đã được phát triển từ chủng virus ban đầu. Vì vậy, những vaccine này giúp tạo ra một loại kháng thể chỉ có hiệu quả chống lại các chủng gốc. Nó không thể ngăn chặn các biến thể mới như Omicron có tới 32 đột biến".
Trong cuộc chiến chống lại Covid-19, một thành phần quan trọng của hệ thống miễn dịch của con người đã được đặt lên hàng đầu chính là kháng thể. Các protein hình chữ Y này đã trở thành mối quan tâm hàng đầu trong thời gian vừa qua, khi các mũi tiêm vaccine dường như không tạo ra nhiều protein Y hoạt động chống lại Omicron so với các chủng trước đây.
Được thúc đẩy bởi vaccine, các kháng thể bám vào protein đột biến bám trên bề mặt của virus, ngăn nó xâm nhập vào tế bào và làm cho vật chủ bị bệnh. Dù các kháng thể là quan trọng, chúng được cho không phải là chốt chặn duy nhất trước sự tấn công của virus.
"Nó (việc chống lại virus của cơ thể) là một phản ứng phức hợp và phối hợp thực sự "đẹp" theo quan điểm tiến hóa", nhà miễn dịch học Roger Shapiro của Harvard nói.
Trong vài phút và vài giờ sau khi tiếp xúc với virus, các protein truyền tín hiệu sẽ phát ra các cảnh báo để chiêu mộ những "chiến binh" của hệ thống miễn dịch bẩm sinh trong cơ thể con người.
Đầu tiên là bạch cầu trung tính, chiếm 50 - 70% của tất cả các bạch cầu và rất nhanh nhạy trong việc chiến đấu với virus, nhưng cũng rất nhanh chóng bị tiêu diệt.
Những "chiến binh" khác bao gồm các "đại thực bào" đảm nhiệm việc "ăn" các mầm bệnh và giúp "đào tạo" các thế hệ sau của chúng thông minh hơn. Các tế bào này được đặt tên là "sát thủ tự nhiên" và các tế bào đuôi gai truyền thông tin của chúng cho các "chiến binh" khác trở nên tinh nhuệ hơn.
John Wherry, một nhà nghiên cứu miễn dịch học tại Đại học Pennsylvania, cho biết: "Nó giống như một vụ rải bom toàn bộ khu vực và hy vọng gây sát thương cho những kẻ xâm lược càng nhiều càng tốt... đồng thời phát báo động về trụ sở chỉ huy để chuẩn bị cho các đơn vị đặc nhiệm sẵn sàng hành động".
Nếu những kẻ xâm lược - virus - không bị đánh đuổi, hệ thống miễn dịch thích ứng sẽ được kích hoạt.
Vài ngày sau lần nhiễm virus đầu tiên, tế bào B thích nghi với mối đe dọa và bắt đầu bơm ra kháng thể. Tiêm vaccine phòng bệnh trước đó cũng giúp các tế bào B - chủ yếu nằm bên trong các hạch bạch huyết ở nách, gần vị trí tiêm - trở nên sẵn sàng "chiến đấu".
Ông Shapiro ví tế bào B như những "đặc vụ tình báo", nắm giữ thông tin quan trọng về các mối đe dọa từ virus. Các loại kháng thể mạnh nhất, được gọi là "kháng thể trung hòa", giống như kẹo cao su dính vào đầu chìa khóa, ngăn nó mở các ổ khóa.
Trong khi đó, có những kháng thể khác, ít được báo trước hơn, không dính như loại trung hòa nhưng vẫn giúp "bắt" virus, kéo nó về phía các tế bào miễn dịch hoặc kêu gọi sự giúp đỡ và nâng cao phản ứng tổng thể.
Các đối tác chính này của tế bào B là tế bào T, được ví như các "sát thủ được đào tạo". Chúng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm và tiêu diệt, chọc thủng các lỗ trong tế bào bị nhiễm bệnh, làm chúng mở ra và kích hoạt các phản ứng để đưa các protein gây viêm được gọi là "cytokine" đến để chiến đấu.
Cơ hội vẫn còn
Do chứa số lượng protein đột biến lớn chưa từng có, biến thể Omicron có thể dễ dàng "trốn thoát" hơn bằng cách trung hòa các kháng thể được tạo ra do nhiễm bệnh hoặc tiêm chủng trước đó.
Điều này khiến mọi người dễ bị nhiễm bệnh có triệu chứng hơn, nhưng tin tốt là tế bào T không dễ bị đánh lừa.
Ông Wherry giải thích, các tế bào T sở hữu "kính tiềm vọng" nhìn thấu các tế bào bị nhiễm, nơi chúng có thể tìm kiếm các bộ phận cấu thành của virus trong chu kỳ nhân lên của nó. Chúng hiệu quả hơn cả trong việc nhận biết các dấu hiệu nhiễm bệnh mà chúng đã gặp trước đây, ngay cả khi những chiêu bài mới của chủng mới giúp virus vượt qua được các kháng thể.
Lưu ý rằng hệ thống miễn dịch của một số người không phản ứng với vaccine đã được tiêm, tiến sĩ Syamal Roy tổng kết lại: "Như vậy, vaccine có thể không giúp ngăn chặn virus hoặc các biến thể của nó xâm nhập vào cơ thể vì nhiều lý do khác nhau, nó vẫn sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch tổng thể, có thể giải quyết virus bên trong cơ thể và không để virus gây ra bệnh nặng".
Tùy thuộc vào tốc độ phản ứng, một người được tiêm chủng bị nhiễm đột phá - nhiễm sau khi đã tiêm vaccine - có thể có các triệu chứng nhẹ, giống như cảm lạnh thông thường hoặc các triệu chứng nặng hơn giống như cúm, nhưng khả năng mắc bệnh nặng giảm đáng kể.
Điều này có nghĩa là đối mặt với các biến thể, bao gồm cả Omicron, những mũi tiêm tăng cường có tác dụng làm gia tăng việc sản xuất tất cả các loại kháng thể, dường như cũng đào tạo thêm các tế bào B và T.
"Omicron đáng lo lắng, nhưng cơ hội vẫn còn. Nó (virus) sẽ không hoàn toàn né tránh được phản ứng của chúng ta", chuyên gia Wherry nói.