Tiêm kích F-35 bay tại Mỹ nhưng truyền được dữ liệu tới tận châu Âu

Nhà thầu quốc phòng Mỹ Lockheed Martin khẳng định một trong những tiêm kích F-35 của họ đã gửi được dữ liệu từ Texas (Mỹ) đến một căn cứ quân sự cách đó hơn 8.000 km ở Đan Mạch. Lockheed Martin gọi sự kiện này là cột mốc.

Chiến đấu cơ F-35 do Hãng Lockheed Martin của Mỹ sản xuất. Ảnh tư liệu: PAP/TTXVN

Chiến đấu cơ F-35 do Hãng Lockheed Martin của Mỹ sản xuất. Ảnh tư liệu: PAP/TTXVN

Các chiến đấu cơ F-35 của quân đội Đan Mạch bay ra khỏi thành phố Fort Worth tại bang Texas. Sau đó, chiếc F-35 đã xuất dữ liệu qua DAGGR-2, do Chương trình phát triển tiên tiến của Lockheed, chế tạo.

Hệ thống chỉ huy và kiểm soát sau đó đã truyền thông tin được phân loại qua vệ tinh thương mại đến căn cứ không quân Skrydstrup của Đan Mạch.

Theo Business Insider (Mỹ), Lockheed Martin vào ngày 19/5 khẳng định đây là thành công tiếp theo trong loạt trình diễn Tác chiến Đa miền (MDO), chứng minh khả năng của F-35 trong vai trò lực lượng khuếch đại sức mạnh, tạo điều kiện cho các lực lượng đồng minh nhanh chóng triển khai năng lực sẵn sàng để kết nối các hệ thống trong toàn bộ không gian chiến đấu.

Nói một cách đơn giản, lợi thế của F-35 không chỉ giới hạn ở những loại vũ khí mà nó mang theo. Chiến đấu cơ này còn có thể tăng cường nhận thức tình huống và trở thành nhân tố điều phối then chốt.

Tổng tư lệnh Không quân Đan Mạch, Tướng Jan Dam ca ngợi cuộc trình diễn gần đây là cột mốc quan trọng hướng tới việc nâng cao năng lực của Đan Mạch. Theo ông, nó tạo điều kiện để đội ngũ MDO Đan Mạch quan sát trong thời gian thực tiềm năng của F-35 đối với thu thập, phân tích và chia sẻ dữ liệu nâng cao trên các mạng lưới phân tán về mặt địa lý.

Đan Mạch là một trong tám quốc gia tham gia chương trình F-35 đa quốc gia ban đầu. Chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ năm này đã được bán cho 12 quốc gia khác trên khắp thế giới. Hơn 1.200 chiếc F-35 được chuyển giao cho quân đội các nước này, bao gồm cả Mỹ, kể từ khi chiếc đầu tiên rời khỏi dây chuyền sản xuất gần hai thập niên trước.

F-35 được coi là thành phần chủ chốt của sức mạnh Không quân Mỹ. F-35 có thể thu thập thông tin tình báo, tấn công sâu vào lãnh thổ đối phương và tham gia vào “đấu tay đôi” trên không.

Cuộc trình diễn gần đây chứng minh F-35 có thể thu thập thông tin quan trọng một cách hiệu quả và phân phối cho các đồng minh.

Vào tháng 4, Lockheed Martin chia sẻ rằng một chiếc F-35 của Đan Mạch đã chuyển tiếp dữ liệu nhạy cảm đến một trung tâm chỉ huy tại căn cứ Không quân Leeuwarden trong cuộc tập trận của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Ramstein Flag 2025. Sau đó, thông tin được chuyển đến một hệ thống pháo phản lực để tiêu diệt mục tiêu.

Mỹ hiện vận hành cả ba biến thể F-35. Trong đó, biến thể F-35A để cất cánh và hạ cánh thông thường, biến thể F-35B cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng, còn biến thể F-35C hoạt động trên chiến hạm. Mỹ đã sử dụng cả 3 biến thể trong các chiến dịch ở Trung Đông.

Không quân Đan Mạch hiện vận hành F-35A cho các hoạt động của lực lượng này.

Vào tháng 5/2018, Israel tuyên bố là quốc gia đầu tiên đưa F-35 vào chiến đấu. Israel là quốc gia đầu tiên mua F-35 của Mỹ.

Các loại vũ khí mà F-35 có thể mang theo cũng rất đa dạng. Trong cấu hình được gọi là "chế độ quái thú", nó mang bốn quả bom dẫn đường bằng laser 226 kg GBU-12 trên cánh, hai quả bom GBU-12 trong khoang vũ khí và một tên lửa tầm nhiệt không đối không AIM-9.

Tiêm kích F-35 được kỳ vọng trở thành trụ cột của phi đội thuộc Hải quân, Không quân và Lính thủy đánh bộ Mỹ, thay thế một số loại chiến đấu cơ từ thời Chiến tranh Lạnh như F/A-18 A-D, AV-8B, A-10 và F-16.

Hà Linh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/tiem-kich-f35-bay-tai-my-nhung-truyen-duoc-du-lieu-toi-tan-chau-au-20250521080904128.htm
Zalo