Tiêm kích Su-35 là loại máy bay chiến đấu hàng đầu của Không quân Nga, vượt qua các đối thủ về sức cơ động, phạm vi bay, cự ly phát hiện mục tiêu, tác chiến điện tử và nhiều đặc điểm khác, nhưng Moskva còn dự định gia tăng sức mạnh cho nó thông qua việc trang bị tên lửa siêu thanh.
Mặc dù nhiệm vụ chính của Su-35 là không chiến với tiêm kích đối phương nhưng nó có khả năng mang nhiều loại vũ khí chính xác cao để tấn công mục tiêu trên bộ và trên biển. Đây là lợi thế so với đối thủ từ Mỹ là F-22 Raptor, tờ Military Watch cho biết.
Su-35 có 12 giá treo vũ khí với tổng trọng lượng 8 tấn, bao gồm từ tên lửa không đối không có khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 400 km, đến vũ khí cận chiến, "khóa mục tiêu" trên mũ bay của phi công.
Tên lửa lâu đời nhất trong kho vũ khí của Su-35 là R-27 chế tạo từ thời Liên Xô, loại tên lửa này vẫn tiếp tục được sử dụng vì chi phí thấp và độ tin cậy của nó. Đạn được trang bị đầu dẫn dò bán chủ động, nghĩa là phi công phải luôn giữ mục tiêu trong "tầm nhìn".
Số lượng tên lửa R-27 có thể phóng đồng thời cũng bị hạn chế, đây là nhược điểm lớn dù cho nó có tầm bắn lên tới 130 km, vượt xa hầu hết các loại vũ khí tương tự trên máy bay chiến đấu của phương Tây và Trung Quốc.
Tuy nhiên trong các hoạt động tác chiến nghiêm túc - ví dụ như ở Syria - Su-35 sử dụng loại đạn tầm trung hiện đại hơn là R-77 sử dụng đầu dò radar chủ động và làm việc theo nguyên tắc "bắn và quên".
Tầm bắn của R-77M đã tăng lên 200 km và đầu dò với radar AESA có khả năng chống nhiễu cao. Việc tích hợp các cảm biến radar bổ sung ở bên hông giúp Su-35 có thể đối phó hiệu quả với máy bay tàng hình.
Tên lửa tầm xa nhất trong kho vũ khí của Su-35 là huyền thoại R-37M khi nắm giữ kỷ lục tuyệt đối về tầm xa, đạt 400 km. Loại đạn này có kích thước lớn và nặng, khiến một máy bay chiến đấu chỉ có thể mang theo tối đa 4 quả.
Điều này được bù đắp bởi tốc độ cao (Mach 6) và đầu đạn cực mạnh nặng 60 kg. Một máy bay chiến đấu vũ trang R-37 có khả năng giữ AWACS cũng như máy bay tiếp dầu ở khoảng cách lớn so với nơi diễn ra hoạt động tác chiến, điều mà không quân NATO chưa quen khi chiến đấu.
Để cận chiến, Su-35 sử dụng tên lửa tầm nhiệt R-73 và R-74 (RVV-MD). Cả hai loại đạn đều được điều khiển từ bộ chỉ định mục tiêu gắn trên mũ phi công; R-74, do khả năng cơ động cao hơn, có thể bắn trúng mục tiêu từ các góc không mong muốn.
Đừng quên vũ khí lợi hại cho các cuộc đấu trên không của Su-35 còn có pháo tự động bắn nhanh GSH-30-1 cỡ 30 mm với cơ số đạn 150 viên tích hợp với hệ thống điều khiển hỏa lực của máy bay để tăng độ chính xác những phát bắn.
Su-35 có thể tấn công mặt đất bằng cả rocket không điều khiển S-13 và S-25 đơn giản, cũng như các loại bom hiện đại có trọng lượng khác nhau (phổ biến nhất là 500 kg) với kênh dẫn đường truyền hình, laser và vệ tinh. Đối với mục tiêu đặc biệt kiên cố, bom dẫn đường nặng 1,5 tấn sẽ được sử dụng.
Trong trường hợp đột phá phòng không, Su-35 có thể "dập tắt" radar đối phương bằng tên lửa thuộc họ Kh-31 - tốc độ bay của chúng là Mach 3, tầm bắn 110 km. Mỗi máy bay có khả năng mang 6 đạn loại này, và đủ sức tiêu diệt ngay cả một đối tượng được bảo vệ tốt.
Một trong những tên lửa thú vị nhất trong kho vũ khí của Su-35 là phiên bản hàng không của tên lửa 3M-14 Kalibr-A có tầm bắn lên tới 2.500 km. Với vũ khí này, máy bay có thể tấn công các mục tiêu ở hầu hết châu Âu mà không cần rời khỏi không phận Nga.
Việc bổ sung tên lửa siêu thanh chiến thuật Kalibr-A sẽ mở rộng khả năng tấn công của lực lượng Hàng không vũ trụ Nga, thay vì phụ thuộc vào số lượng MiG-31K mang Kh-47M2 Kinzhal còn khá khiêm tốn.
Việt Dũng