Tiếc nuối vì sự 'tắc nghẽn'

Bộ phim Bà già đi bụi (Công ty CP Phim truyện I) vừa được sản xuất bằng ngân sách Nhà nước, sau vài phiên chiếu miễn phí đã phải cất vào kho, chờ dịp lễ hội, liên hoan nào đó mới có thể xuất hiện. Câu chuyện này lại một lần nữa gây xôn xao dư luận.

Bối cảnh trong phim Đào, phở và piano

Bối cảnh trong phim Đào, phở và piano

Sau thành công bất ngờ của Đào, Phở và Piano, việc làm sao để phát hành phim có hiệu quả đã được nêu ra, bàn bạc, thảo luận… nhưng rồi đâu vẫn vào đấy. Phim tiếp tục điệp khúc: sản xuất, nghiệm thu, chiếu phục vụ khách mời... rồi lại “cất kho”.

Trước đó, bộ phim Vầng trăng thơ ấu (Công ty CP phim Giải Phóng) ra mắt đúng vào thời điểm Đào, Phở và Piano vẫn đang là một hiện tượng được chú ý. Phim ngay lập tức được hai nhà phát hành tư nhân là Mega GS và Saigon Movies đánh tiếng xin được chiếu thương mại. Ông Nguyễn Tiến Hưng, đại diện Công ty CP phim Giải Phóng, thậm chí còn viết đơn lên Cục Điện ảnh, Bộ VH-TT-DL để xin được phổ biến phim rộng rãi. Thế nhưng, rốt cục phim cũng chỉ được chiếu miễn phí phục vụ sự kiện vài buổi rồi lại mang vào kho bảo quản.

Nguyên nhân, vẫn là câu chuyện cũ, sự “tắc nghẽn” do cơ chế. Dù rằng hiện tượng Đào, Phở và Piano đã cho thấy phim Nhà nước đầu tư hoàn toàn có thể thu hút khán giả đến rạp, đáp ứng các yêu cầu về tuyên truyền, phổ biến tác phẩm, nhưng như Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành thẳng thắn thừa nhận: “…chưa có quy định nào về phát hành, phổ biến dòng phim được sản xuất bằng ngân sách nhà nước”.

Một bộ phim dù hay hay dở đều xứng đáng được trình chiếu rộng rãi tại các rạp chiếu phim. Đây chính là bước cuối cùng và quan trọng trong quy trình sản xuất. Nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng, việc chỉ chiếu phim cho một nhóm đối tượng nhỏ sẽ làm giảm đáng kể sức ảnh hưởng và giá trị của tác phẩm, cũng như tự hạn chế mục tiêu đầu tiên là phục vụ nhiệm vụ chính trị. Điều này càng trở nên đáng tiếc với những bộ phim được đầu tư kỹ lưỡng và có khả năng cạnh tranh sòng phẳng với các phim thương mại trên thị trường.

Việc thiếu vắng một cơ chế phát hành phim điện ảnh do Nhà nước đặt hàng, rõ ràng đang kìm hãm sự phát triển của ngành điện ảnh Việt Nam. Để giải quyết vấn đề này, cần có những quy định cụ thể, chi tiết hơn trong các văn bản pháp luật. Việc xây dựng nghị định về phát hành phim do Nhà nước đặt hàng, như đề xuất vừa qua của Cục Điện ảnh là một bước đi cần thiết. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Khi nào những quy định này mới được ban hành và thực hiện một cách hiệu quả, hay điệp khúc chờ vẫn cứ kéo dài?

VĂN TUẤN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tiec-nuoi-vi-su-tac-nghen-post762581.html
Zalo