Tiếc thương người thầy cả đời gắn với cây lúa, hạt gạo
GS-TS Võ Tòng Xuân là nhà khoa học gần gũi, luôn nỗ lực sáng tạo, tâm huyết trong việc chuyển đổi tư duy sản xuất cho nông dân. Ông dành cả cuộc đời cho cây lúa, hạt gạo Việt Nam. Tiếc thương trước sự ra đi của GS-TS Võ Tòng Xuân, Báo SGGP xin lược ghi những cảm xúc dành cho ông.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT LÊ MINH HOAN:
Cấu trúc ngành hàng lúa gạo bền vững
Hạt gạo Việt Nam được thế giới biết đến nhiều hơn cũng nhờ GS-TS Võ Tòng Xuân giới thiệu thông qua các diễn đàn quốc tế. Trong những lần tiếp xúc, trao đổi công việc với lãnh đạo Bộ NN-PTNT, GS luôn nhắc nhở ngành nông nghiệp còn nhiều dư địa để phát triển, phải biến khó khăn, thách thức thành cơ hội để phát triển; vấn đề là phải có cách tiếp cận tốt. Chính GS là người truyền tải cho tôi niềm tin rằng, chúng ta có thể thay đổi ngành hàng lúa gạo, thích ứng với xu thế mới, với biến đổi khí hậu. Và ông cũng là người gợi ý cho tôi cấu trúc lại ngành hàng lúa gạo bền vững hơn.
Tôi nghĩ rằng, bà con nông dân ĐBSCL rất biết ơn GS-TS Võ Tòng Xuân, người đã tạo ra giống lúa IR; các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội kinh doanh lúa gạo cũng nhớ về một trong những người khởi tạo ra ngành hàng để hôm nay mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, cũng như mang lại hình ảnh thương hiệu quốc gia Việt Nam về lúa gạo. Với những đóng góp to lớn của ông, chúng ta phải biến tiếc thương thành hành động, chung tay đưa ngành hàng lúa gạo nói riêng, nông nghiệp Việt Nam nói chung phát triển hơn nữa. Khi chúng ta hát bài Hát về cây lúa hôm nay, thì không quên hát về một người thầy cả đời gắn với cây lúa, với hạt gạo, với ruộng đồng, đó là GS-TS Võ Tòng Xuân.
GS-TS NGUYỄN THỊ LANG, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao ĐBSCL:
Học ở thầy sự tâm huyết
Năm 2005, khi đang ở Tây Phi giúp nông dân sở tại phát triển nông nghiệp, GS-TS Võ Tòng Xuân gọi điện nhờ tôi chuyển một số giống lúa qua nước này để giúp họ có cây giống thích hợp. Tôi gửi 10 giống lúa của Việt Nam sang. Bằng kinh nghiệm và kiến thức của mình, GS đã giúp nước bạn nhân giống và trồng trọt thành công, đến nay các giống lúa này được trồng phổ biến ở Tây Phi.
GS-TS Võ Tòng Xuân là người có tinh thần lao động không mệt mỏi. Với các cộng sự, ông luôn khuyến khích sáng tạo, chứ không máy móc, áp đặt. Đặc biệt, ông rất chú trọng đào tạo thế hệ trẻ kế cận. Sự tâm huyết, cống hiến của ông đủ để chúng ta, những người làm công tác nghiên cứu nông nghiệp học tập, cùng chung tay đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển hơn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi vòng hoa viếng GS-TS Võ Tòng Xuân
Trưa 21-8, thừa ủy quyền của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ, dẫn đầu đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ mang vòng hoa của Thủ tướng đến viếng GS-TS Võ Tòng Xuân. Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ cùng đoàn đã ân cần thăm hỏi, chia buồn và động viên gia đình GS-TS Võ Tòng Xuân sớm vượt qua đau thương, mất mát. Trong ngày, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cũng gửi vòng hoa đến viếng GS-TS Võ Tòng Xuân.
TS ĐẶNG KIM SƠN, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN-PTNT):
Gương sáng về nghị lực và cống hiến
Bên cạnh vai trò là nhà khoa học, GS Võ Tòng Xuân còn là một nhà giáo tận tâm, từng tham gia xây dựng và phát triển nhiều trường đại học tại ĐBSCL như Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học An Giang, Trường Đại học Nam Cần Thơ... Ông cũng là một người sống giản dị, luôn hướng về cộng đồng. GS từng từ chối nhiều cơ hội nghề nghiệp với mức lương cao ở nước ngoài để quay về Việt Nam, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và nông nghiệp. GS-TS Võ Tòng Xuân được ngưỡng mộ không chỉ bởi những đóng góp cho khoa học mà còn bởi phẩm chất đạo đức cao đẹp.
PGS-TS LÊ VIỆT DŨNG, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ:
Người bắc nhịp cầu đầu tiên cho khuyến nông miền Tây
Cách truyền lửa “khuyến nông” của GS-TS Võ Tòng Xuân đã truyền đi tư duy chiến lược, tầm nhìn xa trong nông nghiệp. Chính GS là người xây dựng “Nhịp cầu nhà nông” từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước.
Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, GS đã nhìn thấy vấn đề phát triển mạng lưới hợp tác xã nông nghiệp là rất cần thiết. Thầy là người đầu tiên đưa nông dân tỉnh Cần Thơ (nay là TP Cần Thơ và Hậu Giang) đi tham quan và học hỏi mô hình hợp tác xã nông nghiệp ở Nhật Bản.